Bộ máy nhà nước cần tinh gọn công năng

Câu chuyện thời sự lớn nhất trong những ngày này chính là cuộc cách mạng tinh giản bộ máy theo tinh thần của Tổng bí thư Tô Lâm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Tinh thần đó cần được cụ thể hóa như thế nào?

  

Tinh giản bộ máy là câu chuyện không mới. Từ nhiều năm nay nó vẫn là vấn đề thường trực trong các chương trình nghị sự, luôn là một quyết tâm được thể hiện trong hệ thống văn bản, báo cáo của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Nhưng chưa bao giờ, làn gió tinh giản lại thổi vào tâm trạng xã hội mạnh mẽ như trong những ngày này. Làn gió ấy khiến nhiều người cảm thấy sự trong trẻo, mát lành của hi vọng về một thể chế mạnh mẽ và hiệu quả, nhưng cũng khiến không ít người cảm thấy ớn lạnh vì nguy cơ mất đi những đặc quyền, đặc lợi hiện hữu. Và chính cái cảm giác ớn lạnh đó, như một lẽ thường tình, sẽ trở thành một cơ chế phòng vệ, ngăn trở làn gió đổi mới đang thổi về.

Chúng ta đều biết rằng, việc tinh giản bộ máy không chỉ đơn thuần là giảm bớt số người hưởng lương ngân sách một cách cơ học. Đồng nghĩa với việc giảm bớt số người là giảm bớt đầu mối, bớt chức danh, bớt quyền lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Bởi, nếu không giảm bớt quyền lực quản lý hành chính, việc giảm biên chế công chức, viên chức sẽ không thể bền vững. Khối lượng công việc phải kiểm soát, thực hiện không giảm, sớm hay muộn thì cũng dẫn đến gia tăng nhân lực để đảm bảo khả năng thực thi, theo cách này hoặc cách khác.

Một bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như tinh thần của Tổng bí thư Tô Lâm không chỉ là một bộ máy có ít người hơn, dù đó là những người giỏi nhất, mạnh nhất. Mà đó phải là một bộ máy cần ít con người hơn, tiêu hao ít năng lượng hơn, ít tính năng thừa thãi phù phiếm, chỉ còn những công năng thực sự cần thiết.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả (Ảnh: chinhphu.vn)

Việc quản trị nhà nước từ lâu đã được xác định trên tinh thần người dân được làm những gì nhà nước không cấm. Dù vậy, hầu hết những vấn đề người dân muốn làm, dù không bị cấm, vẫn luôn cần phải xin cấp phép, và việc cấp phép đôi khi lại chồng lấn bởi rất nhiều cơ quan khác nhau, hoặc qua nhiều tầng, nấc. Đó là một sự lãng phí khổng lồ, không chỉ lãng phí thời gian, công sức, cơ hội đầu tư của người dân, mà còn lãng phí rất nhiều nhân lực của bộ máy quản lý nhà nước.

Một bộ máy quản lý nhà nước hiệu quả dĩ nhiên không thể lãng phí nhân lực vào những việc vốn dĩ không cần thiết, nếu như tinh thần người dân được làm những gì mà nhà nước không cấm được tôn trọng.

Nếu như bỏ đi tất cả những giấy phép dành cho những việc nhà nước không cấm người dân làm, hàng ngàn công việc hành chính trong bộ máy các cấp sẽ không còn tồn tại. Quá trình đó sẽ không khác gì việc chúng ta dọn dẹp ổ cứng máy tính, xóa bỏ những tệp tin rác hình thành trong quá trình hoạt động.

Máy tính khi được dọn dẹp ổ cứng sẽ chạy nhanh hơn, xử lý tác vụ mượt mà, chính xác hơn. Bộ máy hành chính của chúng ta cũng vậy.

Xu hướng sáp nhập các đầu mối bộ, ngành, cơ quan, địa phương các cấp là một nỗ lực đáng kể để tinh gọn bộ máy. Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở việc sáp nhập cơ học này, nếu không mạnh tay tháo bỏ những rào cản hành chính trói buộc người dân, thông qua các loại giấy phép con, thì bộ máy có thể gọn hơn, nhưng chưa thể mạnh hơn vì vẫn phải kiêm nhiệm nhiều công năng khác nhau.

Tháo bỏ những ràng buộc hành chính một cách tối đa, giảm bớt những công năng không cần thiết không chỉ khiến bộ máy vận hành mạnh mẽ hơn, mà đồng thời cũng giải phóng năng lượng của xã hội. Người dân mạnh dạn khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư bằng nội lực của mình mà không cần dựa vào những kỹ năng chạy chọt, bôi trơn để qua cửa cấp phép.

Chi khi đó, khi mà nội lực, năng lượng của xã hội được giải phóng, khi ấy đất nước mới thực sự bước vào một kỷ nguyên vươn mình./.