Bỏ hồ sơ công an, cách nào hạn chế trục lợi bảo hiểm ô tô

Việc bỏ yêu cầu có hồ sơ công an trong thủ tục bồi thường với các sự cố, vụ va chạm, tai nạn không gây chết người; buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải siết chặt lại các quy trình, để hạn chế trục lợi.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Nghị định 03 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có hiệu lực từ 1/3/2021 đã bỏ yêu cầu có hồ sơ công an trong thủ tục bồi thường với các sự cố, vụ va chạm, tai nạn không gây chết người. Điều này buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải siết chặt lại các quy trình, để hạn chế trục lợi.

Nguyễn Thế Chung, thâm niên lái xe khách tuyến Hà Nội – Lào Cai hàng chục năm nay cho biết, bản thân anh cùng các đồng nghiệp từng nhiều lần phải đi làm bảo hiểm sau các sự cố trên đường.

Một lần, để tránh phải bỏ ra số tiền lớn để sửa xe, anh Tú tham gia dựng hiện trường tai nạn giả: “Minh đi bị trẻ con ném đá vỡ kính xe khách giường nằm là bình thường, hay xe container quẹt vào, đền 2 ô kính mười mấy triệu. Nhưng về công ty, công ty lại dựng hiện trường giả, móc nối với bên bảo hiểm, người giám định chụp ảnh lại để hưởng bảo hiểm. Đấy là kiểu ăn hai đầu”.

Tương tự, tài xế taxi Hồ Viết Hà chia sẻ, bản thân đã quá quen với những “tiểu xảo” khi đi làm bảo hiểm thân vỏ: “Tôi cũng đã có lần làm thế. Ví dụ đèn của tôi vỡ, thì tôi lùi vào, vỡ thêm phát nữa cho hỏng hẳn. Để bảo hiểm đền cả thể”

Thực tế, hàng chục năm nay, trục lợi bảo hiểm ô tô đã rất phổ biến, lại muôn hình vạn trạng, có sự móc ngoặc tinh vi giữa nhiều bên.

Điển hình như: Cố tình lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thật; tự phá hủy tài sản để đòi bồi thường bảo hiểm; kê khai thông tin thiếu trung thực ngay từ giai đoạn tiền hợp đồng, hoặc sau khi tai nạn xảy ra; thông đồng với ga-ra nâng giá sửa chữa xe, nhập nhằng trong việc kiểm tra nồng độ cồn, thay đổi lái xe khi gây tai nạn.

Tinh vi hơn là tráo biển số, chủ xe sẽ tìm một chiếc xe có nhãn hiệu y hệt để lắp biển số thật vào để đăng ký mua bảo hiểm. Đến khi bảo hiểm có hiệu lực thì chủ xe tráo lại biển số và báo xe mình gặp tai nạn để nhận tiền bồi thường.

Sở dĩ các tài xế có kinh nghiệm thường nghĩ ngay đến hành vi gian lận khi gặp sự cố là bởi họ được tiếp tay, mời chào từ chính người có trách nhiệm ở doanh nghiệp vận tải, “cò” tại nơi bán xe, thậm chí là nhân viên bán, thẩm định bảo hiểm. Số tiền trục lợi sẽ được người hưởng bảo hiểm chung chi lại cho các tay “cò” này.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những năm gần đây, số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm chiếm khoảng 15% tổng mức bồi thường, lên tới cả trăm tỷ đồng.

Số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm chiếm khoảng 15% tổng mức bồi thường, lên tới cả trăm tỷ đồng.

Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho biết, dù luật pháp đã quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc nhận diện vi phạm còn khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm.

“Việc điều tra chống trục lợi bảo hiểm ở các doanh nghiệp bảo hiểm chưa được chú trọng. Cán bộ chưa đủ năng lực phát hiện thủ đoạn tinh vi, nên chưa xử lý triệt để, chưa răn đe, giáo dục được”, Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.

Đồng quan điểm, chuyên gia bảo hiểm xe cơ giới Nguyễn Hữu Cường nhấn mạnh, việc Nghị định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới bỏ yêu cầu có hồ sơ công an trong thủ tục hồ sơ bồi thường, có thể giúp người dân thuận tiện hơn, nhưng tăng áp lực cho doanh nghiệp bảo hiểm, buộc họ phải rà soát quy trình, con người trong xử lý, bồi thường.

“Các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ giám định để sản phẩm này đúng với ý nghĩa, bản chất. Tôi cho rằng, nguy cơ trục lợi là hiện hữu và là thách thức với các doanh nghiệp trong thời gian tới”, chuyên gia bảo hiểm xe cơ giới Nguyễn Hữu Cường nói.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật- Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT nêu giải pháp: “Đối với những hành vi có dấu hiệu gian lận, trục lợi bảo hiểm, khi nhận được thông tin về vụ TNGT, chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức điều tra, xác nh. Nếu có thì mức độ thiệt hại ra sao, lỗi các bên đến đâu. Mặt khác, hàng năm chúng tôi có đoàn công tác phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đi kiểm tra, xác nh, ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm tại các địa phương”.

Bên cạnh công tác kiểm tra của lực lượng chức năng, theo Đại tá Nhật, cách phòng ngừa gian lận tốt nhất là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tham gia bảo hiểm, các nhân viên tham gia vào quá trình thẩm định, lập hồ sơ bồi thường bảo hiểm, để họ tự giác chấp hành các quy định pháp luật.

Cần nhớ, bảo hiểm là để phòng ngừa rủi ro, không phải “mỏ vàng” để trục lợi./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: