Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến hàng Việt

VOVGT - Thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung – cầu tiêu thụ các sản phẩm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung – cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó, nhiều sản phẩm đã tìm được thị trường, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang diễn ra vào tháng 6 vừa qua tại Hà Nội. Ảnh: Lao động

Một trong những công tác xúc tiến thương mại được xem là điển hình và thành công nhất là tiêu thụ vải thiều. Vài năm trở lại đây, trước mỗi vụ vải, nhờ công tác xúc tiến thương mại được tổ chức sớm và liên tục cho đến khi thu hoạch nên không còn xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”.

Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, niên vụ vải thiều 2017 - 2018 là niên vụ có sản lượng và giá trị cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, với tổng giá trị ước đạt 5.755 tỉ đồng. Riêng tại thị trường trong nước, vải thiều tiêu thụ đạt 118.700 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng tiêu thụ, thông qua các thương nhân phân phối, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, các siêu thị như: Coop.Mart, Big C, Happro…

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chia sẻ, về lâu dài để tổ chức tốt việc tiêu thụ cần xây dựng sàn giao dịch vải thiều để đa dạng hơn các kênh bán hàng đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau:

 

“Tiêu thụ vải không chỉ dừng lại ở những kênh qua các cửa hàng như: siêu thị, trung tâm thương mại mà còn được phân phối qua những hình thức liên quan đến thương mại điện tử, bán hàng online, mua hàng qua điện thoại, truyền hình”.

Cùng với vải thiều, Bộ Công Thương cũng đã xúc tiến thương mại thành công cho hàng ngàn sản phẩm khác. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2017, Bộ đã tổ chức 1.280 chương trình xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hơn 170 tỷ đồng, trong đó chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hỗ trợ 29,55 tỷ đồng.

Phát huy hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa Việt, trong năm 2018, Bộ Công Thương lên kế hoạch tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ để thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, nhất là trong các dịp lễ, Tết và dịp cuối năm; triển khai các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa và bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng dồi dào và giá cả ổn định cho người tiêu dùng…

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết:

 

“Trong thời gian tới, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và Sở Công thương các tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất các mặt hàng đặc trưng, đặc sản, các mặt hàng có thế mạnh của từng vùng, ền, từng địa phương để kết nối đến các hệ thống phân phối, hệ thống siêu thị, các hệ thống trung tâm thương mại khác như Lotte, SaiGon Co.op, Aoen, Vinmart và Hapro…”