Biệt thự và nhà cổ Hà Nội bị hoán cải để phù hợp với cuộc sống tối thiểu

Một căn biệt thự vốn dành cho 1 gia đình nay lại phân ra thành mười mấy hộ, cho nên người ta phải hoán cải để phù hợp với cuộc sống tối thiểu; chứ chưa nói là tiện nghi. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Một căn nhà cổ trên phố Ấu Triệu đã bị sửa chữa, thay đổi cửa chính, cửa sổ sai lệch so với kiến trúc Pháp ban đầu. Ảnh: Xuân Hương/Báo Tin tức

Trước tình trạng tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế các căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1954 diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Thủ đô, TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận huyện tạm dừng xem xét cấp phép phá dỡ, cải tạo, sửa chữa các công trình biệt thự cổ, các công trình nhà cổ, công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.

Phóng viên VOV Giao thông trao đổi với KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội về vấn đề này: 

PV: Ông nhận định thế nào về tình trạng tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế các căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội? Việc này có ảnh hưởng như thế nào?

KTS Trần Huy Ánh: Việc tự ý cải tạo thay đổi thiết kế các biệt thự đã có từ lâu rồi. 

Một căn biệt thự vốn dành cho 1 gia đình nay lại phân ra thành mười mấy hộ, cho nên người ta phải hoán cải để phù hợp với cuộc sống tối thiểu; chứ chưa nói là tiện nghi. 

Chưa kể nhiều biệt thự dùng để ở trở thành cơ quan, thì đương nhiên chức năng bị phá nát. Nó không còn đúng với chức năng của nó nữa, không đúng với giá trị kiến trúc, giá trị hình thành trong quá trình thiết kế xây dựng. 

Do vậy, sai chức năng thì đương nhiên phá hỏng kiến trúc, phá hỏng không gian đô thị và cảnh quan đường phố.

PV: Vậy, cần có giải pháp gì để quản lý, bảo tồn và cải tạo quỹ nhà biệt thự cổ trên toàn thành phố? 

KTS Trần Huy Ánh: Hà Nội bây giờ vẫn giữ được rất nhiều biệt thự đẹp, vì vẫn sử dụng đúng chức năng. 

Các biệt thự sử dụng cho các sứ quán, cho các lãnh đạo cấp cao, thậm chí là cho các công trình công ích; nhưng có quy định về cái vỏ, không gian cảnh quan, tường rào, cây xanh thì vẫn có giá trị đặc biệt. 

Tôi nghĩ rằng, biệt thự trước năm 1954 phải được nhận diện đầy đủ. Thầy trò các trường đại học Xây dựng, Kiến trúc đã thống kê, phân tích từng công trình một cách rất khoa học: kỹ thuật, mỹ thuật, giá trị nghệ thuật…

Tuy nhiên, nâng cấp cải tạo phải có tiếng nói của những người đang sử dụng công trình đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

---

Mời quý vị và các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị 8/7 tại đây: