Tôi nghĩ có nhiều người sẽ chia sẻ với tôi về cảm giác khi nhìn thấy biển quảng cáo được gắn trên các cột đèn hai bên đường, chăng ngang cổng chào, hay những biển trang trí được gắn ngang các con đường.
Trong rất nhiều trường hợp, tác động về mặt thẩm mỹ của những biển quảng cáo như vậy rất xấu, có lúc tôi còn gọi đó là một loại rác về mặt thẩm mỹ trên các đường giao thông lớn.
Điều này tôi nghĩ nó bắt đầu từ cách tiếp cận của chúng ta, tạm gọi là cách tiếp cận xuôi. Đó là khi nếu như thấy có một nhu cầu nào đó về quảng bá, tuyên truyền, để tiết kiệm ngân sách và để có giải pháp phù hợp, chính quyền có thể đưa dự án đó ra cho khu vực tư nhân và trên cơ sở dự án của khu vực công đó, kết hợp với quảng cáo khu vực tư, rồi thực hiện dự án đó bằng tiền từ khu vực tư.
Chúng ta thì tiếp cận theo cách khác, là thông thường các biển quảng cáo hai bên đường, cổng chào, có mục đích quảng cáo trên các đường phố lớn, các tuyến đô thị, các tuyến giao thông, thường được đề xuất bởi các công ty quảng cáo.
Và để cho nó có hơi hướng của việc sử dụng quyền năng của chính quyền, đâu đó, các công ty quảng cáo thể gắn vào đó thêm một vài mục đích, khẩu hiệu tuyên truyền.
Vì thế, cả về thẩm mỹ với tổng thể đường phố, lẫn cả về các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn của các công trình như vậy đều khó đạt được. Tôi nghĩ ở đây có mấy thứ mà chúng ta phải quan tâm.
Thứ nhất, về chuyện an toàn, chắc chắn là cơ quan quản lý về giao thông phải có những quy định rõ ràng về việc xây dựng theo những tiêu chuẩn kỹ thuật nào, để tránh được chuyện gãy đổ, tránh cản trở giao thông.
Các con đường đều được quy hoạch một cách rất rõ ràng, ở chỗ nào, có cái gì, và việc đưa thêm ra những biển quảng cáo, cổng chào đều cần phải được phê duyệt, cũng giống như bất kỳ một vật nào khác được dựng lên trên con đường đó.
Hay như các biển quảng cáo hai bên đường, gắn vào các cột đèn, về mặt kỹ thuật phải tính đến khả năng chống chịu đối với bão gió, có thể làm những biển đèn rơi xuống đường, ảnh hưởng đến xe đang chạy và liệu nó có ảnh hưởng đến an toàn do sự mất tập trung của những người lái xe khi quá để ý đến những cái biển đó không?
Thứ hai, đối với chính quyền, ví dụ như cơ quan văn hóa, chắc chắn là các đường phố cần và nên được quan tâm về mặt thẩm mỹ. Việc có những câu cầu rất đẹp, rồi chúng ta gắn dọc cầu một loạt những biển quảng cáo, vô hình chung nó đã làm xấu đi về mặt tổng thể cây cầu.
Hay chỉ vì mối lợi nhỏ, với với việc được gắn quảng cáo của một vài doanh nghiệp, mà chúng ta sẵn sàng hi sinh lợi ích lớn hơn, đó là đòi hỏi của công chúng, xã hội về quyền không bị ô nhiễm về mặt thẩm mỹ.
Tôi nghĩ, các cấp chính quyền nên quan tâm đến biển quảng cáo, cổng chào theo hướng mà nó thật sự xuất phát từ nhu cầu của khu vực công, thật sự cần phải được quan tâm về mặt kỹ thuật, về mặt an toàn./.