Bị tước bằng lái xe máy 23 tháng, có được thi bằng lái ô tô?

Vừa qua, Kênh VOV Giao thông nhận được câu hỏi của thính giả với nội dung "Em bị tước bằng lái xe máy 23 tháng, liệu em có được thi bằng lái ô tô không?". Để giải đáp câu hỏi này, PV Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thành Tài (Giám

Luật sư Phạm Thành Tài cho biết: Căn cứ tại Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 38/2019.

Cụ thể, tại Điều 7 Thông tư 12/2017 và khoản 5 Điều 1 Thông tư 38/2019 quy định về điều kiện đối với người học lái xe như sau:

- Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

- Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

- Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Như vậy, người bị tước bằng lái xe máy (A1;A2) thì vẫn được thi bằng lái xe ô tô (B1).

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện cần nắm rõ Luật Giao thông đường bộ, giấy phép lái xe (bằng lái xe) là loại giấy tờ chứng nhận người sở hữu có đủ điều kiện và khả năng điều khiển một loại phương tiện xe cơ giới nào đó. Luật này cũng quy định người điều khiển xe cơ giới khi tham gia giao thông bắt buộc phải có bằng lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển.

“Có nghĩa là khi điều khiển xe mô tô, người lái phải có bằng xe máy. Nếu lái ô tô, tài xế phải có bằng lái ô tô. Và tất nhiên không thể dùng bằng ô tô để thay thế cho bằng lái xe máy và ngược lại”, Luật sư Phạm Thành Tài cho biết.

Nếu đã có bằng lái ô tô nhưng chưa có bằng xe máy, người điều khiển phương tiện có thể thi lấy bằng lái xe mô tô. Trong trường hợp này, Luật Giao thông đường bộ quy định người đã có bằng ô tô được bỏ qua phần thi luật và chỉ cần thi phần thực hành để lấy bằng xe máy.