Bị CSGT tạm giữ bằng lái xe, quá hạn nộp phạt có lấy lại được không?

Khi tham gia giao thông, có những lỗi vi phạm phải tạm thu bằng lái xe. Nhưng nếu đã quá hạn nộp phạt thì liệu có lấy lại được bằng lái và sẽ thế nào khi bị giữ bằng lái xe quá lâu?

Khi tham gia giao thông, có rất nhiều người có hành vi vi phạm khiến CSGT yêu cầu dừng xe, xử phạt, thậm chí là tạm thu bằng lái xe. Nhưng đôi khi có trường hợp quên hay vì một số lý do nào đó mà không tới nộp phạt để lấy lại GPLX và đã quá hạn thời gian nộp phạt.

Ví dụ như trường hợp ở trên, tài khoản FB Hồng Nhung có đăng tải nội dung: "Tôi bị lập biên bản không đội mũ bảo hiểm và thu bằng lái xe từ tháng 8/2019. Cảnh sát giao thông Hà Nội bắt tôi đã hướng dẫn hạn nộp phạt và lấy lại bằng là 2 tuần kể từ khi lập biên bản nhưng tôi quên không đi nộp phạt và lấy lại bằng. Đến nay tôi đi nộp phạt thì còn lấy lại được bằng không?".

Vậy nếu trong trường hợp này liệu có lấy lại được bằng lái không? Và sẽ thế nào khi bị giữ bằng lái xe quá lâu?  

Để giải đáp những thắc mắc trên, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, khi bị tạm giữ giấy tờ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ. 

Đối với trường hợp người vi phạm hành chính không đến nộp phạt đúng hạn như trên biên bản, nếu không có lý do chính đáng thì căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 115/2013 của Chính Phủ quy định về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 31/2020 quy định. 

Nếu trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ giấy phép vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan, Luật sư Tài cho biết.

Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện khi đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm và trong thời gian niêm yết công khai, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định.

Ngoài ra, trong 30 ngày thông báo công khai mà người vi phạm giao thông đến nộp phạt để nhận lại giấy phép lái xe thì có thể phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp cho mỗi ngày chậm nộp. 

Như vậy, trong trường hợp này của bạn bị lập biên bản xử phạt từ tháng 8/2019, bị giữ giấy phép lái xe và không nộp phạt đúng hạn mà không có lý do chính đáng thì theo quy định pháp luật Giấy phép lái xe của bạn đã bị tịch thu và xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng theo Luật sư Phạm Thành Tài, khi đang bị tạm giữ bằng lái xe sẽ không thể lập hồ sơ để xin làm lại hoặc thi lại GPLX mới vì hành vi này được coi là gian dối. Nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết mà tiếp tục điều khiển phương tiện và bị phát hiện sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.