Bệnh viện tự chủ thất bại, nhân viên y tế phải vay ngân hàng để chi tiêu

Nhân viên y tế phải xuống đường, cầm băng rôn đòi khoản lương bị nợ suốt 8 tháng trời, đó là hình ảnh đáng buồn trong những ngày cuối năm, tại bệnh viện Tuệ Tĩnh (trực thuộc Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam).

Sự nôn nóng đòi tự chủ khi không nằm trong nhóm đối tượng, cũng chưa đủ năng lực để áp dụng mô hình tự chủ của cơ sở y tế này, đã đẩy hàng trăm nhân viên vào cảnh mắc kẹt, làm không được, nghỉ không xong. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Tập thể nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường căng băng rôn phản đối việc nợ lương kéo dài.

“Đề nghị làm rõ việc 1 cơ quan, 2 chế độ”; “Đề nghị Học viên y dược học cổ truyền Việt Nam thực hiện đúng hợp đồng làm việc đã ký kết với người lao động”.  Cực chẳng đã, hơn 40 nhân viên y tế của bệnh viện Tuệ Tĩnh mới phải giơ những băng rôn này lên ngay trước cổng cơ quan, để “cầu cứu”.

Nữ hộ sinh Bùi Thị Thu, trụ cột kinh tế trong gia đình có 4 con nhỏ, cho biết, gia đình chị đã đến nước phải đi vay ngân hàng để ăn: “Đến bây giờ bắt đầu kiệt quệ rồi, không cho đi làm đã đành nhưng lại ép chúng em đi làm, không cho nghỉ phép. Có người có sức khỏe còn đi làm thêm được, nhưng em không thể vì 4 con còn nhỏ. Tình hình dịch bệnh này tìm việc khác rất khó, bây giờ giám đốc thờ ơ với chúng em thì chúng em chỉ có đường chết đói”.

Theo bà Lê Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ Công đoàn, Bênh viện Tuệ Tĩnh, từ tháng 5 đến tháng 11/2021, gần 160 cán bộ, nhân viên bệnh viện bị nợ lương 50%, tháng 12 chưa nhận và lương tháng 1 khả năng cũng sẽ chưa có. Dù được các cấp hứa hẹn sẽ giải quyết dứt điểm từ tháng 11/2021, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều đồng nghiệp của bà phải tranh thủ ngoài giờ đi làm thêm, như bán rau.

“Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ là bệnh viện thực hành của Học viện, không có chức năng kiếm tiền, chỉ có chức năng đào tạo sinh viên, bác sĩ trẻ thực hành tay nghề.

Không hiểu lý do gì lãnh đạo Học viện biến Bệnh viện Tuệ Tĩnh thành bệnh viện tự chủ. Chúng tôi cũng chưa từng nhận được văn bản từ cấp cao hơn xác định bệnh viện là đơn vị độc lập hay không có mối quan hệ gì với Học viện”, bà Bình nói.

Điều gây bức xúc với cán bộ, nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh là, trong khi đời sống người lao động khốn đốn vì tự chủ như vậy, thì lãnh đạo bệnh viện gần như không bị ảnh hưởng gì, do vẫn hưởng lương, phụ cấp kiêm nhiệm từ Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, từ năm 2019, bệnh viện Tuệ Tĩnh thực hiện cơ chế tự chủ, nhưng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên hầu như không có bệnh nhân. Học viện đã hỗ trợ bệnh viện bằng cách chi trả các khoản chi phí (bao gồm tiền lương) cho 67 viên chức của học viện kiêm nhiệm tại bệnh viện.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, công ty Luật InterCode phản đối cách làm tình thế này: “Lẽ ra, lãnh đạo bệnh viện, khoa phòng cần hy sinh lợi ích của mình, chưa nhận thưởng để chia sẻ các trường hợp khó khăn là các y bác sĩ, nhân viên y tế, thì họ vẫn nhận lương thưởng đầy đủ, rõ ràng có sự thiếu công bằng, không thuyết phục, không đúng tình người”.

Theo luật sư Thắng, trước mắt, khi bị xâm phạm quyền lợi về lương, người lao động cần kiến nghị lên các cấp công đoàn, cần thiết có thể khởi kiện ra toà án thông qua công đoàn cơ sở, buộc chủ sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với người lao động.

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, phương án tự chủ của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam với bệnh viện Tuệ Tĩnh chưa phù hợp, quá trình quản lý yếu kém, hoạt động không hiệu quả.

Do đó, người lao động đấu tranh đòi quyền lợi là điều dễ hiểu. Hiện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đang đề nghị Công đoàn y tế Việt Nam tìm hiểu thực tế, phối hợp các bên liên quan để tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trong diễn biến khác, ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Y tế để giải quyết dứt điểm việc nợ lương tại bệnh viện Tuệ Tĩnh, trong vòng 1 tuần tới phải báo cáo về Bộ.