Bến Cổ Đô làng Võng Thị: Kí ức lùi vào dĩ vãng

VOVGT - Tuổi thơ của nhiều người người cũng từng gắn bó với bên sông đó trong mùa nước nổi

Nghe nội dung chi tiết tại đây:  

 

Vẻ đẹp của Hồ Tây khiến ai cũng phải nao lòng. Nơi đây trở thành điểm hẹn, để người ta tìm đến như một quán tính.

Có người tìm cho mình một góc nào đó ở bên hồ để hóng gió, để nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường, hay để thưởng thức món bánh tôm Hồ Tây nức tiếng.

Bên cạnh đó, cũng có những người chỉ thích dạo quanh hồ để hít hà không khí trong trẻo đang ngày càng trở nên ít ỏi giữa thủ đô náo nhiệt.

Phía tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều ngôi làng và đây đều là những ngôi làng cổ gắn với một địa danh hay một trầm tích lịch sử nào đó. Cạnh đình làng Võng Thị hiện nay có bến Cổ Đô, xưa kia là một bến lớn, trên bến dưới thuyền buôn bán sầm uất.

Bến này là “vệ tinh” của chợ Bưởi cách làng không xa. Và những truyền thuyết về lịch sử của hồ Tây nhiều người vẫn chưa thể giải thích nổi trong đó phải kể đến chuyện kể về bến đò xưa nối từ làng Võng Thị qua phủ Tây Hồ.

Bến Cổ Đô lãng Võng Thị là “vệ tinh” của chợ Bưởi  - một chợ lớn ở ngoại ô Kinh đô Thăng Long xưa. Ảnh nh họa

Nói về bến đò cổ này, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến – khách mời của chương trình kể lại nhiều câu chuyện đáng nhớ:

 

Trải qua thời gian, đến hôm nay, Võng Thị vẫn là ngôi làng đẹp hiền hòa nằm sát mép nước Hồ Tây với đường nhỏ, ngõ nhỏ lát gạch cổ kính, đan xen những mảng tường gạch đất rêu phủ xanh mướt cùng những bụi cây xạc xào bên những ngôi nhà xây từ đầu thế kỷ trước, những ngôi nhà gạch mang dáng dấp Hà Nội xưa.

Có thuyết cho rằng, xưa kia nơi đây là chợ bán lưới đánh bắt cá cho người dân làm nghề ngư phủ quanh vùng hồ Tây rộng mênh mông và những tỉnh lân cận.

Có người lại cho biết ngày xưa, những thương lái buôn chở rất nhiều tre về đây. Từ bờ bãi xưa, người ta xây đường, đắp đất bồi bãi trồng trọt các sản phẩm nông nghiệp đặc sản:

 

Sau này người ta cho xây con đường nối làng Võng Thị và phủ Tây Hồ thành một con đường rất đẹp thuận tiện cho việc qua lại. Tuổi thơ của nhiều người người cũng từng gắn bó với bên sông đó trong mùa nước nổi:

 

Khung cảnh bến đò đã thay đổi rất nhiều. Một sinh khí mới đã được thổi vào bởi những mái nhà khang trang nhấp nhô phía sau những bãi bồi xanh ngắt…Nhưng cái hồn sâu lắng của bến đò xưa vẫn còn đó.

Ghé thăm bến Chèm vào một buổi chiều tà, nhẩm lại bài thơ Tràng giang của nhà thơ Huy Cận trong cái mênh mang muôn thuở của sông Hồng, lòng người hẳn không thể không cảm thấy bồi hồi, xao xuyến.

Đường vào phủ Tây Hồ xưa kia được cách trở bởi một con đò ngang dẫn từ làng Võng Thị. Từ bến đò quê ấy, rất nhiều người đã gồng gánh đủ thứ quà, nào làn bánh, nào túi kẹo. Cũng từ bến quê ấy, rất nhiều đứa trẻ được sinh ra và lớn lên đã từng lóc cóc chạy theo bà, những lần qua chuyến đò ngang để được đi chơi chợ Bưởi ngày phiên.

Ngày xưa,trong câu chuyện của nhiều người kể lại có hình dáng ông lái đò tóc bạc bên bến đò ngang, với chiếc thuyền cũ kĩ nhuộm màu mưa nắng, cứ buộc hờ bên dưới gốc cây si cổ thụ.

Cũng không rõ cây si ấy có tự bao giờ, chỉ biết dấu tích của nó hiện giờ là một cây si khá cổ kính trong làng Võng Thị.

Đây là thứ cây linh thiêng nên trẻ con không được trèo hái lung tung nhưng cây cổ thụ vẫn chở che, bao dung cho lũ trẻ gần đó đùa nghịch, đu đưa nhau trên ngọn, vẫn nhảy thì thụp từ trên cây cao xuống phía dòng nước mát lạnh những buổi trưa, chiều nắng nhuộm.

Bến đò xưa nay đã thành phố, nhưng với những người cao niên trong lành Võng Thị, đó vẫn là dấu ấn không dễ gì phai nhòa

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những đứa trẻ lớn dần lên trong những bộn bề cuộc sống nay đã thành ông, thành bà, có đôi lúc chạnh lòng nhớ về những chuyến đò ngang ấy với những điều giản dị, mơ hồ.

Ở đó có hình ảnh ông lái đò già, hiền như Bụt, có hình ảnh mái chèo khua sóng nước lăn tăn, có cây si già và đám trẻ con đen nhẻm…

Ông lái đò già đôi khi gắt gỏng vì trời nắng cháy khiến khách qua đò của ông thấm mệt, đôi lúc lại buồn rầu vì hôm nay sao vắng khách. Thỉnh thoảng ông cũng hồ hởi kể những chuyện vui của con cháu, rồi tấm tắc khoe chúng giỏi hơn ông…

Những câu chuyện không đầu không cuối, những chuyến đò khách qua sông cứ đều đều. Bóng ông lão già trên chiếc thuyền con, neo dưới gốc cây si cũng đang già cỗi như một bức tranh thủy mặc mà ám ảnh…

Bến đò xưa nay đã thành phố, thành đường nhưng với những người cao niên trong lành Võng Thị, đó vẫn là dấu ấn không dễ gì phai nhòa.

Giờ thì mọi người vô tư qua lại bất cứ lúc nào, ngay cả nắng mưa, khuya sớm. Những em bé có thể tự đi học mà không cần bố mẹ, anh chị đón đưa hay dìu dắt. Tiếng động cơ xe máy mặc sức nhả khói đi lại pha lẫn vào không trung. Chiều buông, những áng mây lững lờ trên bầu trời quang đãng in hình phủ Tây Hồ xuống mặt nước lung linh.

Xa xa kia, phía bên bờ sông Hồng thấp thoáng bãi dâu xanh phủ dài trên cát, những nương ngô trải màu vàng úa khoe những bắp ngô đang chờ người đến hái. Vẫn còn đó dòng nước hiền hòa, vẫn còn đó những mái nhà rêu phong cổ kính. Nhưng cảnh nhộn nhịp nơi bến đò chỉ còn trong trí tưởng tượng và qua câu chuyện kể truyền ệng của những người đi trước.

Hình ảnh ông lái đò đã lùi vào dĩ vãng, không còn con đò cũ kĩ nằm yên neo bến, Tiếng mái chèo khua nước đều đều giờ chỉ còn trong kí ức xa xưa, con nước lăn tăn không còn mạn thuyền để đuổi bắt, chỉ biết trôi mãi theo sương hồ bảng lảng. Bức tranh thủy mặc như có một khoảng trống không gì bù đắp…