Bất động sản tìm kiếm cơ hội từ ngành Công nghiệp ôtô

Các nhà phát triển bất động sản (BĐS) công nghiệp có thể nắm bắt cơ hội từ sự tăng trưởng bằng cách cung cấp không chỉ quỹ đất mà còn tích hợp cơ sở hạ tầng công nghiệp và hậu cần để phục vụ cho ngành sản xuất ô tô.

Quy trình lắp ráp ôtô Vinfast bằng robot và hệ điều hành sản xuất thông nh. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 9/7, tại Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn CBRE Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Bất động sản công nghiệp nắm bắt cơ hội từ ngành công nghiệp ôtô".

Theo ông Lê Hiếu, Giám đốc dịch vụ tư vấn và kinh doanh CBRE, tại Việt Nam, sự kiện nhà máy sản xuất ôtô VinFast tại Hải Phòng ra mắt hồi tháng 7/2019 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. 

Từ góc độ bất động sản, khía cạnh quan trọng nhất đối với sự thay đổi của thị trường và kinh tế vĩ mô là nhu cầu đất công nghiệp gia tăng nhằm phục vụ mở rộng sản xuất công nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, đằng sau tham vọng xe hơi của Vingroup, không chỉ gói gọn trong hai chữ “kỳ diệu” mà còn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu bất động sản công nghiệp trong ngành Công nghiệp xe bốn bánh.

Theo CBRE, mặc dù ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam còn chưa phát triển so với các nước trong khu vực nhưng các công ty lớn trong thị trường đã bước đầu có kế hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất ô tô chuyên nghiệp như THACO với Khu liên hợp Chu Lai – Trường Hải (Quảng Nam) và VinFast với tổ hợp sản xuất xe hơi tại thành phố Hải Phòng.

Hơn nữa, các nhà lắp ráp xe hơi nổi tiếng quốc tế như Mercedes – Benz, Toyota,… cũng có các kế hoạch mở rộng của riêng họ. Việc mở rộng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự cải thiện nhanh chóng của mạng lưới đường cao tốc và các cảng nước sâu kết nối các trung tâm công nghiệp và hậu cần.

Hiện không chỉ các nhà lắp ráp mà cả các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng xe hơi cũng tham gia vào cuộc chơi với những yêu cầu về đất công nghiệp ngày càng tăng được ghi nhận trong những năm gần đây.

Nhu cầu của khách hàng khác nhau trong tất cả các bước sản xuất xe hơi cho thấy sự phát triển của chuỗi cung ứng ôtô.

Đây chính là cơ hội cho các nhà phát triển BĐS nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn cung hiện còn hạn chế. Đồng thời, mỗi khu vực tại Việt Nam đều có những lợi thế cạnh tranh khác nhau dựa trên sự khác biệt trong tính chất kinh doanh và sản xuất cũng như quỹ đất trống.

Theo TTXVN, ông Đặng Thanh Sơn - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker McKenzie cho rằng, khung chính sách hiện nay vẫn chưa ổn, trong khi đó, các quy định lại ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam.

Hiện nhiều luật của Việt Nam vẫn còn những khoảng trống lớn. Trên thực tế, khung pháp lý có tác dụng thúc đẩy, thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng cái họ cần vẫn là sự ổn định của khung pháp lý đó.