Bất an khi tài xế “nấu cháo” điện thoại

Không chỉ dùng điện thoại để trao đổi thông tin với khách với nhà xe, nhiều tài xe limousine, xe hợp đồng trá hình, thậm chí cả xe khách giường nằm tuyến cố định còn vừa lái xe, vừa “nấu cháo” điện thoại. Hành động liều lĩnh này khiến hành khách bất an. Trong khi, lực lượng chức năng không dễ phát hiện, xử lý.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

“Đừng quay lại qua cầu Dậu, ắc lắm đấy – Biết rồi, đang từ trong đi ra cũng tắc lắm đây…” - Đây là âm thanh ghi lại cuộc nói chuyện của một tài xế xe limousine trên chuyến xe từ Hà Nội đi Thanh Hóa vào chiều ngày 3/6 vừa qua.

Xe đón khách lúc 14h30 tại Cầu Dậu, theo lộ trình cao tốc Hà Nội – Ninh Bình về Nghi Sơn.

Suốt chuyến đi, tài xế liên tục gọi cho các “đồng đội” của mình, rồi gọi cho người thân, với đủ các nội dung từ công việc đến nhà cửa. Có cuộc gọi kéo dài hơn 10 phút, không có kết nối rảnh tay, bất chấp dòng xe đông đúc trên QL 1.

Mới đây, anh Nguyễn Sỹ Bình, ở Long Biên, Hà Nội khi di chuyển trên chuyến xe khách từ Hà Nội đi Quảng Ninh cũng gặp cảnh bác tài thản nhiên một tay cầm điện thoại nói chuyện dù vẫn đang lái xe. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng bác tài còn buông vô lăng khiến hành khách ngồi phía sau một phen hú vía:

“Cách đây khoảng 3 tuần, tài xế của chuyến xe nghe điện thoại trên đường cao tốc khiến hành khách đi cùng lo sợ và nhắc nhở nhưng tài xế lấy lý do là nghe điện đón khách nhưng điều đó sẽ gây nguy hiểm cho người ngồi trên xe”, anh Bình cho biết.

Lo ngại an toàn của bản thân và các hành khách đang đi cùng trên xe là tâm trạng chung của mọi người khi gặp cảnh lái xe vừa đi đường vừa dùng điện thoại; thậm chí có lái xe còn vừa điều khiển xe vừa nhắn tin, đọc báo trên điện thoại.

“Trên đường rủi ro nhiều nếu lái xe chỉ sơ sẩy một chút là tai nạn, mà nhiều khi thấy lái xe thế mình không dám nói gì sợ bị người ta nói lại cho, mình không thấy có quy định nào rõ ràng nên mình rất bất an, chỉ khi xuống xe rồi mới thấy an tâm”.

“Họ dùng thường xuyên, liên tục, mỗi lần tài xế cầm điện thoại là mình run sợ, không dám ngủ luôn, toàn phải nhìn họ rồi nhìn đường”.

Ảnh nh họa

Từ phía doanh nghiệp vận tải hành khách, ông Bùi Văn Viết, chủ xe ô tô khách Minh Qúy (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết, việc tài xế vừa điều khiển phương tiện vừa lái xe không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý hành khách mà còn làm tổn hại tới uy tín, hoạt động của nhà xe:

“Khách hàng cảm giác bị mất an toàn, chủ xe thì thấy hoang mang, lo sợ khi tài xế sử dụng điện thoại. Các bác tài nên có tai phone để khi có việc thực sự cần thiết thì mình dùng điện thoại; còn những việc không cần thiết thì tài xế không nên sử dụng điện thoại”, ông Viết nói. 

Trước việc tài xế sử dụng điện thoại gây mất an toàn, nhiều hành khách, doanh nghiệp vận tải đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những hành vi này để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mặc dù đã có nhưng vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến, thậm chí ngày càng rộ lên. Trong khi, việc xử phạt hành chính lại đang gặp khó vì thiếu bằng chứng.

Để giải quyết “vấn nạn” này, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng: “Theo kinh nghiệm các nước thì cùng lúc phải triển khai 3 nhóm giải pháp: quy định rõ ràng trong trường hợp nào được sử dụng điện thoại rảnh tay, không được sử dụng điện thoại áp tai, nhận và gửi tin nhắn trong lúc điều khiển phương tiện; có hình thức, chế tài với công ty vận tải thương mại có tài xế vi phạm; phải có nhiều hoạt động tuyên truyền về nguy hiểm của hành vi này và tuyên truyền về cách để chống hành vi này một cách chủ động”.

Việc tài xế dùng điện thoại khi lái xe là rất nguy hiểm, đe dọa an toàn tính mạng nhiều người. Song, hành vi này thường diễn ra rất nhanh, rất khó xử lý nếu không có bằng chứng.

Do đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kêu gọi người dân khi phát hiện tài xế dùng điện thoại trong lúc lái xe hãy ghi lại hình ảnh vi phạm và gửi cho cơ quan chức năng xác mình để xử lý.

Tuy vậy, từ phía hành khách, nhiều người cho rằng, việc gửi hình ảnh, clip vi phạm trực tiếp cho cơ quan chức năng để xác nh xử lý hiện nay vẫn còn tương đối hạn chế, do các kênh tiếp nhận chưa thực sự thuận lợi.

Đa phần các trường hợp xử phạt nguội vi phạm này chủ yếu do chứng cứ người dân đưa lên mạng xã hội, các diễn đàn giao thông.