Bão số 9 ít di chuyển, tự suy giảm ngoài biển

Từ trưa nay, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp.

>>>Đêm trú bão của những đứa trẻ Cần Giờ

>>>Cuộc sống người dân nơi trú bão số 9

Nhiều cây xanh tại Vũng Tàu bị bão số 9 quật ngã.

Thiệt hại do bão số 9 gây ra đang được các cơ quan, đơn vị chức năng nhanh chóng thống kê và báo cáo. Đến thời điểm hiện tại, tại Cần Giờ (TP.HCM), cây đổ gây cản trở giao thông đang được lực lượng chức năng di dời và tiến hành cắt tỉa. Theo ghi nhận nhanh của phóng viên Kênh VOV Giao thông, trên địa bàn Cần Thành, Cần Giờ, hiện có một căn nhà bị tốc mái, một căn nhà bị sập.

Theo Đại tá Nguyễn Tường Thắng - Bộ tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các bộ chiến sĩ đã được bỏ sung, tăng cường nhanh chóng để hỗ trợ lực lượng tại chỗ xử lý ngay các cây xanh ngã đổ, đảm bảo an toàn cho người dân.

Lực lượng túc trực tại các cù lao xung yếu để sẵn sàng hỗ trợ dân

Tại Trà Vinh, các bến đồ ngang, đò dọc chưa được hoạt động trở lại. Khu vực cù lao Long Trị, xã Long Đức, TP Trà Vinh và ấp Cồn Cò, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành được dự báo là 2 điểm xung yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất nếu bão số 9 đi qua địa bàn tỉnh Trà Vinh, tới thời điểm này vẫn bình yên.

Bão chưa vào đất liền nhưng đã gây mưa lớn nhiều nơi. Trong ảnh con phố ở TP Vũng Tàu bị ngập từ sáng do mưa - Ảnh: A LỘC

Theo Tuổi trẻ, Vào hồi 10h sáng nay 25-11, vị trí tâm bão nằm ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão là 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km. Như vậy trưa nay bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp.

Đến 22h tối nay, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở ngay trên khu vực biên giới các tỉnh ền Đông Nam Bộ và Campuchia với sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên từ nay đến tối, khu vực TP HCM có nguy cơ mưa lớn kết hợp triều cường sẽ gây ngập lụt.

Riêng vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8 giật cấp 10. Biển động mạnh. Ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão.

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, trong 3 giờ qua, một số nơi thuộc tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận có mưa to đến rất to như: Khánh Phú 81,8mm; Khánh Nam 67,5mm; Phượng Hoàng 44,8mm (Khánh Hoà); Ma Nới 87,0mm (Ninh Thuận).

Nhận định trong 3 giờ tới, khu vực này khả năng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng từ 20-50mm.

Đống thời, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cảnh báo, trong 3-6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng thấp ở tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, đặc biệt là huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải (Ninh Thuận), Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, TP. Nha Trang (Khánh Hoà).