Báo động, 69% học sinh có biểu hiện buồn rầu, thất vọng hoặc trầm cảm

Trong một khảo sát mới đây do chuyên gia tâm lý thực hiện với học sinh ở bậc THPT, có 69% học sinh có biểu hiện cảm thấy thất vọng, buồn rầu và trầm cảm; còn với việc “lặp lại hành vi tiêu cực nhiều lần nếu không đạt được kết quả như mong muốn” thì có đến 87% số học sinh chọn lựa.

Thực tế này cho thấy, chứng trầm cảm tuổi học đường cần được nhìn nhận và giải quyết? Cần làm gì để giúp các em giải tỏa bớt những áp lực, tránh hậu quả đáng tiếc?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về nội dung này.

 

PV: Thưa bà, con số 69% học sinh tham gia khảo sát có biểu hiện cảm thấy thất vọng, buồn rầu và trầm cảm cho thấy điều gì?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến việc học sinh có biểu hiện trầm cảm như buồn rầu, thất vọng mà việc này xảy ra từ lâu, tuy nhiên thời gian gần đây dường như số lượng tăng lên nên con số 69% mà các chuyên gia tâm lý mới khảo sát, theo tôi là con số đáng báo động.

Nhìn sâu vào con số này, chúng ta sẽ thấy những hậu quả rất đau lòng: như có những em học sinh tự tử, có em bỏ ra đi hoặc có những em thể hiện sự trầm cảm bằng quậy phá hoặc hành động dại dột khác.

Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội về việc chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tinh thần con người trong và sau đại dịch COVID-19 và học sinh là đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Đây là vấn đề xã hội cần được nhìn nhận nghiêm túc và đòi hỏi sớm có những giải pháp hiệu quả vì nếu không hậu quả rất xấu và khó lường.

Ảnh nh họa

PV: Vậy, vấn đề này cần có giải pháp khắc phục và phòng ngừa ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Chúng ta phải có một giải pháp tổng thể, điều quan trọng nhất là chúng ta có nhận thức đúng đắn về vấn đề này, nhà trường có thời khóa biểu cân bằng cho các em để các em có thể tham gia nhiều hoạt động khác nhau chứ không chỉ dồn cho việc học.

Về phía ngành giáo dục đang tiến hành đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa cũng nên rà soát và cân nhắc để kết cấu chương trình cân bằng giữa chơi và học, giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa.

Chúng ta cũng nên quan tâm đến việc có bộ phận làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học để các em có thể tin cậy, khi có vấn đề khủng hoảng tâm lý thì các em được hỗ trợ, nó sẽ được giải tỏa hơn là các em tự hành động.

PV: Ngoài ra, bà có lưu ý gì tới các gia đình trong việc quan tâm, chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho con em mình?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Về phía gia đình, nhiều khi các bậc cha mẹ cứ bỏ qua các biểu hiện tâm lý của con cái mà chỉ quan tâm đến việc con mình đến trường học như thế nào, xếp thứ hạng bao nhiêu mà vô tình không quan tâm đến phần quan trọng nhất là tinh thần, tâm hồn.

Vì thế các bậc phụ huynh cần nhận thức đúng để phát triển con em mình về mặt tinh thần, tâm hồn song song với phát triển trí tuệ; cách ứng xử của người lớn với trẻ em cũng cần xem xét lại bởi chúng ta đang quen với nền giáo dục áp đặt, luôn luôn kỳ vọng các em là con ngoan, trò giỏi, phải tuân thủ các quy định của người lớn, ít có cơ hội tự bộc lộ chính kiến và cảm xúc của mình.

Tất cả những điều ấy không phải ngày 1, ngày 2 chúng ta thay đổi được, đặc biệt là phương pháp giáo dục con phải có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động. Có như thế tôi nghĩ là chúng ta mới cải thiện được tình hình.

PV: Xin cảm ơn bà!