Bánh chưng Nương Bắc và giấc mơ nâng tầm các sản phẩm truyền thống

VOVGT - Được biết đến với danh xưng “Bánh chưng đắt nhất Việt Nam”, Nương Bắc thu hút ở sự cầu kỳ trong việc lựa chọn những nguyên liệu và tỉ mỉ trong cách làm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tình cờ biết đến bánh chưng nếp nương “dung dị nhưng hương vị thơm ngon lạ lùng” thông qua một người bạn, năm 2014, chị Nguyễn Thu Hoài đã quyết định đưa thứ đặc sản của mảnh đất Điện Biên vươn xa hơn vùng Tây Bắc. Một chiếc bánh chưng Nương Bắc được bán với giá 190.000 đồng, ngoài ra, Thu Hoài còn cho ra đời sản phẩm quà tặng với giá 589.000 đồng gồm hai chiếc bánh chưng được đặt trong một chiếc hộp trang trọng.

Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn bánh chưng – một sản phẩm truyền thống lâu đời của dân tộc – để kinh doanh, chị Thu Hoài chia sẻ:

 

"Tôi thấy rằng chiếc bánh Trung thu cũng rất bình thường thôi nhưng tại sao nó có thể bán lên tới giá vài triệu đồng. Tôi đặt ra câu hỏi là liệu đã có ai làm điều đó với bánh chưng hay chưa thì tôi thấy rằng chưa có ai làm cái gọi là bánh chưng phiên bản quà tặng. Vậy nếu như chưa ai làm thì tôi sẽ làm để vừa có thể nuôi dưỡng đam mê của mình và nâng giá trị sản phẩm của tôi".

Nương Bắc được gói bởi các nghệ nhân thuộc một trong những làng nghề được nhà nước công nhận là “gói bánh ngon nhất Việt Nam”. Vỏ bánh là gạo nếp nương thơm dẻo ngon nức tiếng. Đặc biệt, mùa đông ền bắc hay nhiệt độ thấp trong tủ lạnh cũng không làm bánh bị lại gạo. Thịt dùng gói bánh là thịt lợn trà xanh Teapo. Bánh được nhuộm nước lá riềng với kỹ thuật độc đáo, phủ một mầu xanh ngát tự nhiên.

Bà chủ thương hiệu Nương Bắc cho rằng, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam ngon và đặc sắc không thua kém các đặc sản của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng cái mà chúng ta còn đang thiếu là cho những sản phẩm này một diện mạo đẹp, thể hiện đúng chất lượng và giá trị của nó.

Chị Hà Lan, một khách hàng của Nương Bắc chia sẻ:

 

"Điều gây ấn tượng đầu tiên của tôi về bánh chưng Nương Bắc là sự đầu tư về hình thức. Mọi chi tiết như hạt gạo nếp nương, vỏ hộp màu xanh, họa tiết tranh Đông hồ hay thiết kế ruộng bậc thang của hộp đều rất công phu, tỉ mỉ, thể hiện sự sang trọng và ý nghĩa độc đáo".

Nhiều người cho rằng, Thu Hoài quá mạo hiểm khi dám bán những chiếc bánh chưng giản dị với cái giá được cho là “đắt nhất Việt Nam” thế nhưng năm 2017, năm thương hiệu Nương Bắc chính thức ra đời, 1.000 chiếc bánh đầu tiên đã bán hết không cần chi phí marketing. Năm 2018, 13.143 chiếc bánh cũng đã được đưa đến tay khách hàng, nh chứng cho sự thành công của một sản phẩm truyền thống dám mạo hiểm để mang đến sự khác biệt.

Luôn đau đáu câu hỏi các sản phẩm truyền thống sẽ đi về đâu khi ngày nay những người trẻ không mặn mà với việc làm ra các loại bánh cổ truyền, đặc biệt là các vùng nguyên liệu đặc sản không tìm được đầu ra, không có nơi tiêu thụ nên dần dần từ bỏ sản xuất, Thu Hoài đã quyết định phát triển thương hiệu Nương Bắc tạo ra chuỗi liên kết với các vùng nguyên liệu để các giá trị truyền thống không bị mai một đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người khác.

Hiện nay, thương hiệu này đã sở hữu hệ thống phân phối online trải dài khắp cả nước, là đối tác thân thiết của chuỗi thực phẩm sạch uy tín như Cleverfood; VOrganic; Hellomam.... Thế nhưng, dường như bà chủ sinh năm 1990 vẫn chưa hài lòng với những thành công ấy.

 

"Tôi muốn bánh chưng của tôi có thể chạm tới những kiều bào ở nước ngoài bởi tôi thấy rằng những người ở nước ngoài họ vào những dịp lễ tết họ rất khao khát có những sản phẩm truyền thống để có thể tặng hay tự hào khoe với bạn bè quốc tế. Còn tương lai xa hơn nữa tôi không muốn chỉ gói gọn trong hình ảnh chiếc bánh chưng, tôi muốn phát triển Nương Bắc sẽ là thương hiệu nâng tầm các sản phẩm truyền thống ở Việt Nam".