An toàn giao thông đường thủy ĐBSCL (Bài 2): Cần có những giải pháp đồng bộ, khả thi

Như đã đề cập ở bài trước, dù các ngành, các cấp và chủ phương tiện đã có những động thái tích cực nhưng tai nạn giao thông đường thủy nội địa vùng ĐBSCL vẫn còn ở mức báo động. Để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông, thời gi

Thanh tra giao thông tỉnh Tiền Giang kiểm tra các đò đưa khách du lịch trên sông Tiền

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ông Nguyễn Văn On, chủ Bến đò Cô  Bắc, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, được đánh giá là một trong những bến đò an toàn điển hình của địa phương. Bến đò này, chuyên vận chuyển hành khách ở 2 bờ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long và Quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ  với mỗi ngày đưa đón gần 1.000 người dân qua lại.

Ngoài việc đảm bảo các quy định về an toàn giao thông thủy, chủ bến đò còn đầu tư nâng cấp để đường dẫn lên xuống phà rộng rãi, thông thoáng dành riêng cho xe gắn máy, người đi bộ. Trên phà còn trang bị  các phương tiện phòng cháy, phao cứu sinh; tài công  thường xuyên nhắc nhở người qua đò chấp hành quy định an toàn giao thông thủy nhờ vậy đã hạn chế tai nạn giao thông:

"Chúng tôi phải trực tiếp tuyên truyền vận động các thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng và những người thực hiện nhiệm vụ trên bến đò đi trên phương tiện và những người hành khách thì chúng tôi cũng có vận động, tuyên truyền chấp hành theo đúng luật giao thông đường thủy nội địa mặc áo phao khi tham gia giao thông, hai là cầm dụng cụ nổi cầm tay".

Phương tiện chở quá tải trên sông Tiền nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông

Thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ vấn đề tuân thủ luật giao thông đường thủy, có những giải pháp phòng ngừa tích cực thì tai nạn giao thông giảm mạnh. Thượng tá Trương Công Sinh, Phó phòng cảnh sát giao thông- Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết lực lượng tiếp tục thực hiện các giải pháp để góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn:

"Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn về luật giao thông đường thủy nội địa cho người tham gia giao thông, nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn trong mùa mưa lũ, nhất là những phương tiện đi qua công trình vượt sông, cương quyết kiểm tra xử lý an toàn kỹ thuật khi chủ phương tiện chở quá số người quy định".

Tại các tỉnh Bến Tre- Đồng Tháp, An Giang còn xảy ra tình trạng phương tiện khai thác cát trên sông, vấn đề đảm bảo an toàn cho các phương tiện này cũng cần đặt ra, nhất là bơm hút cát vào đêm tối thiếu đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, vận chuyển cát quá tải, không đảm bảo an toàn.  

Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Tiền hay bị rủi ra do các phương tiện thủy đâm vào

Trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động này, các lực lượng chức năng cần tuyên truyền, nhắc nhở để người đi trên các phương tiện nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường thủy nội địa. Anh Lê Minh Cường, nhân viên quản lý sà lan khai thác cát trên sông Tiền, thuộc tỉnh An Giang chia sẻ:

“Trong qua trình khai thác cát, mình luôn kiểm tra thường xuyên các cần cẩu, để luôn đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố”.

Là cửa ngõ Miền Tây có 03 tuyến giao thông thủy huyết mạch  cấp TW quản lý, nên tỉnh Tiền Giang rất chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông, nhất là kéo giảm tai nạn chết người. So với đường bộ thì tai nạn, va quẹt giao thông đường thủy trên địa bàn xảy ra không đáng kể; đặc biệt  từ đầu năm đến nay, không có người tử vong và người bị thương. Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh Tiền Giang nêu rõ:

"Tai nạn giao thông đường thủy giảm là do năm nay mình có chủ động bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, có chủ động tuyên truyền các biện pháp, giải pháp ngay mùa mưa bão. Thông qua công tác tuyên truyền nếu có phát hiện sai phạm mình xử lý. Lĩnh vực đường thủy thì Cục CSGT, Công an tỉnh đã có nhiều công văn gửi xuống, đồng chí Trưởng phòng đặc biệt quan tâm, có thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc lực lượng làm nhiệm vụ”.

Một phương tiện bơm hút cát tại sông Tiền thuộc tỉnh Bến Tre kém an toàn 

Tại tỉnh Cà Mau, thời gian qua, đoàn liên ngành Đường thủy nội địa của tỉnh  đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức ra quân giải tỏa các đáy neo (phương tiện dùng để bắt cá) và các chướng ngại vật trên các tuyến sông, rạch;  trong đó đã giải tỏa hàng đáy trên tuyến sông Bảy Háp với chiều dài 31km, tạo sự thông thoáng, an toàn cho các phương tiện thủy lưu thông. Đối với các tỉnh: Tiền Giang- Bến Tre- Đồng Tháp, An Giang có hơn 10.000 mô hình nuôi cá lồng, bè trên sông, nguy cơ kém an toàn giao thông nhất là vào ban đêm khi các phương tiện thủy thiếu quan sát đâm vào.    

 Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Mới đây, nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông thủy trong thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông  Quốc gia phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị tăng cường giải pháp bảo đảm ATGT cho phương tiện thủy gia dụng trong cả nước. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Trong 10 tháng đầu năm nay đã xảy ra hơn 50 vụ tai nạn, tăng 20 người chết so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu là do kỹ năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện còn hạn chế; đặc biệt là tình trạng vượt, chở quá tải quá số người quy định gây mất cân bằng dẫn đến xảy ra tai nạn nguy hiểm như đắm thuyền. Trước những vấn đề cấp bách trên, ông Khuất Việt Hùng đề nghị các cấp, các ngành cần phải đề ra những phương pháp hữu hiệu và phát huy tối đa tác dụng nhằm ngăn ngừa tình trạng TNGT đường thủy xảy ra.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết 5 năm  về chủ trương của Chính phủ về  tăng cường các giải pháp cấp bách về an toàn giao thông đường thủy nội địa; hoạt động văn hóa giao thông bình yên sông nước. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, cho chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên đường thủy nội địa. Nhằm để người dân và các chủ phương tiện nắm được các quy định pháp luật và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về Luật đường thủy nội địa”.

Ngành chức năng  Thành phố Cần Thơ tuyên truyền luật giao thông đường thủy 

Ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm, giải pháp cấp bách trong thời gian tới cần nâng cao các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường tuần tra kiểm soát đặc biệt là những địa bàn trọng điểm và các địa phương thường xuyên xảy ra tai nạn.

Điều tra xác nh cụ thể nguyên nhân tai nạn, sớm đưa ra xét xử công khai tạo tính răn đe giáo dục trong nhân dân. Có được như vậy mới có thể đẩy lùi được tình hình tai nạn giao thông đường thủy trong thời gian tới./.