6 tháng, hơn 223.000 phương tiện không đạt kiểm định đầu tiên

Một số nguyên nhân phổ biến khiến phương tiện không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong lần kiểm định đầu tiên là do hệ thống phanh, khí thải, hệ thống lái, bánh xe và thay đổi hệ thống chịu tải…

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong Quý I và II/2022, trong tổng số hơn 2,5 triệu phương tiện đường bộ kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm, có 223.008 phương tiện là không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật ở lần kiểm định thứ nhất.

Nguyên nhân phổ biến khiến phương tiện không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong lần kiểm định đầu tiên là do hệ thống phanh, khí thải, hệ thống lái, bánh xe và thay đổi hệ thống chịu tải…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp cùng lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thay đổi hình dáng, kết cấu của xe. Đặc biệt là hành vi cơi nới thùng bệ để vận chuyển quá trọng tải cho phép.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kết quả 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị chức năng đã kiểm tra 51.770 xe; trong đó, có 9.154 xe vi phạm tải trọng, tước GPLX 1.434 trường hợp và nộp kho bạc Nhà nước 49,81 tỷ đồng.

Tính từ ngày 15/6 – 15/7, các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT tổ chức ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm soát tải trọng. Đồng thời, xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm quy định về tải trọng.

Cạnh đó, kiểm tra tập trung trên các tuyến đường có nhiều phương tiện vi phạm về tải trọng hoạt động như tuyến đường Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hóa. Đặc biệt chú ý các ô tô tải tự đổ được lắp ráp, sản xuất trước thời điểm Thông tư 32/2012 của Bộ GTVT.

Tại địa bàn Thủ đô, báo cáo của Thanh tra Sở GTVT cho hay, trong thời gian từ 15/6 - 15/7, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 759 trường hợp xe ô tô vận tải hàng hóa vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền hơn 4,13 tỷ đồng, tạm giữ 11 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 127 trường hợp.

Trong đó, xử phạt 200 trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải; 81 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe; 310 trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường giao thông (rơi vãi, lôi kéo đất đá)…

Song, theo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, ngoài kết quả đạt được thì vẫn còn hiện tượng các phương tiện chở hàng quá khổ giới hạn cầu, đường, quá tải trọng xe; vi phạm kích thước thành thùng hoạt động trên một số tuyến đường, tuyến đê thuộc địa bàn thành phố, đặc biệt vào ban đêm.

Hoặc, lợi dụng khi không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra. Một số phương tiện chở vật liệu, đất phế thải làm rơi vãi gây mất vệ sinh môi trường, mất an toàn giao thông; xe chở bê tông tươi hoạt động sai thời gian quy định tại một số công trình thi công...