30% dân số cài đặt Bluezone, chống dịch bằng công nghệ còn gặp khó

Ứng dụng Bluezone sẽ rất hiệu quả trong việc xác định các ca tiếp xúc gần, giảm thiểu nguy cơ lây lan COVID-19 khi có từ 60% dân số cài đặt và sử dụng Tuy nhiên, theo thống kê, hiện mục tiêu này mới đạt khoảng một nửa.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ứng dụng Bluezone giúp cảnh báo sớm và truy vết người nghi mắc COVID-19.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư trong cộng đồng, nay ứng dụng Bluezone đang được Bộ Y tế và các địa phương đề nghị người dân có điện thoại thông nh cài đặt và sử dụng.

Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), đến đầu tháng 6/2021, số lượt tải ứng dụng Bluezone đạt trên 35,2 triệu, tăng hơn 4,7 triệu lượt so với ngày 28/4. Tuy vậy, một thách thức không hề nhỏ đối với ứng dụng này, đó là vẫn chưa thực sự thu hút được người dùng:

“Thời gian trước mình có cài, có dùng. Nhưng thời gian này bị phân tâm nhiều bởi công việc. Với mật độ dày như hiện nay thì liệu cách kiểm soát như vậy có hữu dụng nữa hay không, trong khi người ngồi ngay cạnh ghế mình xe mình có thể đang bị. Thực ra Bluezone rất là tốt, nhưng đợt này mình có hơi chủ quan.”

“Mình không cài, vì cài nhanh hết pin. Cũng chỉ để quét người ở gần chứ không gì hơn.”

Có một thực tế không phải ai tải Bluezone cũng sử dụng thường xuyên. Tại Hà Nội, nơi có nhiều người tải về Bluezone nhất (với 3,1 triệu người), lượng tài khoản Bluezone thực sự hoạt động chỉ là 1,23 triệu, chiếm 40% tổng số tài khoản. Trong khi đó, ở TP Hồ Chí Minh, số người dùng Bluezone thực sự (bật Bluetooth để Bluezone hoạt động) là khoảng 1,1 triệu người, chiếm 38% tổng số tài khoản.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ, cụ thể là Bluezone, là giải pháp tối ưu để phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh xét nghiệm chủ động và vắc-xin quyết định: “Sử dụng ứng dụng Bluezone cũng như các ứng dụng khác góp phần có những thông tin chính xác về dịch bệnh của từng cá nhân cũng như của cộng đồng.

Tôi hiểu là một số người thì cũng có thể là hơi ngại khi sử dụng ứng dụng này, tuy nhiên, ứng dụng này thì chúng ta đã biết từ lâu rồi và cũng được khuyến cáo rất nhiều.

Chúng tôi mong muốn người dân tiếp tục sử dụng ứng dụng, góp phần vào công tác phòng, chống dịch của chúng ta đạt kết quả tốt hơn.”

Theo nhiều chuyên gia công nghệ, để các ứng dụng tiếp xúc gần có thể phát huy tối đa hiệu quả trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, tỷ lệ người dùng phải đạt tối thiểu 60% dân số trưởng thành. Điều này đồng nghĩa tại Việt Nam, cần hơn 50 triệu người cài đặt và sử dụng Bluezone thường xuyên.

Ủng hộ các nỗ lực ứng dụng công nghệ để phòng chống dịch bệnh, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, nếu Bluezone bổ sung thêm tính năng tương hỗ, tạo sự tương tác cho người dân bên cạnh những tính năng hiện có như khai báo y tế hay quét mã QR, thì có thể thu hút thêm nhiều người dùng.

“Nếu ứng dụng này có những tính năng người ta có thể xem,  để biết ca F0, F1 nào gần mình không thì người ta sẽ sử dụng. Nhiều điện thoại không cho phép mặc định chạy Bluetooth nên tự động ngắt. Nếu không sử dụng thì không kết nối.

Người ta cài, không kích hoạt Bluetooth thì cũng vô giá trị. Trong kỷ nguyên truyền thông kết nối như thế này thì kết nối 1 chiều như Bluezone có nhiều yếu điểm nên người dùng có thể sử dụng không chủ động”, ông Lê Quốc Vinh phân tích.

Hiện không ít quốc gia trên thế giới đã triển khai các ứng dụng truy vết, tiếp xúc gần tương tự như ứng dụng Bluezone nhằm tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh. Điển hình như ứng dụng TraceTogether của Singapore, ứng dụng NHS Covid của Anh hay các ứng dụng CA Notify, Covid Alert… được triển khai tại nhiều bang của Mỹ đã cho thấy những hiệu quả nhất định trong việc phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần, hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

--

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: