11 hãng ô tô nhập khẩu đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ

Các đơn vị này kiến nghị, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô cần được áp dụng chung cho cả xe sản xuất lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) để đảm bảo tính công bằng.

Đại diện của 11 nhà nhập khẩu ô tô như: Audi, Aston Martin, Bentley, Ferrari, Maserati, Jaguar & Land Rover, Jeep, Subaru, Porsche, Volkswagen và Volvo được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) vừa có chung kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Bộ Tài chính góp ý về quy định hỗ trợ giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Cụ thể, các đơn vị này kiến nghị, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô cần được áp dụng chung cho cả xe sản xuất lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) để đảm bảo tính công bằng.

Đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc giảm lệ phí trước bạ cho ôtô CKD, tất cả chỉ dừng lại ở mức đề xuất.

Trong văn bản kiến nghị của VIVA có nêu: "Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ô tô trong đại dịch COVID-19. Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc".

Trích dẫn số liệu năm 2020, tổng doanh số ô tô du lịch tại Việt Nam tăng khoảng 3% so với năm 2019, trong đó 6 tháng cuối năm Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020 hỗ trợ cho các dòng ôtô CKD được giảm một nửa mức phí đăng ký, tương đương 5-6% giá bán.

Chính sách này giúp lượng ô tô lắp ráp trong nước tăng 19%, tuy nhiên doanh số xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc lại giảm 33%. Và đối với xe thương mại, tổng số lượng đã sụt giảm 19%, số lượng CKD lắp ráp trong nước cũng giảm ở mức ít hơn 16% trong khi đó, số lượng CBU nhập khẩu nguyên chiếc giảm 25%.

Chưa kể, sang năm 2021, quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt đang buộc tất cả các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô CBU phải tạm ngừng kinh doanh. Nhưng chính sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ riêng với xe sản xuất lắp ráp trong nước đã cho thấy thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối xe nguyên chiếc.

Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.

Từ những kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xử lý đề xuất này.

Trước đó, hồi tháng 5/2021, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã kiến nghị một số chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, VAMA có kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã bác đề xuất này với lý do giải pháp này "không phù hợp với bối cảnh hiện nay".

Theo giới kinh doanh xe, mặc dù, việc giảm phí trước bạ đối với ô tô được thông qua dù cho xe lắp ráp trong nước hay nhập khẩu, hoặc cả 2 cũng đều sẽ là thông tin rất vui đối với các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô trong lúc thị trường đang trầm lắng như hiện nay.

Song, chỉ giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước mà không giảm cho ô tô nhập khẩu vẫn cần phải xem xét thấu đáo để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tránh phân biệt giữa xe nội hay xe ngoại.