10 năm tạo hình linh vật trên đường hoa: 'Mỗi năm là một điều mới mẻ'

Những ngày này, đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đang tất bật thi công để chuẩn bị ra mắt từ ngày 29/1 (tức 27 tháng Chạp). Cặp đôi "song hổ tương phùng" hứa hẹn sẽ là điểm nhấn đầy ấn tượng cho người dân và du khách.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Gần 20 năm gắn bó với công việc tạo tác linh vật cho đường hoa này, 10 năm được giao làm những hạng mục chính, nhưng với nghệ nhân Văn Tòng, mỗi năm trôi qua luôn là một điều mới mẻ. Ông vẫn mày mò, sáng tạo và trình làng những tác phẩm ấn tượng để người dân thưởng lãm trong dịp Tết đến xuân về.

Đêm trước khi chuyển linh vật ra đường hoa Nguyễn Huệ để thi công, nghệ nhân Văn Tòng và 40 công nhân vẫn ệt mài bên những mối hàn, sơn vẽ.... tại xưởng ở quận 12, TP.HCM. Ai cũng đeo khẩu trang đeo kín mít trong nhiều giờ liền, áo ướt đẫm mồ hôi.

Bức tượng “Song hổ tương phùng” - cao 3m, dài gần 7m được tạo tác vô cùng công phu trong suốt 1 tháng qua từ những lát thép, mảnh cắt inox tạo nên sự oai hùng, mạnh mẽ.

20 linh vật “Chúa tể sơn lâm” 2D, 3D kết hợp giữa kính cường lực, ca và rêu cỏ, tạo nên sự huyền bí.

Cặp đôi "song hổ tương phùng" hứa hẹn sẽ là điểm nhấn đầy ấn tượng cho người dân và du khách

Nghệ nhân Văn Tòng tiết lộ, nét mới của đường hoa năm nay đó chính là việc tìm tòi những nguyên vật liệu mới: "4 chú hổ lớn nhất dùng chất liệu và đường nét bắt người ta phải thưởng ngoạn và tìm hiểu, chứ không phải tả thật như ngày xưa... Vô cái cổng đường hoa của mình đầu tiên, hai chú hổ bằng những mảng cắt ghép thành hai chú hổ trong rừng ngập mặn ền Nam mình ngày xưa, chính giữa đường là chú hổ ẩn hiện; bên hông là rong rêu của rừng rú; nhìn chính giữa thì thấy đường nét thôi.... Cuối đường hoa có những chú hổ lớn cao, ghép từ sỏi đá".

Nghệ nhân Văn Tòng trước là hoạ sĩ của Đoàn Cải lương Sài Gòn 1, phụ trách đạo cụ sân khấu. Sau khi nghỉ ở Đoàn Cải lương, ông tiếp tục mày mò, nghiên cứu ở lĩnh vực mỹ thuật tạo hình. Ông đi nhiều nơi, kể cả ra nước ngoài để tìm hiểu cách tạo tác linh vật ở các Thành phố nổi tiếng thế giới: "Khi thực hiện mô hình đường hoa, tôi có đam mê, đi nhiều nước để nghiên cứu chất liệu, dứt khoát phải làm cho bằng được. Tôi đã sáng tạo để chịu khó trong công việc để thành công. Dù lớn tuổi, nhưng tôi còn nghiên cứu, còn học hỏi. Một năm, tôi không nghỉ ngơi, mình suy nghĩ năm sau mình làm cái gì, chứ không chủ quan đặt hàng mới suy nghĩ".  

Theo ông Tòng, khó nhất đó chính là công đoạn tạo khối và màu sắc. Đối với các linh vật nhỏ được làm bằng chất liệu mút xốp, mút xốp sau khi được chà láng sẽ được quét keo, dán vải và phết một lớp sơn.

Nghệ nhân Văn Tòng tiết lộ, nét mới của đường hoa năm nay đó chính là việc tìm tòi những nguyên vật liệu mới

10 năm, làm hàng trăm linh vật, cũng có những đứa con tinh thần mà ông chưa ưng ý, và cũng không ít áp lực. Nhưng đó là thứ áp lực do ông tự đặt cho mình, bằng tất cả tình yêu và tâm huyết với nghề.

Chị Nguyễn Thanh Thuý phụ trách mỹ thuật và cũng là con gái của nghệ nhân Văn Tòng chia sẻ, mặc dù phải làm tăng ca đến 10 giờ đêm trong suốt hơn 1 tháng, nhưng mọi người vẫn thấy vui vì được phục vụ người dân Thành phố. Chị tự hào khi nói về công việc của bố: "Cỡ tuổi bố đáng lẽ giờ này đã nghỉ ngơi, nhưng bố rất thích nghề mỹ thuật, nhưng dù cho như thế nào vẫn thấy bố quyết tâm hết sức mình. Mình góp một phần không lớn nhưng cũng thấy vui..."

Những chú lợn tượng trưng cho sự sung túc, đàn gà bước ra từ tranh dân gian Đông Hồ biết gáy vang, hay chú trâu của đồng quê thân thuộc biết lắc đầu, vẫy đuôi... ý tưởng của nghệ nhân Văn Tòng qua mỗi năm tạo ra sự bất ngờ, thích thú cho người dân và du khách.

Năm nay, mặc dù không có hình động, nhưng với biểu tượng linh vật Chúa Sơn Lâm xuyên suốt thể hiện chủ đề “Về rừng sâu - Thiên nhiên tươi xanh”, “Xuân nghĩa tình - Tự hào Việt Nam” và “Ra biển lớn - Nước non hội ngộ”, nghệ nhân Văn Tòng hy vọng sẽ dẫn dắt du khách trở về với thiên nhiên hoang sơ, với những gì gần gũi nhất của bản sắc dân tộc, và với một mong muốn giản dị:

Tôi làm đường hoa này mong bà con và người dân và bà con quên nguy hiểm dịch bệnh để vui Tết năm nay, để năm sau mình vượt qua, sung túc lại, vui vẻ lại...