Lạm phát 2022 (Bài 1): Thận trọng trước sức ép hiện hữu
Theo TTXVN - 18/07/2022 | 21:07 (GTM + 7)
Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số lạm phát bình quân của Việt Nam chỉ tăng 2,44% trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng.
Tuy nhiên trước tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động, tác động tới Việt Nam như giá cả xăng dầu, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu từ nay đến cuối năm, cả hệ thống chính trị tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững.
“Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, áp lực lạm phát trên toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng, bên cạnh nguyên nhân cầu kéo và chi phí đẩy còn do hệ quả của việc nới lỏng các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn dịch COVID kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.
Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu năm 2022 lên mức 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Những yếu tố này đã và đang tác động và gây sức ép lên việc điều hành kiểm soát lạm phát tại Việt Nam.
Dư địa kiểm soát lạm phát
Tại Việt Nam, nhìn lại nửa đầu của năm, giá xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng tăng theo giá thế giới; giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch COVID -19 được kiểm soát là những nguyên nhân gây áp lực tăng lạm phát khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã điều hành linh hoạt, chủ động các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng.
Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng.
Nhờ đó, CPI 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,19% của cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn mức tăng bình quân của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2020. Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,25%, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4% như Quốc hội và Chính phủ đặt ra
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dưới sự điều hành của Chính phủ, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.
Trong 6 tháng, để kìm giữ tỷ giá ngoại tệ và đồng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước bán ra một khối lượng khá lớn ngoại tệ và thực hiện hút ròng về hàng trăm nghìn tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu trên thị trường mở.
Đồng thời, để đảm bảo kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã lựa chọn thời điểm thích hợp để tăng tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất phát hành bình quân thấp, kỳ hạn dài, đảm bảo khả năng chi tiêu của ngân sách và phù hợp kế hoạch vay, trả nợ.
“Việc điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Nhưng áp lực còn khá lớn
Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, trong thời gian còn lại của năm 2022, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, lạm phát tiếp tục cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và quan hệ thương mại quốc tế. Trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn.
Tuy nhiên, rủi ro, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát nặng nề hơn… nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính cho rằng, giá cả nhiên liệu, nhất là xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Các nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt sẽ tiếp tục tăng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga nhưng chắc chắn vẫn không đáp ứng nhu cầu.
Chuỗi cung ứng vật tư, hàng hóa trên thế giới bị đứt gẫy sẽ tiếp tục làm cho giá vật tư, hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động mạnh từ việc tăng giá vật tư, sản phẩm thế giới do nền kinh tế có độ mở lớn, nhập khẩu lớn.
Do đó, xu hướng tăng giá bán, tăng lạm phát cho tới cuối năm là khá rõ.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cũng nhận định, trong nửa cuối năm 2022, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch ...
Ngoài ra, làm phát còn chịu áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong giai đoạn tới; giá dịch vụ giáo dục dự kiến tăng mạnh trong năm học 2022 -2023, chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục…
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, vẫn có những yếu tố giảm áp lực cho việc kiểm soát lạm phát như các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay. Cụ thể là chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Cùng với đó, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện nay vẫn dồi dào, giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính, nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung giữ ổn định hoặc cơ bản kiềm chế mức tăng giá.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% như mục tiêu của Quốc hội đề ra trong năm nay còn khá lớn.
Nếu như trong trường hợp lạm phát trung bình cả năm vượt mức 4%, lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022, CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.
Để kiềm chế lạm phát, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng, cùng với điều chỉnh kịp thời công cụ thuế, giảm thuế đối với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu nhằm ổn định giá, kìm hãm đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong khuôn khổ mục tiêu đã xác định cần kiểm soát chặt chẽ giá sản phẩm hàng hóa đầu vào để hạn chế đà tăng giá bán, từng bước đầu tư tìm kiếm nguồn vật tư hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu.
Qua đó, hạn chế tác động từ hàng nhập khẩu giá cao của thế giới.
Đối với điều hành chính sách tài chính, tiền tệ những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu cần tiếp tục kiên định mục tiêu vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, được giao tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ, chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa hợp lý và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Về phía Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ này phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, giảm thuế đối với xăng dầu theo quy định. Đồng thời nghiên cứu phương án giảm các loại thuế khác để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, muốn hỗ trợ để giảm giá thì phải có ngân sách Nhà nước, nếu không có ngân sách thì phải có công cụ thuế. Trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng công cụ này phải hết sức thận trọng, phải để dành, tạo dư địa xử lý tình huống khi thật sự khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm các nguồn cung xăng dầu có giá trị ưu đãi hơn. Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu để bảo đảm sản xuất, tạo nguồn cung và tạo dự trữ trong nước để bình ổn giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quốc Phương, lạm phát tại Việt Nam chưa phải là vấn đề quá nóng như các nước châu Âu hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do vậy chúng ta phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả để làm sao mức tăng CPI dao động dưới 4% đúng mục tiêu đề ra.
Hàng chục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đã được xử lý khắc phục kịp thời, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên, xử lý cầu yếu và tăng cường chất lượng mặt đường tại các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc về cơ bản hoàn tất, giúp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết.
Tại Trung Quốc, hệ thống trạm sạc được xây dựng rộng khắp và vô cùng đa dạng về chủng loại. Từ đó, không chỉ giúp ngành công nghiệp xe điện tăng trưởng bền vững mà còn thúc đẩy nước này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chính sách khí hậu.
Công tác xóa bỏ điểm tập kết rác ban ngày đồng thời chỉ tổ chức thu gom rác thải 1 lần/1 ngày vào sau 19 giờ đã giúp quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dỡ bỏ 45 điểm tập kết rác ban ngày, mang lại diện mạo đô thị sạch đẹp và khang trang cho khu vực trung tâm Thủ đô.
Nhắc đến Đại tá Võ Tấn Dũng, nhiều người dân ở đất Tây Đô (TP. Cần Thơ) đều biết đến, bởi ông là một cán bộ hưu trí gần gũi, dễ bắt chuyện và đang thực hiện tâm niệm: Dành trọn cuộc đời mình làm nhiều việc ý nghĩa cho đồng đội năm xưa và thế hệ trẻ hôm nay.
Một Noel an lành đang đến, đường phố Hà Nội tấp nập, đông vui. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 – ngày “Giáng sinh màu lửa”, nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
Từ giữa năm 2024, TP. Hà Nội đã thí điểm triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân và minh bạch trong thu phí trông giữ phương tiện.