Sau mỗi lần rác thải bị ùn ứ tại khu vực nội thành, chính quyền lại phải chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với các quận huyện giải quyết dứt điểm tình trạng này, song tình trạng ùn ứ rác vẫn thường xuyên xảy ra. Vậy, cần có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải này?
Hà Nội phập phồng khủng hoảng rác đến bao giờ?
Hơn 1 tuần nay, trên địa bàn một số quận ở Hà Nội lại rơi vào tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt. Lần này, việc ùn ứ không quá căng thẳng như những lần trước nhưng kéo dài hơn.
Nguyên nhân của tình trạng này là do bãi rác hiện có đã quá tải, còn các nhà máy đang xây dựng lại chậm đi vào hoạt động.
Vì sao, những nhà máy xử lý rác là công trình dân sinh cấp bách, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị, đời sống của dân mà cứ mãi treo? Cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nào để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các nhà máy này đi vào hoạt động?
Đón nghe: Diễn đàn 91, từ 16h đến 17h, thứ Bảy ngày 25/6/2022, trên VOVGT FM 91 Mhz và vovgiaothong.vn
Gần 1 tuần trôi qua, song chị Nguyễn Thu Thảo, ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn chưa thể quên cảm giác khó chịu khi rác thải ùn ứ trước nhà. Vốn kinh doanh hoa tươi, cần chào mời, đón khách, nhưng cứ vắng khách chị Thảo lại phải chạy vào nhà vì không chịu nổi mùi hôi thối từ rác thải bốc lên.
"Hôi thối không chịu được ấy. Cứ phải bịt khẩu trang đứng đây suốt, bẩn không thể chịu nổi, nên cứ chốc lại chạy vào chạy ra. Người ta tập kết ở đây, cũng chờ đợi để đưa đi nhưng không có xe về để đưa đón thôi", chị Thảo bức xúc.
Đáng chú ý, cuối năm 2020, tình trạng ùn ứ rác thải cũng xảy ra trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là ở quận Nam Từ Liêm, khi đơn vị thu gom rác đã chối bỏ trách nhiệm thu gom rác mấy ngày cuối năm, khiến rác ùn ứ tại nhiều tuyến phố.
Điều đáng nói, tình trạng ùn ứ rác xảy ra tại Hà Nội diễn ra cứ lặp đi lặp lại, hết lần này tới lần khác. Riêng năm 2020 đã xảy ra 2 lần và cũng là lần thứ 17 kể từ năm 2015 đến nay.
Nói về tình trạng ùn ứ rác vẫn cứ lặp đi lặp lại, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, chính quyền Hà Nội chưa thật sự coi vấn nạn rác như một bài toán về quản lý đô thị: "Bãi rác Nam Sơn quy hoạch thì vừa phải, nhưng bây giờ cứ chất đống, quá tải như thế, các giải pháp khác là xử lý rác bằng lò đốt thì chưa thể có ngay được, làm cho Hà Nội bức xúc vì chuyện ùn ứ rác. Tóm lại giải quyết cái này chưa thật đồng bộ".
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng cho rằng, việc chậm trễ trong việc đưa các nhà máy xử lý rác vào hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xử lý rác của Hà Nội:
"Tất cả những việc ấy là do chúng ta không có một đơn vị chịu trách nhiệm về thu gom, xử lý rác của Hà Nội, không gọi được ai ra để mà làm cả. Và mạnh ai người ấy làm", GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói.
Đặc biệt, sau mỗi lần rác thải bị ùn ứ tại khu vực nội thành, chính quyền Thành phố lại phải chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với các quận huyện giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ rác, song tình trạng ùn ứ rác vẫn thường xuyên xảy ra.
Trong khi đó, ngoài Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa rõ ngày về đích, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng loạt dự án xử lý rác thải đều chậm tiến độ.
Chẳng hạn, Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh (xã Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội), khởi công từ tháng 12/2011, với công suất thiết kế xử lý 500 tấn rác mỗi ngày, nhưng đến nay sau 11 năm cùng 3 lần điều chỉnh tiến độ, nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động.
Trong danh sách nhà máy xử lý rác chậm tiến độ còn có dự án nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh; Dự án nhà máy xử lý rác thải rắn ở huyện Phú Xuyên; Dự án nhà máy rác tại thị xã Sơn Tây; Dự án nhà máy xử lý rác Núi Thoong, huyện Chương Mỹ…
Vấn đề rác của Hà Nội sắp được giải quyết căn cơ
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng ký thuật đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội.
PV: Ông cho biết những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng chậm tiến độ của các nhà máy xử lý rác thải của Thủ đô?
Ông Nguyễn Đức Hưng: Có mấy lý do, khách quan là đại dịch COVID-19, chuyên gia không sang được. Thứ hai là thủ tục liên quan để phát điện, liên quan đến xả thải ra môi trường, xả thải có xả thải nước, rác, khói bụi, xả thải sản phẩm sau khi đốt, phải tuân theo quy định của Luật Môi trường.
Nhà đầu tư phải làm rất nhiều thủ tục. Một cái nữa là thủ tục phát điện. Theo như báo cáo của nhà đầu tư, thủ tục liên quan đến 45 yêu cầu của ngành điện, dẫn đến chậm.
Mặc dù chưa phát điện được, thì Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng yêu cầu là không cần hoạt động hết công suất. Nhưng đốt 1.000 hay 1.500, cam kết ấy phải hiện thực, để thành phố xây dựng kế hoạch năm 2023 cho việc chôn lấp này sát và yêu cầu họ 26/6 thì gửi văn bản báo cáo.
Tôi nghĩ rằng, với cách kết hợp đầy trách nhiệm đó thì Nhà máy Thiên Ý sẽ đi vào hoạt động từng phần, để đáp ứng tính cấp bách của việc chôn lấp rác.
PV: Trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này, các nguyên nhân nào đã được dự báo từ trước?
Ông Nguyễn Đức Hưng: Về dự báo trước thì thành phố chủ động xây dựng kế hoạch năm 2022, vẫn chôn lấp bình thường và nếu cam kết kia sát thực tế thì cái chủ động trong năm 2023 cũng được khắc phục, nhưng đặc biệt là Thành phố tháng 12/2021 có phê duyệt 2 Dự án khẩn cấp “nâng cao năng lực của bãi chứa Nam Sơn” lên 3 triệu tấn.
2 Dự án này mà hoàn thành, dự kiến vào khoảng tháng 9 thì năng lực chứa nếu nhà máy đốt rác vào hoạt động thì sẽ đủ công suất chứa khoảng 5 năm, nhưng nếu không vào hoạt động thì chỉ được 20 tháng thôi.
PV: Theo ông cần có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải này?
Ông Nguyễn Đức Hưng: Hành lang pháp luật, rồi tất cả các hợp đồng, các cam kết là có đủ hết rồi, chỉ còn các thủ tục đẩy nhanh của nhà đầu tư.
Hy vọng là từ nay đến cuối năm thì nhà đầu tư sẽ giải quyết những vướng mắc, với khối lượng xây dựng, khối lượng thiết bị lắp đặt đến 95-99% đã được lắp đặt xong, còn vướng là vướng thủ tục.
PV: Trong những khó khăn và những giải pháp mà ông vừa nêu thì cần có cơ chế như thế nào để nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải?
Ông Nguyễn Đức Hưng: Nói thật là khi lập dự án, thì chủ đầu tư cũng muốn nhanh, Thành phố muốn nhanh, ai cũng đưa ra một bức tranh là nó không vướng gì, xong căn cứ vào bức tranh đấy để thực hiện.
Tôi nghĩ là các quy định của pháp luật, lúc lập dự án, nhà đầu tư cũng chưa lường hết được việc này. Nhưng bây giờ thì bài toán của Hà Nội về rác sắp giải quyết được căn cơ rồi.
Từ ngày 1/1/2025, theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông, lái xe chỉ được phép làm việc không quá 10 tiếng/ngày và tổng thời gian làm việc không quá 48 tiếng/tuần. Nếu không tuân thủ, cả lái xe và doanh nghiệp vận tải sẽ bị xử lý vi phạm theo Nghị định 168.
Không phải chỉ ở ngoài đường người ta mới hay hỏi nhau: “Có biết tôi là ai không?” mà trong nhiều công sở thay vì để hỏi câu đó, người ta làm những cải biển tên. Đó là một câu chuyện về sự chống lãng phí mà tác giả Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng "Nghị định 168/2024/NĐ-CP xây dựng sai thủ tục bởi từ ngày được ký ban hành tới khi có hiệu lực chưa đủ 45 ngày", đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng đây là thông tin không chính xác.
Khoảng 15 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này các nhà vườn tại làng đào Nhật Tân và làng quất Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội) đang tất bật vận chuyển đào, quất phục vụ thị trường tết.
Trong năm qua, liên tiếp xảy ra tình trạng tài xế bị đột quỵ khi đang điều khiển phương tiện giao thông. Đây là tình trạng rất đáng lo ngại, bởi nếu là tài xế xe khách hoặc chở hàng cồng kềnh mà bị đột quỵ giữa hành trình sẽ gây nguy hiểm đến tín mạng nhiều người khác khi cùng tham gia giao thông.
Nghị định 168 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, với nhiều lỗi giao thông bị xử phạt nghiêm.