Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Doanh nghiệp vận tải 'giao tiếp không chạm'

Phóng viên - 15/08/2021 | 20:04 (GTM + 7)

Việc “giao tiếp không chạm” đang được các doanh nghiệp vận tải đường bộ ứng dụng trong kết nối, tương tác với khách hàng. Đây cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi nhằm thích ứng với đại dịch.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý dữ liệu khách hàng
Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý dữ liệu khách hàng (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trước đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý dữ liệu hành khách, quản lý giao dịch, thanh toán, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng nên các doanh nghiệp càng đẩy mạnh hơn áp dụng công nghệ đối với phương thức bán vé, điều hành vận tải cũng như gia tăng giao dịch của các hãng vận tải.

Theo Công ty Vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân, lượng khách mua vé qua App (phần mềm) hoặc các website của công ty tăng gấp hai lần so với trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Các ứng dụng này hỗ trợ rất hiệu quả cho công ty trong các giao dịch bán vé, thanh toán online, chuyển phát hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí...

Ông Trịnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân cho biết, việc sử dụng App đặt xe Hải Vân là một trong những giải pháp giúp hãng xe nâng cao hiệu quả phòng tránh dịch COVID-19. Hành khách chỉ cần 30 giây để tìm và đặt vé phù hợp mà không phải tới bến xe hay phòng vé.

“App đặt xe sẽ mang đến cho hành khách những trải nghiệm mua vé thuận tiện thông qua việc tự lựa chọn lộ trình, loại xe, chỗ ngồi, mức giá phù hợp. Ngoài ra, việc hiển thị rõ ràng, minh bạch các thông tin như tài xế, theo dõi vị trí di chuyển của xe, thời gian xe đón... giúp khách hàng chủ động đi lại, giảm thiểu rủi ro tiếp xúc trong cộng đồng”, ông Thắng chia sẻ.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cũng cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, đơn vị này đã “kích hoạt” hệ thống bán vé qua mạng giống như các ngành hàng không, đường sắt đang áp dụng.

Hành khách chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính là có thể lên mạng đặt vé. Hành khách được tự chọn chỗ, ngày, giờ đi... và thanh toán trực tuyến. Cách làm này sẽ là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch COVID-19 cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

Là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ chuyển đổi số từ khá sớm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du Lịch Hà Lan cho biết, cách đây hơn 3 năm, Hà Lan đã xây dựng App cho riêng mình để phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo đó, khách hàng dễ tiếp cận với dịch vụ, trong khi những công việc quản lý thủ công bằng sổ sách, giấy tờ, trước đây dễ dẫn đến thất thoát doanh thu đã được doanh nghiệp loại bỏ từ khi có phần mềm điều hành.

“Chỉ cần nhấp chuột sẽ biết được danh sách hành khách mỗi chuyến xe, giúp việc phòng, chống dịch an toàn hơn. Đồng thời, doanh nghiệp có thể thông báo đến hành khách những biện pháp phòng, chống dịch và giúp truy vết dễ dàng khi không may có hành khách bị bệnh. Nhờ vậy, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng”, ông Hà chia sẻ.

Giám đốc Công ty cổ phần Vé Xe Rẻ, Trần Văn nhìn nhận, ứng dụng công nghệ trong dịch vụ vận tải đang nở rộ theo xu thế phát triển của thị trường, mang lại cho ngành vận tải nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng và quản trị dịch vụ. Thông qua ứng dụng công nghệ, các hãng xe, nhà cung ứng dịch vụ vận tải có thể cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, trong khi bảo đảm sự an toàn cho khách hàng.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, trong đại dịch COVID-19, việc “giao tiếp không chạm” đã tạo cơ hội cho các nhà phát triển ứng dụng tiên phong trong việc giúp khách hàng có thể tìm kiếm nhà xe, lộ trình di chuyển, phương thức đặt vé, xử lý các thủ tục dễ dàng. Việc này trở nên an toàn và tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, mặc dù doanh nghiệp vận tải quan tâm ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số đã gia tăng nhưng sự gia tăng này còn hạn chế. Bởi đa phần doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn. Đại dịch COVID-19 đang gây áp lực lớn lên các dịch vụ vận tải, nhất là với vận tải hành khách khi doanh thu gần đây giảm khoảng 80%.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, quá trình chuyển đổi số, đầu tư mô hình tự động hóa có chi phí hàng tỷ đồng. Mức chi phí này là khá cao đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam. Nguồn lực tài chính dành cho đầu tư quản trị kỹ thuật số trở thành một trong những bài toán khó giải đối với doanh nghiệp nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tài chính.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam đa phần quy mô vừa và nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các hoạt động vận tải theo phương thức truyền thống bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Chỉ có một số ít doanh nghiệp vận tải lớn chuyển đổi số hiệu quả, còn lại đa phần chưa phát triển được các nền tảng số kết nối giữa các chủ xe, chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng.

Nguyên nhân được ông Tùng chỉ ra là do tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào các ứng dụng công nghệ số và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp vận tải còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư chuyển đổi số khá lớn khiến họ ngần ngại.

Từ kinh nghiệm chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du Lịch Hà Lan cho rằng, cần bắt buộc doanh nghiệp phải có ứng dụng nền tảng công nghệ. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể kê khai được các thông tin và hành trình của hành khách vận chuyển trong ngày. Phần mềm này của doanh nghiệp cũng phải được kết nối với các ngành khác như thuế, công an, giao thông để kiểm soát.

“Ứng dụng này cũng phải có mã QR code để hành khách khai báo y tế khi có dịch bệnh. Muốn làm được việc này, doanh nghiệp phải có nguồn lực cả về con người và tài chính. Doanh nghiệp nào không áp dụng sẽ thu giấy phép kinh doanh, có như vậy, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp vận tải mới thành công”, ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, ông Lê Thanh Tùng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong ngành giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở và xây dựng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải, logistics dưới hình thức giao dịch điện tử.

Tags:
Ý kiến của bạn
Phố quen ngày nghỉ lễ

Phố quen ngày nghỉ lễ

Phố quen mà lạ - điều mà không ít người ở Hà Nội đã nhận ra trong những ngày nghỉ lễ dài. Phố phường có thể có một chút mới lạ, đôi chút xáo trộn khác với thường nhật, cùng nhiều cảm xúc khác nhau trong cảm nhận của mỗi người, nhưng đúng là bước chân qua phố những ngày này thấy thật khác.

Người trẻ và câu chuyện bảo vệ môi trường

Người trẻ và câu chuyện bảo vệ môi trường

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm vừa qua, các dự án, nhóm cộng đồng, câu lạc bộ của những người trẻ yêu môi trường ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Thành công cứu nạn thuyền viên tàu chở xi măng mắc cạn tại khu vực biển Nam Định

Thành công cứu nạn thuyền viên tàu chở xi măng mắc cạn tại khu vực biển Nam Định

Đến 15h30 phút ngày 30/4/2024, tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 411 thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã tiếp cận, cứu nạn thuyền viên tàu SUNRISE 268 bị nạn tại vùng biển cửa Ba Lạt, Xuân Thủy, Nam Định.

Xe điện tạo ‘cơn sốt vàng’ cho các nhà sản xuất lốp ô tô

Xe điện tạo ‘cơn sốt vàng’ cho các nhà sản xuất lốp ô tô

Thị trường lốp ô tô lâu nay luôn được xem là ‘đấu trường’ cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, sự phát triển của ô tô điện đang mang đến nhiều cơ hội mới.

Thẻ ngân hàng rất xanh

Thẻ ngân hàng rất xanh

Không chỉ tích cực hình thành thói quen phân loại rác để bảo vệ môi trường, nhiều người dân hướng đến chi tiêu không dùng tiền mặt, sử dụng chiếc thẻ có tên là Hi green góp phần rất hữu ích, tiện lợi vào xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh.

Chỉ số MXV-Index tháng 4 giảm 2,7% so với tháng trước

Chỉ số MXV-Index tháng 4 giảm 2,7% so với tháng trước

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 (ngày 30/4), thị trường ghi nhận 27 mặt hàng giảm giá trong tổng số 31 mặt hàng. Áp lực bán hoàn toàn áp đảo đã khéo chỉ số MXV-Index giảm sâu 1,34% xuống 2,279,13 điểm.

Chuyện nhà cổ trăm năm Huỳnh Phủ

Chuyện nhà cổ trăm năm Huỳnh Phủ

Có dịp về xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre không khó để du khách tìm đến nhà cổ Huỳnh Phủ với tuổi đời hơn một thế kỷ.

// //