Dẹp cà phê đường tàu: Liệu có giống chiến dịch 'giải cứu' vỉa hè?
Phóng viên - 14/10/2019 | 13:06 (GTM + 7)
Có thể thấy, câu chuyện dẹp cà phê đường tàu khá giống chuyện giải tỏa vỉa hè. Không phải chính quyền đô thị không làm được, mà vấn đề nằm ở quyết tâm đến đâu, có thực hiện triệt để? hay qua vài giai đoạn ra quân cao điểm rồi “đâu lại vào đấy”?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trước đề nghị của Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiên quyết dẹp bỏ tụ điểm cà phê đường tàu vốn tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt.
Theo quan sát của phóng viên VOVGT, trước ngày 12/10, thời điểm lực lượng chức năng phải hoàn thành việc dẹp bỏ cà phê đường tàu, khu vực này đã được rào chắn và bố trí người trực gác, nhằm không cho khách du lịch và khách vãng lai ra vào.
Dù vẫn còn những ý kiến trái chiều như “tiếc” cho một điểm đến độc đáo trong mắt khách du lịch, song đa số người dân đều đồng tình với phương án này nhằm đảm bảo không có bất cứ sự cố chạy tàu nào xảy ra như đã từng vào năm 2001 (tàu trật bánh ở Cửa Nam), hay năm 1978 (lật tàu tại đầu phố Trần Phú khiến 34 người thiệt mạng).
“Ý kiến của tôi là để lại, nó là chỗ vui chơi, đi lại của người ta, làm cảnh cho khách du lịch như nhiều nơi đấy. Nó như tập tục bao nhiêu năm rồi bỏ làm sao được. Nó hơi nguy hiểm tí thôi, nếu có rào chắn thì hơn”.
“Em nghĩ ở đấy nó khá nguy hiểm, với cả em xem vài phóng sự đường tàu thì nhìn cảm giác nó không vệ sinh lắm.”
“Ăn uống ở trên đường ray rồi vứt rác luôn thì mất vệ sinh, mất an toàn cho đường ray. Các quán ven đấy, nhìn ra đường tàu để uống cà phê hoặc ăn uống ở gần đấy thôi chứ không thể ngồi trên đường tàu được“.
“Việc đấy thì nó cũng ảnh hưởng đến tuyến đường sắt, mà làm như thế có khi bị tai nạn oan”.
“Cà phê đấy thì tất nhiên là bỏ chứ đường tàu làm sao vào đấy được. Dân vào đấy thì nhiều cái bất ổn, hai nữa là gây ra nhiều tai nạn”.
Đáng chú ý, có luồng ý kiến cho rằng, việc dẹp bỏ những quán cà phê ngắm tàu chỉ là giải pháp cho “phần ngọn” của vấn đề. Với công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu triệt để của cơ quan chức năng như thời gian vừa qua, liệu rằng, những quán trà chanh, nước hoa quả, quán bia nào nữa sẽ mọc lên thay thế? Liệu đợt ra quân lần này sẽ cho ra cùng một kết quả như chiến dịch giải tỏa vỉa hè?
Chắc chắn, cần phải có góc nhìn đúng và trúng để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt trên các tuyến nội đô xuyên qua khu dân cư.
Ga Hàng Cỏ, nay là Ga Hà Nội được hoàn thành vào năm 1902. Thời điểm ấy, ga và đường sắt đều nằm ở các vùng đất ngoại ô thành phố. Tuy nhiên, các khu thuộc tỉnh Hà Đông cũ như Khâm Thiên, Nam Đồng, Vọng… sau này đã trở thành phố thị đông dân cư.
Vấn đề ùn ứ và mất ATGT khi hàng chục chuyến tàu đến và đi khỏi ga Hà Nội, len lỏi qua các xóm dân cư đông đúc đã từng được nhắc đến cách đây gần 1 thế kỷ. Sau đó, ga Đầu Cầu, nay là ga Long Biên, được xây dựng để giảm tải cho ga Hà Nội. Ga Giáp Bát từng được quy hoạch trở thành ga trung tâm của Hà Nội nhưng do chiến tranh không thực hiện được. Đến nay, tàu đến và đi khỏi Thủ đô vẫn phải qua ga Hà Nội.
Cùng với lịch sử của ga Hà Nội, các “xóm đường tàu” ở Khâm Thiên, Lê Duẩn, Trần Phú-Phùng Hưng… đã trở thành “đặc sản” trong ký ức nhiều thế hệ người dân Hà thành. Xuất phát từ một xóm cũ chỉ dành cho nhân viên ngành đường sắt, các khu dân cư này đã trở thành nơi sinh sống của những lao động nghèo, khó khăn. Họ sinh hoạt, giặt giũ, ngắt rau, nuôi gà… ngay sát đường ray.
Điểm độc đáo của xóm đường tàu khi gợi nhớ về một thời xưa cũ đã được giới kinh doanh, du lịch tận dụng. Nhiều chủ nhà cho thuê lại mặt bằng để người khác đến bán café, dịch vụ ăn uống, nhiều hãng lữ hành điền thêm xóm đường tàu vào tour du lịch của họ.
Mặc dù vậy, không chỉ đến khi có sự xuất hiện của đông đảo khách du lịch, vấn đề ATGT đường sắt tại đây mới được nhắc đến. Thực tế, lực lượng chức năng liên tục và thường xuyên ra quân để xử lý những vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt. Nhưng sau mỗi đợt ra quân, mọi việc không có nhiều chuyển biến đáng kể, khi người dân vẫn đang bám theo đường ray để sinh sống.
Thiếu tá Nguyễn Văn Khương – Phó Đội trưởng Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thông tin: Công tác xử lý vi phạm còn khó khăn do tình trạng người dân vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt vẫn hết sức phức tạp.
“Tại xóm đường tàu, lực lượng CSGT làm việc với 4 phường Khâm Thiên, Nguyễn Du, Điện Biên, Hàng Bông, các công ty đường sắt để ra quân tuyên truyền các hộ dân ký cam kết, tự giác tháo dỡ, trả lại nguyên trạng hành lang an toàn đường sắt; hướng dẫn du khách nước ngoài về đảm bảo an toàn, những nguy cơ đe dọa tính mạng; tổ chức xử lý, cưỡng chế, giải tỏa vi phạm”.
Với khoảng cách nhiều chỗ trong xóm đường tàu chỉ khoảng 1,5 – 2m tính từ mép đường ray tới nhà dân, ngay cả khi đã nắm rõ được lịch tàu chạy, việc tụ tập đông người nơi đây vẫn là một hiểm họa khó lường.
Theo Nghị định 56 năm 2018 quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra được xác định là 5,6 mét. Trong khi chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định là 3 mét.
Như vậy, khoảng cách với đường ray của các hộ dân xóm đường tàu hầu như không đáp ứng được quy định.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, lâu nay, đường tàu ra vào Hà Nội đi qua khu dân cư xóm đường tàu đều không có hành lang an toàn.
“Cần phải lập lại trật tự và có biện pháp an toàn cho người dân. Bộ GTVT phải cùng với ngành công an tổ chức lại trật tự ở đây, rào chắn, có người canh gác và có tín hiệu canh gác, có thông báo giờ tàu và tình huống mất an toàn. Người dân cũng không nên tận dụng chỗ này để kinh doanh”.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, nếu chính quyền thiếu quyết tâm đầu tư và quy hoạch lại đường sắt thì chí ít cũng phải dựng được một hành lang an toàn cho các chuyến tàu đi qua lòng dân cư. Có thể bằng những vật liệu phải chăng, không cần công trình quá kiên cố. Làm được như vậy, người dân và du khách sẽ chấp hành tốt hơn các quy định an toàn đường sắt.
Đồng quan điểm, ông Lại Anh Vũ – Phó trưởng Ban an ninh an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định, để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT đường sắt, Hà Nội cần cương quyết giải tỏa những vi phạm bên trong chỉ giới, hành lang đường sắt:
“Để bảo vệ hành lang ATGT đường sắt cần phải xác định phạm vi, sau đó cắm mốc chỉ giới. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến Hà Nội là địa phương có tình hình ATGT đường sắt phức tạp nhất. Chúng tôi đề nghị xử lý dứt điểm các tồn tại, giải tỏa vi phạm, cắm đầy đủ mốc chỉ giới, tại khu dân cư đô thị phải xây dựng hàng rào ngăn cách”.
Đề cập ý kiến cần di dời ga Hà Nội và các tuyến đường sắt chở khách ra khỏi nội đô, PGS.TS Lê Quân giảng viên cao cấp đại học GTVT cho rằng, đây là việc chưa cần thiết và không phù hợp với điều kiện của Hà Nội và ngành đường sắt hiện nay. Bởi theo quy hoạch, ga Hà Nội vẫn là ga kỹ thuật hành khách lớn nhất cả nước, là trung tâm, nơi khởi đầu và kết thúc, trung chuyển của các chuyến tàu. Một giải pháp khác được tính đến là làm giao thông khác mức giữa đường sắt với đường bộ nhưng lại quá tốn kém kinh phí, quỹ đất.
“Việc tồn tại các nút giao thông đồng mức đó là lịch sử, tuy nhiên hiện nay nó là lạc hậu. Bản thân đường bộ chúng ta không nên tổ chức giao thông đồng mức nữa là giữa đường sắt với đường bộ. Thế nhưng làm giao thông khác mức, thứ nhất là anh phải có quỹ đất, có quy hoạch không gian về chiều cao, rồi đặc biệt là kinh phí. Chính quyền địa phương, doanh nghiệp thụ hưởng, người dân cảm thấy cái đó là có ích, do mình giảm được giao cắt, giảm được ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm khí thải, lấy cái đó làm cái lợi ích để tính toán, bỏ chi phí để làm”.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Quân cũng nhận định, hiện nay sự phối hợp giữa ngành đường sắt với địa phương không thực sự có hiệu quả. Chính quyền địa phương cũng chưa vào cuộc quyết liệt, vẫn có tình trạng chưa rõ ràng về chức năng giữa bộ phận công an, chính quyền địa phương , dẫn đến có những vi phạm không được xử lý quyết liệt. Với tất cả yếu tố vừa nêu, giải pháp căn cơ nhất là tất cả các bên lien quan phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về ATGT đường sắt.
“Về hệ thống văn bản pháp quy thì chúng ta tương đối hoàn thiện, nên theo tôi ở đây vấn đề chỉ là thực hiện mà thôi. Mà phải thực hiện nghiêm túc theo luật. Chỗ nào vi phạm hành lang an toàn giao thông thì phải cương quyết xử lý, chứ không để tình trạng phạt cho tồn tại. Và ở đây phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, chứ một mình ngành đường sắt thì cũng không thực hiện được vấn đề này”.
Theo chuyên gia Đại học GTVT, chính quyền Hà Nội cũng cần lưu ý tới đời sống kinh tế của các hộ dân, cần tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu về việc kinh doanh ảnh hưởng ra sao tới an toàn đường sắt. Bên cạnh đó, nếu có thể, nên tạo điều kiện cho họ có nơi ở mới, không vi phảm chỉ giới, hành lang ATGT đường sắt.
Chỉ thời gian ngắn sau khi có lệnh đóng cửa các quán café đường tàu, khu vực xóm đường tàu đã trở lại trật tự dưới sự giám sát của lực lượng liên ngành.
Có thể thấy, câu chuyện dẹp café đường tàu khá giống chuyện giải tỏa vỉa hè. Không phải chính quyền đô thị không làm được, mà vấn đề nằm ở quyết tâm đến đâu, có thực hiện triệt để? hay qua vài giai đoạn ra quân cao điểm rồi “đâu lại vào đấy”?
Bất cứ điều gì trong cuộc sống hàng ngày, từ những vấn đề lớn lao đến những câu chuyện vụn vặt đều ẩn chứa những triết lý của sự tồn tại và phát triển. Chẳng hạn như, món Phở của người Nam Định, tại sao lại trở thành món ăn quốc dân, và dễ dàng phổ biến, dù không hẳn là món ăn ngon nhất?
Từ những trang sách khô khan, các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) đã bước ra thế giới thực, khám phá vườn thú ở Thảo Cầm Viên. Một buổi học đầy màu sắc, nơi kiến thức được truyền tải qua những trải nghiệm sống động.
Đằng sau những vụ tai nạn gần đây do người chưa đủ tuổi điều khiển xe máy gây ra là vi phạm của các phụ huynh khi để con em mình có cơ hội điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Để tăng nguồn cung cho thị trường, Chính phủ vừa đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm.
Chúng ta phải hành động nhất quán quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi vi phạm an toàn giao thông; hướng tới chiến lược giao thông an toàn, thông suốt, không có người tử vong vì tai nạn giao thông…
Trong 10 tháng đầu năm, trên toàn địa bàn TP.HCM đã xảy ra 1.234 vụ tai nạn giao thông, làm chết 380 người và làm bị thương 768 người. Trong đó, tai nạn giao thông xảy ra ở lứa tuổi học sinh từ 6 đến dưới 18 tuổi là 145 vụ, làm chết 19 em và làm bị thương 78 em.
Vừa qua, TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến tham vấn về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu bằng hình thức BOT theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.