Trong năm 2019, cụm từ “chống rác thải nhựa” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc mà ai cũng được nghe, được biết. Tại Quảng Ninh, nơi có vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới cũng đang phải đang phải đối mặt với tình trạng ô nhi
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Từ tờ mờ sáng, khi còn chưa thấy rõ mặt người, tại bến cá ở con đường bao biển đẹp nhất TP. Hạ Long, chị Tạ Thị Hòa cùng các đồng nghiệp lên con tàu nhỏ, bắt đầu công việc quen thuộc của mình: Vớt rác trên vịnh Hạ Long. Con tàu vừa khởi động, 2 nhân viên đã đứng sẵn ở mũi tàu cầm chiếc vợt cán dài, mắt chăm chăm nhìn xuống mặt nước.
Tàu chạy vòng quanh, lấm tấm trước mũi tàu lần lượt xuất hiện vỏ lon bia, chai nước lọc trôi nổi, túi nilon xanh đỏ bồng bềnh như những con sứa.
Hộp xốp đựng thức ăn đã rách nát, cốc nhựa méo mó, chiếc găng tay cao su cáu bẩn dập dềnh, trôi nổi trên mặt nước. Thấy rác, chị Hòa nhanh tay vớt, hất lên mấy cái thùng đã để sẵn trên khoang. Tới một miếng gỗ lớn có vẻ nặng, vợt không sao vớt được, chị đành gọi đồng nghiệp, hai người lấy móc cùng kéo lên tàu. Chị Hòa kể:
“Hàng ngày đi làm thì túi bóng, nilon, đồ chai nhựa, đồ rắn của người dân trên bờ vứt xuống. Chai nhựa túi bóng của dân chã dưới này. Đa phần dân mình chưa có ý thức về môi trường. Nhiều khi làm đến 5 rưỡi vẫn không hết rác, phải cố làm cho hết”.
Ở phía xa, một chiếc thuyền khác cũng đang phải dừng lại để vớt rác thải do người dân bỏ lại. Khoang tàu đã đầy kín những tảng phao xốp to tướng, lại có thêm mấy miếng nệm cao su ngấm nước biển đầy rêu mốc, mấy gốc rau đang phân hủy khiến không khí trên tàu càng trở nên ngột ngạt.
Trong khoang lái, anh Trần Văn Hiền, nhân viên vớt rác trên vịnh Hạ Long vừa tránh một tàu khách cao tốc chạy vụt qua, mấy cái chai mắc dưới thân tàu cá lại theo sóng cuộn ra ngoài. Tháo chiếc khẩu trang bịt kín mặt, anh Hiền, thở dài: Chai lọ, túi bóng nhiều nhất nhưng lại dễ vớt, chứ gặp nguyên mảng xốp, mảnh gỗ thì khó hơn. Vớt rác trên biển khổ lắm, vừa vớt xong chỗ này thì rác lại trôi đến.
“Thời điểm nhiều rác nhất là sau mưa bão, rác người dân vứt xuống trôi nổi vào kẽ thuyền, kẽ núi thế nên bọn tôi rất khó khăn không vớt được rác. Ví dụ như phao xốp bọn tôi vừa vớt xong lại trôi lại hay vớt 1 lượt thì dân thuyền họ lại vứt xuống tiếp thì phải quay lại vớt chứ dân họ không vứt vào thuyền để chúng tôi thu nhặt lại”.
Theo thống kê của Ban quản lý vịnh Hạ Long, 5-6 tấn là khối lượng rác trôi nổi được các công nhân môi trường vớt lên từ mặt nước vịnh Hạ Long mỗi ngày. Hiện tại, việc thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên vịnh Hạ Long được Ban quản lý vịnh Hạ Long hợp đồng với 3 đơn vị. Công ty CP thương mại Phúc Thành thu gom khu vực ven bờ, Công ty CP Cây xanh Công viên Quảng Ninh thu gom khu vực trung tâm vịnh và các điểm tham quan cố định.
Rác thải được hơn 20 tàu với hơn 60 nhân lực thu gom tập kết về khu vực bến cá Bạch Đằng, giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh chuyên chở đi xử lý tại nhà máy rác. Số tiền Ban quản lý vịnh Hạ Long phải chi để thu gom rác mỗi năm lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Huỳnh, phó BQL vịnh Hạ Long cho biết, bên cạnh rác thải phát sinh từ bờ và các hoạt động kinh tế của hàng nghìn tàu vận tải, tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hoạt động du lịch cũng là một nguồn phát thải khi vịnh Hạ Long đón hơn 4 triệu lượt khách mỗi năm.
Một trong những biện pháp "mạnh tay" hơn được BQL vịnh Hạ Long triển khai đó là vận động các đơn vị hoạt động dịch vụ trên vịnh dừng sử dụng sản phẩm phát sinh rác thải nhựa.
Từ ngày 1/9/2019, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tàu du lịch, dịch vụ du lịch như xuồng cao tốc, kayak, đò chèo tay trên vịnh Hạ Long, các điểm bán hàng cố định sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần như chai nhựa đựng nước, ống hút nhựa, cốc nhựa, hộp bát đĩa đựng thức ăn, túi nilon...
Thay vào đó là các sản phẩm bằng giấy, thủy tinh, vật liệu sinh học thân thiện với môi trường. Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết:
“Trong thơi gian vừa qua, lượng rác thải trên vịnh đã giảm đi rất nhiều, thông thường chỉ nửa ngày chúng tôi phải đi đổ thùng rác 1 lần thì đến bây giờ có thể cả ngày mới phải đi đổ vì lượng chai nhựa không còn nhiều nữa. Hầu hết khách du lịch đã thay đổi nhận thức là sử dụng các chai thủy tinh, bình nước bằng inox hay bằng nhựa dùng nhiều lần, các túi xách cũng không dùng bằng nilon nữa do đó lượng rác thải ra giảm đi rất nhiều”.
Cũng theo Ban quản lý Vịnh Hạ Long, hiện 100% doanh nghiệp, điểm dịch vụtại vịnh Hạ Long không còn sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, điều này cũng nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía du khách.
Ban quản lý Vịnh Hạ Long sẽ hỗ trợ nơi cung cấp các sản phẩm thay thế nhựa dùng 1 lần, kết nối, hướng dẫn đội ngũ người dân hoạt động chèo đò trên vịnh làm các túi giấy, cung cấp cho các doanh nghiệp để vừa có thêm sinh kế, vừa giúp có thêm vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. ông Phạm Đình Huỳnh cho biết thêm:
“Để thay đổi một thói quen sẽ cần một thời gian nhất định. Trước tiên chúng tôi tuyên truyền vận động, các doanh nghiệp sẽ ký cam kết không sử dụng các loại chất thải nhựa. Sau đó các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra giám sát thực hiện. Đối với các doanh nghiệp cố tình không thực hiện chúng tôi sẽ có văn bản nhắc nhở.
Đồng thời với doanh nghiệp vi phạm nhiều lần chúng tôi sẽ kiến nghị với đoàn kiểm tra có biện pháp, chế tài xử lý, như là dừng hợp đồng cung cấp dịch vụ cũng như vận chuyển khách tham quan trên vịnh”.
Đối với du khách, ngay từ khi đến các cảng tàu, việc khuyến cáo để lại chai nhựa, đồ nhựa dùng 1 lần vào các thùng rác trên bờ sẽ được thực hiện bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau. Đồng thời, rác thải có khả năng tái chế cũng được nhân viên công ty du lịch phân loại trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển về bờ xử lý.
Anh Nguyễn Ngọc Quang, Tổng quản lý Cty du thuyền 5 sao Hồng Phong cho biết, việc chấm dứt hoàn toàn nhựa dùng 1 lần của tỉnh Quảng Ninh được các công ty du lịch và du khách rất hưởng ứng. Tuy thói quen đồ nhựa dùng 1 lần không dễ dàng để thay đổi, thế nhưng đây là việc làm cần thiết để bảo vệ môi trường và bảo vệ vịnh Hạ Long trước tình trạng nhựa dùng 1 lần đang được sử dụng rộng rãi như hiện nay.
“Khâu chuẩn bị đưa tất cả sản phẩm xuống tàu thì chúng tôi thay bằng túi nilon sử dụng 1 lần thì chúng tôi sử dụng các sọt, thùng carton, sọt nhựa hoặc bao bì sử dụng nhiều lần. Khi xuống tàu, tất cả các loại rác chúng tôi đều có thùng để phân loại riêng, mang lên bờ để phục vụ các mục đích khác nhau.
Trước đây chúng tôi dùng cốc nhựa, chai nhựa sử dụng 1 lần, ống hút nhựa thì bây giờ chúng tôi dùng ống tre, ống hút giấy, chai thủy tinh, chai nhựa dùng nhiều lần để khách mang đi thăm các điểm và tái sử dụng vệ sinh để phục vụ khách khác nhiều lần nữa”.
Việc ngừng hoàn toàn sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần trên vịnh Hạ Long được kỳ vọng sẽ góp phần giúp môi trường sống cho người dân, môi trường du lịch phục vụ du khách thêm xanh sạch đẹp. Đây cũng được coi là điểm sáng của tỉnh Quảng Ninh về xử lý rác thải nhựa trên biển giúp giữ lại màu xanh, bảo vệ biển trước nạn ô nhiễm rác thải, đặc biệt là bảo vệ vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới…
Hàng trăm người dân TP.HCM đã có cơ hội trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trước ngày tuyến này đi vào vận hành chính thức. Phóng viên VOV Giao thông đã có mặt tại ga Bến Thành để cùng trải nghiệm và lắng nghe những chia sẻ đầy hứng khởi của người dân thành phố.
Sau khi VOVGT phát sóng và đăng tải bài viết về việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, đã thu hút sự chú ý và đóng góp ý kiến của dư luận, trong đó có nhiều chuyên gia, giáo viên.
Theo Phòng CSGT Công an TP.HCM, chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 12, lực lượng CSGT đã ghi nhận tình trạng nhiều xe tải trọng lớn chết máy trên cầu Phú Mỹ, gây ùn tắc giao thông; xe chạy quá tốc độ, chạy sai làn đường, dẫn đến tai nạn.
Hà Nội giờ cao điểm tắc đường đến mức, từ vỉa hè, đôi khi bộ hành ái ngại thay cho những người ngồi trên xe đang nổ máy dưới lòng đường, vì bị bỏ lại xa lắc phía sau, như ở… Xa La.
Một trong những câu chuyện nóng ở Hà Nội dịp này chính là việc thành phố mở rộng thí điểm cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố. Có quá nhiều khía cạnh được mổ xẻ từ câu chuyện này, từ giá thuê, đến các nguyên tắc xử dụng, rồi lợi ích của các bên liên quan...
Tỷ lệ thu gom nước thải của phạm vi phục vụ hệ thống thoát nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 64%, bình quân lượng nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ đạt 16% trên tổng lượng nước thải cần được thu gom xử lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường.