Chạy nước rút hoàn thành cắm cọc, GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Hoàng Hà - 02/06/2022 | 14:08 (GTM + 7)
Mặt bằng luôn là “nút thắt” khi thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, công tác này thường được thực hiện trong vòng từ 2-3 năm. Thế nhưng, với dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 thời gian bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc và giải phóng mặt bằng chỉ được tính bằng tháng.
Đây là một thách thức lớn đối với các Ban quản lý dự án và các địa phương.
Vậy, cách nào để hoàn thành công tác cắm cọc trước ngày 30/6? Các địa phương sẽ làm gì để bàn giao 70% mặt bằng, đảm bảo khởi công trước ngày 20/11/2022?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Với hơn 27 km cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua địa bàn 8 xã, ảnh hưởng trực tiếp tới 240 hộ dân, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đang tập trung kiểm đếm, đo đạc thực địa theo hình thức cuốn chiếu, tức là cắm mốc đến đâu kiểm kê đến đó.
Đồng thời, tiến hành rà soát, lựa chọn 10 khu tái định cư, đưa vào danh mục thu hồi chuyển đổi mục đích đất lúa, đất rừng sang tái định cư. Ông Phạm Hoàng Anh, Phó chủ tịch UBND – Chủ tịch hội đồng GPMB huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Sau khi tiếp nhận mốc, địa phương đã tổ chức họp dân để công bố chủ trương đầu tư, xác định các hộ dân có ảnh hưởng đến bồi thường giải phóng mặt bằng, thành lập các tổ vừa kiểm kê vừa xác định nguồn gốc sử dụng đất, đồng thời xác định đối tượng có nhu cầu tái định cư.
Hiện nay đã kiểm kê xong 2 xã, đang rút quân về để làm tại các xã vừa cắm mốc ở đợt 2, với tinh thần bàn giao mặt bằng trước ngày 20/11".
Theo ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh, địa phương có gần 109km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua với 3 dự án thành phần, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 900ha, 700 hộ dân bị ảnh hưởng và 700 ngôi mộ phải di dời.
Ngay sau khi được bàn giao cột mốc giải phóng mặt bằng, địa phương đã tiến hành công tác dân vận, kiểm đếm đạt hơn 80%.
"Ngoài việc thực hiện rất quyết liệt nhiệm vụ trong công tác giải phóng mặt bằng, thì một nhiệm vụ cũng rất quan trọng đó là tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu và đồng tình. Quá trình đo đạc, kiểm đếm cũng xem xét đến từng gia đình, về những khó khăn để có hướng giải quyết và quan tâm hơn đến người dân, trên cơ sở quy định của pháp luật để đảm bảo sự đồng thuận", ông Lê Anh Sơn cho biết/
Ông Hoàng Chiến Thắng, Trưởng Văn phòng hiện trường dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng cho biết, ngay sau tết nguyên đán, hàng chục cán bộ cốt cán của Ban đã được điều động về Hà Tĩnh, thành lập Văn phòng hiện trường ngay từ bước chuẩn bị đầu tư, sát cánh cùng chính quyền đến từng hộ dân, thôn bản, từng xã để xin phép cắm mốc giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, hồ sơ địa chính tại đây đã được số hóa, rất thuận lợi trong việc định vị, rút ngắn thời gian đo đạc.
"Những dự án khác làm theo đúng quy trình thì phải duyệt dự án khả thi, bố trí nguồn vốn rồi mới tiến hành triển khai các bước theo quy định như: kí hợp đồng với đơn vị tư vấn đi đo đạc bản đồ, xong gắn mốc lên bản đồ đấy, nhưng đây có sẵn rồi, không phải lựa chọn tư vấn nữa.
Địa phương tranh thủ mình bàn giao cọc cho họ là họ định vị luôn lên bản đồ số, thậm chí người ta còn lên sẵn phương án dự thảo, công khai cho dân xem, đến khi dự án được duyệt, có tiền họ phê duyệt luôn và có thể trả tiền ngay", ông Hoàng Chiến Thắng nói.
Chính sự vào cuộc quyết liệt của địa phương và Ban QLDA, đến ngày 30/5 công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng 2 dự án này đã cơ bản hoàn thành.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long khẳng định: "Về công tác giải phóng mặt bằng, rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1 tổ chức giải phóng mặt bằng trước khi khởi công khoảng 2 năm.
Thế nhưng sau khi thi công vẫn còn có những vị trí chưa có mặt bằng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của dự án. Do vậy đợt này Ban sẽ phối hợp với các địa phương làm sao lo cho công tác giải phóng mặt bằng đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng".
Còn tại 2 dự án Vũng Ánh – Bùng, Bùng - Vạn Ninh với sự vào cuộc tích cực của địa phương, Ban QLDA, tư vấn xác định tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập hồ sơ và cắm cọc giải phóng mặt bằng.
Vì thế, đến nay các dự án đã cơ bản hoàn thành hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và cắm cọc ở hiện trường. Đặc biệt, việc Chính phủ cho phép làm song song công tác giải phóng mặt bằng trong bước lập dự án đầu tư là bước đi đột phá, giúp đẩy nhanh tiến độ.
Ông Dương Viết Roãn cho biết thêm: "Địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, từ bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, các sở ban ngành, huyện, thậm chí là bà con nhân dân các xã nơi có dự án đi qua ủng hộ rất nhiệt tình, đến nay cơ bản đã bàn giao xong cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Đến 30/6 các tỉnh sẽ hoàn thành công tác trích đo bản đồ địa chính, làm cơ sở để thu hồi đất, tiến hành kiểm đếm, áp giá, công khai niêm yết đền bù theo quy định. Với tiến độ như hiện nay các địa phương đang bám sát tiến độ, thậm chí có một số hạng mục vượt tiến độ",
Công tác cắm cọc những km cuối cùng tại dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn cũng đang được thực hiện rốt ráo.
Ông Lê thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết đơn vị đã bàn giao hồ sơ, cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương được 81/88km, dự kiến sẽ bàn giao số km còn lại vào 20/6 tới, khi toàn bộ hồ sơ thiết kế cơ sở được phê duyệt: "Để triển khai theo đúng tiến độ, Ban đã thành lập 2 Văn phòng hiện trường với 10 người. Tổng số người tham gia dự án là 20 người, ở Đức Phổ và Hoài Nhơn, phối hợp với địa phương rà soát diện tích đất, các mỏ vật liệu, các khu tái định cư, tổng hợp lại và đưa vào tổng mức đầu tư, trên cơ sở đó chúng tôi sớm đệ trình dự án trước ngày 30/6, để có thể phê duyệt toàn bộ dự án vào 30/6".
Các dự án Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang, Ban quản lý dự án 7 cũng đã bàn giao hồ sơ thiết kế, cọc giải phóng mặt bằng 90% cho các địa phương. Trong đó, riêng tại Khánh Hòa đã bàn giao được 68/83km.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai công tác kiểm đếm, xác định pháp lý đất đai của người dân, chủ động lập quy hoạch, thiết kế các khu tái định cư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa bày tỏ lo ngại: "Về giải phóng mặt bằng dự án này giao cho địa phương thực hiện. Nhưng hiện nay cơ sở pháp lý để giao thì chưa có, do dự án chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở để giao địa phương. Đây là vướng mắc lớn nhất trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng đối với dự án đi qua tỉnh Khánh Hòa nói riêng và 12 dự án thành phần cao tốc phía Đông nói chung".
Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa các địa phương sẽ phải bàn giao 70% mặt bằng sạch cho các nhà thầu khởi công xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Theo chủ trương của Chính phủ, sẽ tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và giao địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt, chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai nhiều hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng.
Hãy cùng đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận: “Khẩn trương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi – điều kiện tiên quyết để giải phóng mặt bằng”
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đến ngày 31/5 đã có 94% hồ sơ thiết kế được chấp thuận, công tác cắm cọc ngoài thực địa đạt 89%, số còn lại sẽ hoàn thành trước 30/6.
Ngay sau khi nhận bàn giao cột mốc, dù chưa có vốn, nhưng các địa phương đã chủ động phối hợp với các Ban QLDA vận động nhân dân đo đạc, kiểm đếm bản đồ giải thửa, rà soát các quy hoạch để tái định cư, kiểm soát thực địa, ngăn chặn xây dựng trái phép chờ đền bù, xác định nhu cầu tái định cư, xác định nhu cầu đất...sẵn sàng triển khai khi dự án được phê duyệt.
Tuy nhiên, để cán đích mục tiêu bàn giao 70% mặt bằng sạch trước 20/11 đang là thách thức vô cùng lớn với nhiều địa phương.
Bởi lẽ, đến nay Báo cáo nghiên cứu khả thi 12 dự án cao tốc Bắc – Nam giao đoạn 2 vẫn chưa được phê duyệt, chưa đủ cơ sở pháp lý để địa phương triển khai giải phóng mặt bằng, chưa xác định được kinh phí đền bù và trách nhiệm của địa phương.
Và khi pháp lý chưa rõ ràng, địa phương thận trọng cũng là lẽ đương nhiên.
Mặc dù theo Nghị quyết 18 Chính phủ cho phép triển khai đồng thời một số công việc, thế nhưng nhiều hạng mục phải thực hiện theo đúng quy trình.
Đặc biệt là công tác thu hồi đất. Theo quy định dự án phải được phê duyệt mới có đủ cơ sở pháp lý để thu hồi đất, từ đó Bộ GTVT mới ban hành quyết định giao cho địa phương làm chủ Dự án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở đó địa phương mới trình Hội đồng nhân dân để thu hồi đất và mới đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo.
Hiện nay Bộ GTVT đang tập trung lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, đây là cơ sở để quan trọng để Bộ này chính thức giao cho địa phương làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng.
Vì thế, điều mà các địa phương mong mỏi nhất hiện nay là Bộ GTVT sớm phế duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để phân bổ vốn GPMB cho các địa phương.
Sau khi dự án được duyệt sẽ tiến hành lập thiết kế kĩ thuật, phối hợp với địa phương vừa giải phóng mặt bằng vừa tiến hành xác định bãi đổ thải, kế hoạch tái định cư và chuẩn hóa lại hệ thống đường gom; từ đó làm cơ sở cho việc lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công.
Đây sẽ là một chiến dịch tiếp theo cần sự quyết tâm, đồng lòng từ các Ban QLDA tới các địa phương mới thực hiện thành công mục tiêu có mặt bằng sạch để khởi công dự án vào cuối năm nay.
Đã 1 tuần kể từ khi nút giao phố Minh Khai - Ngõ 349 Minh Khai - Lối vào Bệnh viện Vinmec Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tổ chức lại giao thông. Hiện tượng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm thành phố đã có sự chuyển biến khá tích cực.
Khi một quy định được ban hành nhưng không thể thực thi, chúng ta đều biết hậu quả sẽ là sự khinh nhờn luật lệ. Vì thế, việc đưa ra nhiều quy định pháp luật mà không tính toán được khả năng thực thi, chính là cách để làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật.
Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.HCM chỉ dài gần 6km nhưng suốt hai thập kỷ qua chưa thể mở rộng, trong khi đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai thi công mở rộng lên 6 - 8 làn xe.
Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, nhưng số lượng người khuyết tật trực tiếp tham gia giao thông nói chung và xe buýt nói riêng rất thấp, đặc biệt là những người khuyết tật vận động. Vậy đâu là lí do khiến người khuyết tật ngại hòa nhập cộng đồng?
Du lịch đường sông đang nổi lên như một loại hình dịch vụ quan trọng của ngành du lịch ĐBSCL khi vùng sở hữu thế mạnh sông nước với 28.000 km đường thủy. Mới đây nhất, cú bắt tay giữa TP.HCM và ĐBSCL đã “phác họa” được 22 tuyến và 4 trung tâm trung chuyển hành khách để phát triển ngành du lịch.
Khi nắng phương Nam rọi ấm các cánh đồng Đông Xuân sớm cũng là lúc mùa gặt chớm đến trên đồng. Hình ảnh mái nhà tranh nép mình bên ụ rơm vàng hực, tụi trẻ chơi trò ú tim dưới gốc rơm mềm đã trở thành biểu tượng của một đồng quê yên ả, thanh bình.