Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Bảo vệ môi trường biển: Cần chiến lược sinh kế cho ngư dân

Phóng viên - 08/06/2021 | 6:20 (GTM + 7)

Ô nhiễm môi trường biển trong những năm gần đây đã làm cho nhiều loài sinh vật biển giảm mạnh về số lượng, có loài đã biến mất cục bộ, ảnh hưởng đến sự đa dạng của hệ sinh thái biển và nhu cầu sinh kế của ngư dân.

Vậy, các chiến lược bảo vệ môi trường biển cần gắn với chiến lược sinh kế ra sao, để đảm bảo tính bền vững?

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Ở Thanh Khê, Đà Nẵng nghề biển là nghề có truyền thống lâu đời. Từ năm 13 tuổi, anh Lê Văn Chiến đã theo cha lên thuyền ra khơi đánh bắt xa bờ. Hơn 40 năm qua, anh chứng kiến lớp người dày dạn kinh nghiệm đi biển ngày càng thưa vắng, trong khi nguồn hải sản ngoài khơi cũng dần cạn kiệt: 

"Đi làm xa bờ mấy năm trước làm hiệu quả hơn. Thời gian gần đây nguồn hải sản nó cũng cạn kiệt. Ngư trường khai thác của mình phân định lại nên cũng hạn hẹp. Lao động ngày xưa họ còn làm nhiều, đi biển nhiều. Bây giờ giờ còn khoảng 40% thôi. Thế hệ sau họ không đi nữa đâu".

Còn tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, anh Huỳnh Văn Thanh ở xã Tam Thanh cũng kể về cái khó của các ngư dân đi đánh bắt xa bờ khi nguồn hải sản không dồi dào như trước:

"3-4 năm về trước số lượng mỗi lần tàu về phải được 9-10 tấn. Còn gần đây nó phải giảm 70%, chỉ được đôi tấn. Ngư trường bên đây khó khăn nó giảm quá luôn".

Không chỉ việc khai thác hải sản gặp khó, mà ngay cả hoạt động nuôi trồng thủy sản của nhiều bà con cư dân ven biển cũng không được thuận lợi do vùng nuôi bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Kim Đồng ở thôn Phước Đồng, tỉnh Phú Yên phản ánh: 

"Tôi nuôi tôm từ 1997 cái bệnh đen mang tỉ lệ thấp 1000 con chỉ bị 5-10 con thôi chứ không mất hàng loạt. Từ năm 2017 tới giờ xuất hiện cái bệnh đen mang ở tôm nhiều. Một số bà con trắng tay, bị lỗ nhiều. Trước đây tôi được biết là 32 hộ giờ chỉ còn khoảng 20 hộ nuôi thôi".

Không chỉ việc khai thác hải sản gặp khó, mà ngay cả hoạt động nuôi trồng thủy sản của nhiều bà con cư dân ven biển cũng không được thuận lợi do vùng nuôi bị ô nhiễm (Ảnh: Zing)

Tình trạng tương tự xảy ra tại Hải Phòng, số lượng hộ dân nuôi tôm nước lợ những năm gần đây cũng giảm đi trông thấy, do vùng nước bị ô nhiễm, hiệu quả kinh tế thấp. Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, theoTS Nguyễn Mạnh Hào, công tác tại Viện Nghiên cứu môi trường biển, ô nhiễm đến chủ yếu đến từ đất liền:

"Hầu hết các cửa sông hiện nay đều có hiện tượng ô nhiễm một thời điểm nào đó. Ví dụ ở các khu nhà máy xí nghiệp nhiều như ở cửa sông Bạch Đằng, sông Lạch Tray bị ô nhiễm từ kim loại nặng, từ các hóa chất. Còn ở các cửa sông như Văn Úc, Thái Bình hay bị ô nhiễm bởi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật".

Hàng năm, Việt Nam có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa, thải ra biển. Phát triển du lịch nóng thiếu kiểm soát khiến nhiều hòn đảo và các địa phương ven biển đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng, điển hình như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh, đảo Cát Bà, Hải Phòng.

Rác thải nhựa trôi nổi mắc kẹt vào tàu thuyền, gây ra va chạm, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. TS Phạm Văn Hiếu, công tác tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phân tích:

"Rác thải nhựa khiến du khách không muốn đến tham quan tắm biển. Rác thải biến khiến sinh vật biển ăn vào cơ thể dẫn đến chết, làm suy giảm sản lượng đánh bắt. Hạt nhựa mang theo vi sinh vật gây bệnh có thể gây hại cho việc khai thác và nuôi trồng thủy sản".

Theo GS.TS Đỗ Công Thung, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện tài nguyên và môi trường biển, ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng đến hoạt động sinh kế của nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm những người dân nghèo không có công cụ lao động sản xuất, những người nuôi trồng thủy sản ở các bãi triều và những cư dân khai thác hải sản, những người làm du lịch.

Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng suy giảm ô nhiễm môi trường biển, GS.TS Đỗ Công Thung cho rằng, các chính quyền địa phương cần có tạo được sinh kế cho người dân song song với những biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường: 

"Để bảo vệ được các vùng biển khỏi sự ô nhiễm, cần sự chung tay quản lý giữa chính quyền địa phương và người dân. Chúng ta có thể phân chia một số khu vực cho người dân để họ tự quản lý và khai thác. Trong quy hoạch thì bất cứ quy hoạch thì phải tính đến sinh kế bền vững cho người dân, nếu không sẽ không mang lại hiệu quả".

Đối với những đô thị coi du lịch là ngành mũi nhọn, cần có kế hoạch phát triển du lịch lồng ghép vào kế hoạch phát triển các lĩnh vực khác, không mâu thuẫn với các ngành thủy sản, khai thác tài nguyên...

Môi trường biển bị ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến hàng triệu lao động có hoạt động gắn liền với biển, trong khi ngư dân có cuộc sống bấp bênh, không ổn định. Xây dựng chiến lược sinh kế lâu dài và bền giúp ổn định cho cuộc sống của cư dân ven biển, và cũng là cách để bảo vệ môi trường biển khỏi sự ô nhiễm.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: Tạo sinh kế cho ngư dân, cách bảo vệ môi trường biển bền vững 

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong khi ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ thì nguồn ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền chiếm tới 70%, chủ yếu từ nước xả thải từ các đô thị ven biển, các nhà máy, ngành xây dựng, y tế, du lịch…

Tình trạng ô nhiễm cộng với sự thay đổi của biến đổi khí hậu cực đoan đe dọa đến sự đa dạng của hệ sinh thái biển, suy giảm nguồn lợi hải sản…. ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu ngư dân và những lao động gắn với biển.

Việt Nam có khoảng 4 triệu người lao động trong ngành thủy sản và khoảng 20 triệu người dân ven biển hoặc trên đảo có sinh kế trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nguồn lợi của biển đem lại.

Bởi vậy, ngăn chặn và hạn chế ô nhiễm môi trường biển, đảm bảo sự đa dạng sinh học, cân bằng môi trường sống cho các loài động thực vật của biển gắn với những chiến lược sinh kế là cách phát triển sinh kế bền vững trong tương lai.

Đó cũng là mục tiêu mà Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển, các cơ quan quản lý về môi trường và chính quyền các địa phương tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm đến môi trường biển; chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa.

Ngay trong các quy hoạch phát triển đô thị, phát triển kinh tế cần có sự phân định rõ ràng các không gian: những vùng biển được pháp khai thác, khu vực đệm và khu vực cần được bảo tồn. Các quy hoạch khi xây dựng luôn đảm bảo nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ môi trường biển, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh kế của bà con ngư dân.  

Đối với vấn đề sinh kế của các cư dân ven biển, các bộ, ban ngành và doanh nghiệp cùng vào cuộc để xây dựng chiến lược sinh kế cho các cư dân sống ven biển.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương dựa vào điều kiện cụ thể của địa phương mình để xây dựng những chiến lược sinh kế riêng cho địa phương mình, tận dụng những ưu đãi của thiên nhiên, của biển mang lại để phát triển những ngành nghề phù hợp. 

Chiến lược sinh kế hướng tới đa mục tiêu như: tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro, giảm phụ thuộc vào tài nguyên, phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn…

Đối với những khu vực có nguồn lợi từ thủy hải sản suy giảm, chính quyền địa phương phối hợp với các trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp, đào tạo, hướng dẫn ngư dân những ngành mới, giảm dần những  hoạt động sinh kế truyền thống chỉ dựa vào nguồn lực tự nhiên, tài nguyên biển.

Đi kèm với những biện pháp cấm khai thác tài nguyên biển ở 16 khu vực bảo tồn biển hiện có, chính quyền các địa phương cũng cần  tạo sinh kế mới, hướng dẫn các cư dân ven biển những ngành nghề thay thế phù hợp, đảm bảo đời sống, thu nhập cho cư dân, đa dạng hóa các sinh kế mới và những sinh kế thay thế như nông nghiệp, dược liệu biển, nuôi trồng rong, tảo biển… hay lĩnh vực năng lượng tái tạo của điện gió, điện mặt trời.  

Đối với những đô thị coi du lịch là ngành mũi nhọn, cần có kế hoạch phát triển du lịch lồng ghép vào kế hoạch phát triển các lĩnh vực khác, không mâu thuẫn với các ngành thủy sản, khai thác tài nguyên… 

Chiến lược sinh kế cần cụ thể hóa mục tiêu cho từng giai đoạn, ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, mỗi giai đoạn cần có sự đánh giá hiệu quả,  phân tích những thuận lợi, khó khăn để có những điều chỉnh phù hợp.

Những kế hoạch, chương trình phát triển sinh kế cho người dân không chỉ dừng lại ở việc đào tạo, mà cần có có sự theo dõi thường xuyên, đi kèm với các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, giúp họ thấy được những lợi ích của hoạt động bảo vệ biển chính là bảo vệ sinh kế hàng ngày của họ.

Có như vậy, các ngư dân mới có thể yên tâm làm việc, và biển sẽ không còn bị tận diệt khai thác.  
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

// //