Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Từ nỗi đau mất đi người thân do TNGT đến hành động vì cộng đồng

Phóng viên - 19/02/2018 | 0:00 (GTM + 7)

VOVGT-Thiệt hại to lớn về tính mạng là không gì bù đắp được, những di chứng thương đau của TNGT cũng là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người.

Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và cả vạn tăng ni, Phật tử làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân TNGT tại chùa Trình (Yên Tử, Quảng Ninh) - Ảnh: Tạ Tôn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tại Việt Nam, cứ mỗi ngày trôi qua, TNGT lại cướp đi sinh mạng của hơn 20 người và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Thiệt hại to lớn về nhân mạng, về sức khỏe, di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của thân nhân người bị nạn và cộng đồng. Vượt qua nỗi đau và mất mát, có những người cha, người mẹ, người anh em của những nạn nhân của TNGT đã tích cực hành động góp phần tạo môi trường giao thông an toàn cho cộng đồng.

Từ nỗi đau của mình, họ đã và đang giúp cho rất nhiều người tham gia giao thông khác nhận thức được tác hại khôn lường của hậu quả do TNGT gây ra; họ biến nỗi đau thành hành động cụ thể để giảm bớt những mất mát, đau thương trong cuộc sống giao thông hàng ngày.

Trong khi hầu hết các bậc phụ huynh đội mũ bảo hiểm hàng ngày thì họ lại quên bảo vệ cho con mình, vì cho rằng đội mũ bảo hiểm gây tác hại tới đốt sống cổ ở trẻ, dù chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó. Đã tới lúc chúng ta phải thay đổi nhận thức sai lầm này. Đây là những điều mà chị Nguyễn Thị Xuân Diễm, ở quận Bình Tân, TP.HCM đã tích cực tuyên truyền tới mọi người trong chiến dịch đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Xuất phát từ nỗi đau của chính mình, chị luôn tích cực hành động nhằm kêu gọi cả xã hội hãy quan tâm, bảo vệ cho thế hệ trẻ an toàn khi tham gia giao thông.

Bé Lê Xuân Hân, 8 tuổi, là một học sinh luôn dẫn đầu lớp ở Trường tiểu học An Lạc 3, quận Bình Tân, TP.HCM. Sáng chủ nhật, ngày 20-1-2008, em được cha mẹ chở trên xe máy cùng em gái và bị một thanh niên say rượu đâm xe vào. Khi đó, bởi nghĩ rằng cả gia đình không đi đâu xa và đội mũ bảo hiểm sẽ làm hỏng kiểu tóc của hai bé nên cha mẹ bé Hân đã không đội mũ bảo hiểm cho hai con gái mình.

Tai nạn xảy đến bất ngờ. Bố mẹ Hân đều chấn thương nặng sau tai nạn nhưng không bị chấn thương đầu. Cô em gái được mẹ đỡ trong tay cũng thoát chết. Hân bị chấn thương sọ não do bị va đập mạnh. Sau khi được tách riêng để điều trị và hồi phục mất gần một tháng, người mẹ mới được báo tin đứa con gái yêu thương đã mất trong vụ tai nạn kinh hoàng. Chị Nguyễn Thị Xuân Diễm bàng hoàng, sửng sốt và tự giày vò mình trong hối hận. Đến giờ chị vẫn nghĩ, giá như...

“Hôm đó, một thanh niên đã đụng vào xe của gia đình tôi, bé Hân khi đó không đội mũ bảo hiểm nên đã ngã xuống, bị đa chấn thương, sau đó bé mất. Mình rất là sốc. Lúc đó dù Xuân Hân có nón bảo hiểm nhưng mình không đội cho con vì nghĩ rằng mình đội mũ bảo hiểm chỉ để đối phó với mấy anh công an chứ không nghĩ để bảo vệ tính mạng mình. Đến lúc mình bị rồi mình mới hiểu được”.

Chị Nguyễn Thị Xuân Diễm, mẹ bé Hân sau đó đã khóc rất nhiều, chị luôn luôn có một ý nghĩ: Nếu hôm đó đội mũ cho Hân thì hôm nay bé vẫn còn…Và rồi chị quyết định dành tình cảm yêu thương cho Hân bằng cách vận động các phụ huynh khác đội mũ bảo hiểm cho con em mình để tránh những tai nạn thương tâm như con gái bé bỏng của mình. Hình ảnh bé Lê Xuân Hân ngây thơ trong bộ đồng phục và cái chết thương tâm của bé đã được Quỹ phòng chống thương vong châu Á viết thành một câu chuyện gửi đến tất cả các trường tiểu học, phổ thông trên toàn quốc và các nước châu Á, với lời nhắn nhủ: phụ huynh hãy đội mũ bảo hiểm cho con mình. Trong một năm sau đó, gia đình bé cũng trở thành đại sứ thiện chí của quỹ, tham gia tất cả các cuộc vận động đội mũ bảo hiểm trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Xuân Diễm, mẹ bé Hân, đã khóc không biết bao nhiêu lần trong những buổi nói chuyện chia sẻ câu chuyện của gia đình mình trên truyền hình, trên sân khấu các buổi tuyên truyền, tại phòng cấp cứu các bệnh viện, tại các buổi tặng mũ bảo hiểm ở trường tiểu học.

Câu chuyện của chị luôn bắt đầu bằng nước mắt và kết thúc cũng bằng nước mắt. Trong làn nước mắt, chị nói rằng dẫu có hối hận bao nhiêu đi nữa chị cũng không thể tha thứ cho mình. Vì thế, chị phải tích cực truyền tải thông điệp: Việc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em là tối cần thiết. Các bậc cha mẹ có trách nhiệm cao cả bảo vệ thế hệ trẻ và mọi người phải bắt đầu thay đổi thói quen, suy nghĩ của mình.

“Ai cũng muốn bảo vệ cho con của mình, vậy mà khi đi ra đường lại không đội mũ bảo hiểm cho bé, chỉ đội cho mình là quá ích kỷ, chỉ bảo vệ được cho mình. Bởi khi tình huống bất ngờ xảy ra thì bản thân mình cũng không tự chủ được thì làm sao mình có khả năng bảo vệ được cho con của mình. Cách duy nhất là lúc nào cũng có nón bảo hiểm”.

9 năm đã trôi qua, nhưng chưa bao giờ hình ảnh của cô bé đáng yêu Xuân Hân phai mờ trong tâm trí người mẹ. Và cũng 9 năm qua, vượt qua nỗi đau mất con, chị Diễm luôn cố gắng tham gia các hoạt động tuyên truyền về mũ bảo hiểm cho trẻ em; bởi chị mong muốn ko còn bậc cha mẹ nào phải trải qua nỗi đau như mình nữa.

“Mình thấy rằng là cái công việc của mình ý có thể giúp được nhiều bé khác, thoát khỏi tai nạn xảy ra giống như bé Xuân Hân, để cho cái chết của Xuân Hân không phải là vô nghĩa. Khi mình khơi lại những chuyện này thì cái nỗi đau không là gì cả so với cái kết quả mà mình nhận được”.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ cảm nhận của mình về câu chuyện và những việc làm của chị Nguyễn Thị Xuân Diễm trong suốt thời gian qua:

“Tôi cho rằng với những hành động hết sức có ý nghĩa như vừa qua thì mẹ của bé Hân không chỉ là đại sứ về ATGT tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Tình thương của người mẹ đã biến thành những hành động rất cao thương và đầy trách nhiệm với cộng đồng. Chị đã chuyển hóa những đau thương, mất mát của bản thân thành những hành động có ích cho cộng đồng, qua đó giúp ngăn chặn những TNGT đáng tiếc có thể xảy ra với các trẻ em khác. Tôi tin rằng không chỉ có em bé Hân mà nhiều em bé khác cũng rất tự hào về hành động của chị. Ở góc độ là người làm công tác đảm bảo ATGT, tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn tới mẹ của bé Hân trong việc không mệt mỏi tham gia các chương trình vận động đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trong thời gian vừa qua”.

Hầu như ai trong chúng ta cũng biết, đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy thì mũ bảo hiểm có chức năng bảo vệ vùng đầu và gần như là dụng cụ bảo vệ duy nhất đối với cơ thể khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông. Trong đó, trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế trong quá trình tham gia giao thông nên càng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vẫn còn chưa cao, đó là nỗi day dứt của những người mẹ như chị Diễm.

Để sự ra đi của bé Xuân Hân thật sự trở thành thông điệp cho những người đang sống, để xóa dần đi những mất mát và đớn đau đang hiện hữu trong cuộc đời này, mẹ của bé Xuân Hân cùng những người làm công tác đảm bảo ATGT đều mong rằng, các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm giúp các em nhận thức được nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật và nâng cao ý thức tự bảo vệ mình thông qua việc đội mũ bảo hiểm nhằm tránh những thương tích nghiêm trọng do tai nạn giao thông gây ra

Có một người đàn ông mà trong suốt 13 năm qua đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm dẫn các em học sinh qua đường. Mỗi ngày, bất kì ai đi trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào giờ cao điểm cũng dễ dàng nhìn thấy người đàn ông đứng ngay ngã tư, tay cầm gậy, miệng thổi còi xin đường, dẫn từng tốp các cháu học sinh tiểu học qua đường. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau người đàn ông ấy là một câu chuyện buồn về người con trai duy nhất đã ra đi vì TNGT…

Cứ trước giờ vào lớp, sau giờ tan học, người dân khu vực và người tham gia giao thông trên QL1 qua cổng trường Tiểu học Quỳnh Văn B lại bắt gặp ông Hồ Văn Điều trong bộ quân phục cũ, tay cầm gậy, miệng thổi còi ngăn dòng phương tiện qua lại, rồi dắt học sinh qua đường an toàn. Suốt 13 năm qua, không kể mưa gió, nắng nóng, ông Điều vẫn lặng lẽ ngày 4 lần đưa học sinh trường Tiểu học Quỳnh Văn B qua “ngã tư tử thần” trên quốc lộ 1A được đến trường an toàn.

Sau khi quan sát cổng trường đã vắng bóng học sinh, ông Điều mới có dịp kể về cơ duyên khiến ông gắn bó với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng này”. Rời quân ngũ, ông làm công nhân cho mỏ than Quảng Ninh một thời gian, sau đó về quê chăm lo cho gia đình. Khi về quê mưu sinh, ông nhiều lần tận mắt chứng kiến các em học sinh băng qua đường đến trường thiếu quan sát, dẫn đến tai nạn thương tâm. Thế là từ năm 2004, ông quyết định ra ngã tư Quỳnh Văn đứng chờ đưa các em học sinh qua đường.

Ông kể rằng, lúc đầu, ông làm việc này phải giấu kín vợ con, vì cảnh nhà khó khăn, các con đang tuổi ăn học, mà ông lại cứ ngày 4 lần ra ngoài đường đứng trực. Được vài ngày, vợ con ông biết đã ngăn cản quyết liệt, vì ai cũng bảo ông “ôm rơm rặm bụng”. Nhưng nhìn các cháu học sinh vô tội bị TNGT, lòng ông không yên được.

“Thời điểm đó, khi tôi chưa đứng ra làm thì tuyến đường này liên tục lại xảy ra tai nạn, không chỉ các cháu mà nhiều người già cũng gặp tai nạn. Lúc đó cũng chưa làm làn đường riêng nên giao thông rất phức tạp. Tôi đi lại nhiều thì thấy mọi người đi lại hỗn loạn trong khi lưu lượng xe ngày càng nhiều, các cháu cũng chưa quen với các biển báo hiệu đường bộ. Tôi thấy vậy nên đã quyết tâm ngày một lần ra đó một lần. Lúc đầu nhiều người chưa biết họ còn chửi là ông điên hay sao mà ông ra đây đứng, nhưng tôi vẫn trăn trở phải tìm cách để ra đó dẫn đường cho các cháu, đảm bảo tính mạng cho các cháu”.

Sau nhiều năm kiên trì, gắn bó với công việc này, ông Điều kể rằng, các cháu học sinh tiểu học rất hiếu động, chỉ lơ là một chút, các cháu sẽ vượt qua đường rất nguy hiểm. Vì thế, mỗi khi dẫn các cháu qua đường, ông đều thổi còi, phất cờ ra hiệu lệnh để đảm bảo an toàn. Trong khi chờ hết xe, ông luôn kể cho các cháu nghe những câu chuyện về Luật giao thông đường bộ và hậu quả của tai nạn giao thông nên các cháu rất nghe lời ông.

Thấy việc làm của ông Điều mang lại những hiệu quả thiết thực, năm 2009, UBND xã Quỳnh Văn đã cấp dùi cui và còi để ông thuận tiện đưa các em học sinh qua đường an toàn.

Tuy nhiên, công việc tình nguyện dẫn các cháu học sinh sang đường không phải là một công việc đơn giản, bởi sự nguy hiểm lúc nào cũng thường trực khi ông đứng trên đường giao thông. Hơn nữa, ông phải có mặt đúng giờ các cháu học sinh đi học và tan học mỗi ngày, trong khi kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập chính nhờ vào mấy sào ruộng và vườn rau, ông vẫn phải chung vai gánh vác kinh tế gia đình. Ban đầu tham gia công việc này ông được chính quyền hỗ trợ 2 tạ thóc/năm, bây giờ thì được 1 triệu đồng/tháng. Với ông, tiền công bao nhiêu cũng được, quan trọng là ông thấy vui khi mình làm được một việc có ích.

Làm công việc đảm bảo ATGT, giúp mọi người tránh khỏi va chạm và TNGT, nhưng ông Điều lại phải gánh chịu nỗi đau mất đi cậu con trai vì TNGT. Con trai ông là Hồ Văn Nhiệu (SN 1985) đã không may bị chiếc xe tải đâm trực diện. Cú va chạm mạnh khiến anh Nhiệu ngã xuống đường, nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não. Sau 2 tháng được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng, nên anh Nhiệu đã tử vong. Từ ngày con trai mất, ông Điều lại càng thấm hơn nỗi đau khi mất đi người thân vì TNGT. Vì thế, ông luôn đau đáu phải làm sao để các cháu qua đường tới trường an toàn.

"Thời gian con trai tôi gặp nạn, các phụ huynh cùng chính quyền địa phương đã đến chia sẻ, động viên gia đình. Giờ đây, con trai không còn nữa, tôi chỉ mong không ai phải chịu cảnh mất đi người thân vì tai nạn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đưa các cháu tới trường. Nhìn các cháu hồn nhiên, cười vui tôi cũng thấy hạnh phúc”

Chia sẻ về những việc làm của ông Hồ Văn Điều trong hơn chục năm qua, ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết, những hành động, những nghĩa cử cao đẹp của ông Điều không bao giờ phai mờ trong tâm trí người dân Nghệ An. Theo ông Đức, đây không chỉ là hành động đẹp mà còn cần được nhân rộng. Bởi phải có những người như ông Điều thì tình hình TTATGT không những ở cổng trưởng mà ở những nơi khác cũng được đảm bảo.

"Từ hành động đầy ý nghĩa của ông Hồ Văn Điều, chúng tôi đã đổi mới hoạt động tuyên truyền về ATGT trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu là nâng cao ý thức của người dân bằng những hành động cụ thể, để người dân có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ chung của cộng đồng. Đó là nâng cao đảm bảo ATGT và người dân cần chung tay, chung sức, chung lòng để thực hiện được mục tiêu này".

Công việc này mà ông Điều đã làm đều đặn trong 13 năm qua, giúp cho các cháu học sinh qua đường được an toàn, được phụ huynh khâm phục, học sinh tin tưởng và bà con làng xã kính trọng ông. Ai cũng cầu mong ông có nhiều sức khỏe để giúp đỡ cộng đồng. Ở thời điểm này ông Điều và vợ ông, bà Hoàng Thị Thía cũng chỉ chia sẻ rằng, con chúng tôi đã mất vì TNGT nên giờ đây chỉ mong ông Điều có đủ sức khỏe để tiếp tục đưa các cháu tới trường an toàn. Hy vọng không có gia đình nào phải gánh chịu hậu quả vì TNGT như gia đình chúng tôi.

Từ nỗi đau mất đi người thân do tai nạn giao thông, anh Nguyễn Quyết Thắng đã sáng tạo ra phần mềm “Ứng dụng học luật giao thông trên bản đồ Google Maps”. Dù được phát triển và hoàn thành trong thời gian ngắn, nhưng với phương pháp học tập sinh động, cùng những hình ảnh trực quan, dễ hiểu, ứng dụng này đã đoạt giải nhất cuộc thi “Thanh niên với văn hóa giao thông” năm 2016. 

“Anh trai tôi mất vì TNGT khi mới 16 tuổi. Lúc đó, tôi mới là cậu bé đang học tiểu học…” - anh Nguyễn Quyết Thắng, cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đác Tô (tỉnh Kon Tum) nhớ lại. Trong ký ức của cậu bé Thắng ngày ấy, vụ tai nạn xe máy kinh hoàng đó đã trở thành một vết thương chưa bao giờ lành. Anh chỉ nhớ rằng, quy định về việc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển, người ngồi trên mô-tô ở thời điểm ấy vẫn chưa được áp dụng…

Câu chuyện buồn đó theo anh mãi tới tận bây giờ. Tháng 8-2016, nhận được giấy mời của Cuộc thi “Thanh niên với văn hóa giao thông” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, anh Thắng đã quyết định ghi tên tham gia. Với niềm đam mê công nghệ thông tin, anh nhanh chóng lên ý tưởng về một phần mềm máy tính - công cụ giảng dạy thông minh về luật lệ giao thông.

Anh Nguyễn Quyết Thắng (người ở giữa) đã sáng tạo ra phần mềm “Ứng dụng học luật giao thông trên bản đồ Google Maps” - Báo Nhân dân

Hướng tới mục tiêu trang bị những kiến thức, thói quen chấp hành luật lệ giao thông cho học sinh, sinh viên từ khi ngồi trên ghế nhà trường một cách sinh động và cuốn hút, anh Thắng bắt tay vào chế tạo phần mềm “Ứng dụng học luật giao thông trên bản đồ Google Maps”. Tiếp cận với ứng dụng, thí sinh sẽ được lựa chọn nhiều “địa điểm” để bắt đầu “khóa học”. Các địa điểm này đều được chia thành những khu vực như: Câu hỏi, Mẹo bài thi, Thi thử, Xếp hạng… được trình bày bằng các biểu tượng trực quan, dễ hiểu.

Tại phần hỏi, bên cạnh hệ thống 450 câu hỏi theo chuẩn quốc gia, còn có nhiều tình huống giao thông được tác giả sưu tầm, tổng hợp. Tuy nhiên, giáo viên vẫn có thể chủ động tạo thêm câu hỏi, đáp án tương ứng bằng bộ công cụ có sẵn trong phần mềm. Phần Mẹo bài thi không chỉ cung cấp kinh nghiệm làm bài nhanh, chính xác, mà còn có phần tra cứu lỗi vi phạm giao thông, khung hình phạt và mục “Chia sẻ bức xúc giao thông”.

Trong khi đó, đến với phần nội dung Thi thử, thí sinh sẽ giải các bộ đề sắp xếp ngẫu nhiên theo hình thức trắc nghiệm. Khi hoàn thành, phần mềm sẽ tự động chấm điểm, xếp hạng và thông báo kết quả. Mọi thông tin như: tên thí sinh, tên bài thi, ngày thi, thời gian làm bài… đều được lưu tự động, chính xác. Thú vị ở chỗ, mọi địa điểm và tình huống giao thông trong phần mềm đều có thật. Để có cơ sở dữ liệu phong phú, sinh động này, tác giả Nguyễn Quyết Thắng đã đi thực tế, chụp lại hình ảnh của nhiều con đường, góc phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên kênh VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện thú vị với tác giả Nguyễn Quyết Thắng:

PV: Xin chào Thắng, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân mình?

Anh Nguyễn Quyết Thắng: Trước tiên cho mình xin chào và gửi lời chúc năm mới tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình. Mình là Nguyễn Quyết Thắng, sinh năm 1990, hiện đang công tác tại Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum.

PV: Làm công tác tài chính - kế hoạch, vậy điều gì đã thôi thúc và truyền cảm hứng cho bạn tham gia cuộc thi Thanh niên với Văn hóa giao thông?

Anh Nguyễn Quyết Thắng: Thực ra chuyên ngành của mình đang công tác là tài chính - kế toán, nhưng mình có niềm yêu thích đối với công nghệ thông tin, đặc biệt là lập trình web. Mặt khác, cách đây vài năm, trong gia đình mình có người anh đã mất vì TNGT nên mình mong muốn đóng góp một phần kiến thức nhỏ bé của mình để làm ra một sản phẩm đóng góp vào việc đảm bảo ATGT ở tỉnh nhà - đó cũng là những động lực để mình tham gia.

PV: Vậy thì từ đâu mà bạn có ý tưởng viết Ứng dụng học Luật Giao thông tại các trường học trên bản đồ trực tuyến google map?

Anh Nguyễn Quyết Thắng: Mọi người ít nhiều ai cũng biết tới ứng dụng foody.vn là ứng dụng mà gắn các địa điểm vui chơi, ăn uống, khách sạn. Vậy thì tại sao thay vì gắn các địa điểm ăn uống, vui chơi đó, ta không gắn những biển báo và những tình huống giao thông lên các địa điểm của các con đường ở Thành phố của mình. Ý tưởng của mình đã bắt đầu từ đó.

PV: Vậy trong quá trình thực hiện dự này, bạn có gặp khó khăn gì?

Anh Nguyễn Quyết Thắng: Tất nhiên mình có gặp nhiều khó khăn do thời gian eo hẹp quá nên sản phẩm của mình mới dừng ở mô hình thôi, vẫn sử dụng được nhưng chưa thật sự hoàn thiện. Thời gian tới, các địa bàn huyện thị khác mình sẽ bổ sung thêm các loại biển báo cho hoàn thiện.

PV: Qua những chia sẻ vừa rồi có thể thấy được những nỗ lực và tâm huyết của bạn đối với ứng dụng này, bạn có thể chia thêm về quan điểm sống của mình?

Anh Nguyễn Quyết Thắng: Tuổi trẻ của chúng ta cứ quyết tâm đi, cứ tìm hiểu và cố gắng biến các ước mơ của mình thành hiện thực. Suy cho cùng thì mọi việc làm đều để mưu cầu hạnh phúc nên hãy làm những gì khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Đôi lúc trong hành trình đó chúng ta thấy nản lòng hoặc cố gắng rồi mà thấy vận may chưa mỉm cười thì khi đó chúng ta cần chia sẻ, giúp đỡ người khác thì bản thân sẽ thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn.

PV: Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc bạn năm mới sức khỏe, may mắn và thành công.

Anh Nguyễn Quyết Thắng: Mình cũng xin gửi lời chúc tới tất cả mọi người, một năm mới sức khỏe - an khang - thịnh vượng; chúc cho các bạn trẻ luôn có ý nhiều ý tưởng hay, thú vị đóng góp cho xã hội; chúc cho mọi người, mọi gia đình đều an toàn khi tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, hệ thống giao thông đường bộ của đất nước đã có nhiều bước tiến lớn, nhưng việc tự giác tuân thủ, chấp hành luật giao thông của người dân vẫn ở mức khiêm tốn. Trong đó, học sinh, sinh viên chiếm phần không nhỏ. Vì thế, phần mềm “Ứng dụng học luật giao thông trên bản đồ Google Maps” của anh Nguyễn Quyết Thắng chính là một trong những cách làm hay, sáng tạo, giúp học sinh, sinh viên nói riêng và người dân nói chung thay đổi thái độ, nâng cao nhận thức, văn hóa giao thông một cách trực quan, lý thú.

Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum chia sẻ rằng, ông rất cảm kích và tự hào về câu chuyện của anh Nguyễn Quyết Thắng. Anh Thắng từ hoàn cảnh gia đình mất người thân vì TNGT, cộng với sự nhiệt huyết và tài năng đã sáng tạo nên một phần mềm rất có ý nghĩa trong việc trang bị kỹ năng, kiến thức, thông tin cho người tham gia giao thông nói chung và cho các em học sinh nói riêng. Từ đó góp phần hạn chế TNGT có thể xảy ra.

"Qua câu chuyện về anh Nguyễn Quyết Thắng, chúng tôi đã thấy một tiềm năng rất lớn từ các bạn trẻ trong công tác nâng cao văn hóa, đảm bảo ATGT. Tôi sẽ tham mưu với các cấp lãnh đạo và cùng bàn với bạn Thắng để thời gian tới tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng ứng dụng này; trước mắt trong địa bàn tỉnh nhà, nếu được có thể nhân rộng ở các địa phương khác".

Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Xuân Diễm, người mẹ mất đi cô con gái đến những hành động kêu gọi đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; câu chuyện của ông Hồ Văn Điều vượt qua nỗi đau mất đi người con trai duy nhất vì TNGT để kiên trì bám đường đưa các cháu học sinh qua đường an toàn; và chuyện về chàng trai trẻ Nguyễn Quyết Thắng với nỗi đau chưa nguôi vì người thân ra đi sau một tai nạn giao thông đã quyết tâm sáng tạo ra một phần mềm trang bị những kiến thức, thói quen chấp hành luật lệ giao thông cho học sinh, sinh viên.

Đó đều là những câu chuyện đời thực, xúc động trong số rất nhiều những con người thầm lặng như họ mà chúng ta chưa được biết tới. Từ những câu chuyện về họ, chúng ta hiểu rằng, thay vì hối hận muộn màng, mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật và có ứng xử văn hóa, để ngày càng giảm đi những đau thương mất mát vì tai nạn giao thông.Và không dừng lại ở đó, mỗi người chúng ta cũng góp phần nhỏ bé của mình bằng ý tưởng, bằng hành động, để cùng xây dựng một môi trường giao thông an toàn hơn cho cả cộng đồng.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ:

"Tất nhiên những người trong xã hội không cần phải trải qua những đau thương, mất mát do TNGT thì lúc đó mới bắt tay vào hành động. Mà ngay từ bây giờ chúng ta hãy bắt tay vào những việc làm cụ thể, dù là nhỏ nhất để góp phần nâng cao ATGT. Đó cũng là cách mà nhiều quốc gia đã trải qua trước khi họ đạt được một xã hội an toàn và thịnh vượng. Bởi vậy mỗi người trong chúng ta hãy bắt tay vào làm những việc thiết thực, thì chúng tôi tin rằng ATGT ngày càng được cải thiện".

Những câu chuyện được kể trong chương trình hôm nay được chia sẻ từ những người có nỗi đau khôn cùng do người thân mất đi vì TNGT như một lời nhắn gửi tới mỗi người chúng ta: hãy gìn giữ sự bình yên, gìn giữ cuộc sống đáng quý này khi còn có thể! Và nỗi đau, sự mất mát là điều rất đáng tiếc, nhưng vượt lên nó để tích cực sống, tích cực cùng mọi người ngăn cản những nỗi đau, những mất mát tương tự, mới là điều quan trọng và nên hướng tới.

Tags:
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

// //