Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Vaccine trước nguy cơ “ế”, làn sóng COVID-19 rình rập trở lại

Chu Đức - Tuấn Linh - 11/07/2022 | 5:45 (GTM + 7)

Theo Bộ Y tế, nhiều địa phương trên cả nước đang lâm vào tình trạng “lười” tiêm vaccine liều nhắc lại (mũi 3, mũi 4), các lô vaccine đã nhập về có nguy cơ hết hạn nhưng vẫn không được sử dụng. Trong khi đó, dịch bệnh đang âm thầm quay trở lại.

Biến thể mới BA4 và BA5 của biến chủng Omicron, với đặc tính lây lan nhanh hơn, đã xâm nhập vào Việt Nam. Ngành y tế, mỗi người dân cần làm gì để hạn chế tối đa ảnh hưởng của đợt dịch mới?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 7/7/2022, với người trên 18 tuổi tại Việt Nam, mới có gần 69% tiêm vaccine COIVID-19 mũi 3, và 34% tiêm mũi 4. Đáng chú ý, trong các tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm nhắc lại thấp có cả các đô thị lớn như Hải Phòng và Hà Nội. Một số địa phương trước đó cũng từng có đề xuất điều chuyển vaccine sang các tỉnh khác do không có nhu cầu tiêm.

Nhận định hiệu lực bảo vệ vaccine của các mũi cơ bản sẽ giảm dần theo thời gian, cùng với diễn biến dịch phức tạp, biến thể BA.5 của biến chủng Omicron đã xâm nhập nước ta; ngành y tế phải liên tiếp thúc giục các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiêm đủ mũi, đúng lịch đã duy trì thành quả miễn dịch cộng đồng.

Nhiều địa phương trên cả nước đang lâm vào tình trạng “lười” tiêm vaccine liều nhắc lại. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Nhiều địa phương trên cả nước đang lâm vào tình trạng “lười” tiêm vaccine liều nhắc lại. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Có mặt trong lễ phát động tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tháng 7/2022, chị Nguyễn Thanh Huyền, công tác tại Nhà máy in tiền quốc gia, cho rằng, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, do dự, né tránh tiêm vaccine ở một số người dân, tổ chức, đơn vị.

“Tôi nghĩ thời điểm nào mọi người cũng nên tiêm. Thứ nhất là bảo vệ cho mình tốt nhất, thứ hai là cộng đồng xã hội cũng sẽ phòng chống tốt dịch bệnh. Một là cá nhân, hai là những người xung quanh mình”, chị Huyền nói.

Sau khi hoàn thành tiêm vaccine mũi 3, chị Tô Vân Anh nhận định, việc phát động công đoàn viên cả nước tiêm nhắc lại cũng giúp vực lại tinh thần của người dân trong bối cảnh cuộc chiến với dịch bệnh có khả năng sẽ tiếp tục phức tạp. Đặc biệt, khi ghi nhận thực tế ở các tiệm thuốc hiện lượng mua kit test nhanh đang tăng đột biến. 

Theo chị Vân Anh thì: “Thời gian vừa qua, dịch bệnh có chiều hướng lắng xuống, mọi người có phần chủ quan hơn về mũi nhắc lại.

Bây giờ biến thể mới có vẻ đang khống chế lại hiệu lực của các mũi tiêm trước. Mình vẫn nên tiêm bổ sung để bảo vệ bản thân và cộng đồng”.

Cần tránh lãng phí vắc xin hiện có trong khi còn nhiều người dân chưa được tiêm hoặc do tâm lý chủ quan với dịch bệnh. Ảnh: Thanh niên

Cần tránh lãng phí vắc xin hiện có trong khi còn nhiều người dân chưa được tiêm hoặc do tâm lý chủ quan với dịch bệnh. Ảnh: Thanh niên

Trao đổi với VOV Giao thông, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích về 2 loại biến thể mới: “BA4, BA5 thì lây truyền nhanh hơn nhưng mức độ bệnh nhẹ hơn. Thực tế thì một số ca mới phát hiện ở TP.HCM và Hà Nội thì tình trạng bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Qua 1, 2 tuần phát hiện chủng này thì số lượng ca nhiễm không tăng và có xu hướng giảm. Mặc dù thế giới cảnh báo nhưng tại Việt Nam thì không phải đáng lo ngại lắm”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, tỷ lệ tiêm vắc xin các mũi đầu ở mức cao tại Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế mức độ lây nhiễm, mức độ trở nặng của 2 biến thể mới này.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch, người dân cần chủ động hơn trong việc tiêm mũi bổ sung, đặc biệt là những nhóm đối tượng ưu tiên. Đặc biệt, cần tránh lãng phí vắc xin hiện có trong khi còn nhiều người dân chưa được tiêm hoặc do tâm lý chủ quan với dịch bệnh.

“Việc tiêm vaccine vẫn có tác dụng. Đa số chúng ta đã được tiêm 2-3 mũi rồi. Nếu tiêm bổ sung thì cần cân nhắc suy giảm miễn dịch, người già, sức đề kháng kém, dễ mắc hoặc mắc thì dễ nặng. Chúng ta cũng tăng cường các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, người vừa tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19, thông tin thêm, Bộ Y tế đang làm dự thảo về thông điệp mới V2K trong phòng chống dịch bệnh, trong đó lá chắn tốt nhất cho sức khỏe người dân vẫn là vaccine.

Theo bà Hương, nếu các cá nhân, đơn vị vẫn còn tâm lý lơ là, không loại trừ khả năng dịch bùng phát trở lại. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, công đoàn viên, lực lượng lao động chính trong xã hội, cần được ưu tiên bao phủ sớm các mũi vaccine nhắc lại.

“Các đoàn viên công đoàn là những người tham gia trực tiếp các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Nếu họ được tiêm đúng lịch, đủ liều sẽ đảm bảo sức khỏe, để cùng các doanh nghiệp phát triển, phục hồi kinh tế, ổn định quá trình sản xuất, kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.

Công đoàn viên, lực lượng lao động chính trong xã hội, cần được ưu tiên bao phủ sớm các mũi vaccine nhắc lại. Ảnh: Chính phủ

Công đoàn viên, lực lượng lao động chính trong xã hội, cần được ưu tiên bao phủ sớm các mũi vaccine nhắc lại. Ảnh: Chính phủ

Về vấn đề này, cùng đến với góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận:“Vaccine, nhân lực ngành y và chuyện no dồn đói góp”.

Vaccine đã về sẵn trong kho nhưng có nguy cơ bị ế, chưa được sử dụng đã hết hạn. Thực trạng này có lẽ cần được nhìn nhận kỹ càng hơn, thay vì chỉ nhằm vào nguyên nhân ý thức, tâm lý né tránh của người dân.

Vấn đề dự báo nhu cầu vaccine của các địa phương, mà trách nhiệm của người đứng đầu Sở y tế các tỉnh, thành cần được xem xét khi kế hoạch phân bổ và tiêm chủng bị “phá sản”, dẫn đến Bộ Y tế phải liên tục hô hào, ra văn bản thúc giục tiêm vét, tránh lãng phí.

Thực tế, nếu làm quyết liệt, kiên định và kỹ càng như các mũi tiêm cơ bản đầu tiên, cán bộ, nhân viên y tế cơ sở “rà từng ngõ, gõ từng nhà”, thành lập các đoàn thể từ cấp thôn, xóm đi vận động người dân tiêm, thì các mũi tiêm nhắc lại, mũi bổ sung vẫn có thể “về đích” theo yêu cầu đặt ra.

Ngoài sự thiếu sâu sát của người có trách nhiệm, hệ thống y tế cũng cần đặc biệt quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của nhân viên y tế. Gần 9.400 nhân viên y tế nghỉ việc trong 18 tháng qua, thống kê này của Bộ Y tế đã chỉ rõ, đang có một cuộc “chảy máu” nhân lực y tế công.

Lương thấp, áp lực cao, công việc nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng bản thân, không có thời gian chăm lo cho gia đình, sau dịch chờ mãi vẫn chưa nhận được đãi ngộ, khen thường… Có vô vàn lý do có thể khẳng định ngay, mà không cần chờ Bộ Y tế phải rà soát các đơn xin nghỉ, thôi việc để nắm được nguyên nhân của tình trạng này.

Lãnh đạo bị khởi tố, vướng vòng lao lý, nhân viên tháo chạy khỏi trạm y tế, bệnh viện - ngành y đang thực sự bước vào cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử. Và đương nhiên, khi cán bộ y tế dao động, chỉ tiêu tiêm vaccine cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Câu chuyện “no dồn đói góp” không chỉ là thực tế với vaccine, mà còn với cả nhân lực, trang thiết bị y tế ngành y.

Chưa khi nào, máy đặt, máy mượn có sẵn mà lại khó thanh toán BHYT cho người bệnh như hiện nay. Chưa khi nào, thuốc, vật tư tiêu hao lại khan hiếm để cấp cứu, điều trị người bệnh như bây giờ. Chưa khi nào làm đúng theo quy định lại “khó” như lúc này.

Giữa tâm dịch, ngành y được tổng động viên, hàng chục nghìn sinh viên thực tập cho đến các bác sĩ về hưu đã có mặt ở mọi điểm nóng tiếp sức cho các tỉnh, thành cả nước. Nhưng khi dịch qua đi, “thế trận” blouse trắng đang rạn nứt, từ trung ương tới CDC các địa phương.

Dịch bệnh sẽ chưa thể kết thúc sớm, thậm chí còn đang rình rập bùng phát trở lại, các mặt bệnh theo mùa khác vẫn “đến hẹn lại lên”, nhiều bệnh không lây nhiễm gia tăng đè thêm gánh nặng lên vai y tế cơ sở.

Trong bối cảnh đó, cần chuyển nội dung câu hỏi “Vì sao tiêm vaccine chậm trễ?” sang vấn đề thời sự hơn, cấp thiết hơn “Ai chăm lo chế độ, phúc lợi, ai có trách nhiệm giữ chân đội ngũ nhân viên y tế, những người trực tiếp triển khai chiến dịch tiêm chủng?”.

Những nỗ lực mua sắm, ngoại giao vaccine đã mang lại kết quả rất tích cực, giúp cả nước vượt qua được nỗi lo chưa tự chủ, sản xuất được vaccine.

Nhưng từ chủ trương bao phủ vaccine toàn dân, bao phủ các mũi nhắc lại, bổ sung, bảo vệ thành quả miễn dịch cộng đồng đến khâu tổ chức thực hiện, tiêm tại cơ sở luôn là một quãng đường rất dài.

Mà ở đó, công tác vận động người dân đã khó, công tác vỗ về, giữ chân nhân viên y tế, giúp họ yên tâm, hết mình với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng đang gặp thách thức lớn chưa từng thấy.

Nhân viên y tế đã quá no nê những tung hô, ngợi ca diệu vợi, nhưng lại đang thiếu những thứ thực tế, đời thường, như được trả lương thưởng xứng đáng với công việc của mình./.

Ý kiến của bạn
Người dân TP.HCM háo hức đón tàu điện ngầm đầu tiên

Người dân TP.HCM háo hức đón tàu điện ngầm đầu tiên

Hàng trăm người dân TP.HCM đã có cơ hội trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trước ngày tuyến này đi vào vận hành chính thức. Phóng viên VOV Giao thông đã có mặt tại ga Bến Thành để cùng trải nghiệm và lắng nghe những chia sẻ đầy hứng khởi của người dân thành phố.

Dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, rào cản nào đối với giáo viên?

Dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, rào cản nào đối với giáo viên?

Sau khi VOVGT phát sóng và đăng tải bài viết về việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, đã thu hút sự chú ý và đóng góp ý kiến của dư luận, trong đó có nhiều chuyên gia, giáo viên.

Tăng cường đảm bảo ATGT cầu Phú Mỹ

Tăng cường đảm bảo ATGT cầu Phú Mỹ

Theo Phòng CSGT Công an TP.HCM, chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 12, lực lượng CSGT đã ghi nhận tình trạng nhiều xe tải trọng lớn chết máy trên cầu Phú Mỹ, gây ùn tắc giao thông; xe chạy quá tốc độ, chạy sai làn đường, dẫn đến tai nạn.

Xa lắc Xa La

Xa lắc Xa La

Hà Nội giờ cao điểm tắc đường đến mức, từ vỉa hè, đôi khi bộ hành ái ngại thay cho những người ngồi trên xe đang nổ máy dưới lòng đường, vì bị bỏ lại xa lắc phía sau, như ở… Xa La.

Thẻ hành nghề xe ôm, cấp rồi làm gì?

Thẻ hành nghề xe ôm, cấp rồi làm gì?

Dự thảo người chạy xe ôm chở khách, chở hàng hóa phải có thẻ hành nghề mà Hà Nội lấy ý kiến đã gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua.

Long An: Giải pháp nào cho ùn tắc trước khi có đường vành đai?

Long An: Giải pháp nào cho ùn tắc trước khi có đường vành đai?

Tỉnh Long An là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Địa phương này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giao thông do sự phát triển nhanh chóng của các khu vực lân cận, đặc biệt là TP.HCM.

Đề xuất thu phí xử lý nước thải và thoát nước

Đề xuất thu phí xử lý nước thải và thoát nước

Tỷ lệ thu gom nước thải của phạm vi phục vụ hệ thống thoát nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 64%, bình quân lượng nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ đạt 16% trên tổng lượng nước thải cần được thu gom xử lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường.

// //