Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Ùn tắc ở nút giao Thanh Xuân (Hà Nội), có phải đã "hết bài"?

Minh Hiếu - 08/08/2022 | 6:30 (GTM + 7)

Như VOV Giao thông đã đề cập, dù ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến là nút giao hiện đại bậc nhất thủ đô với 4 tầng lưu thông (mặt đất, hầm chui, đường trên cao, đường sắt đô thị, chưa kể hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ) nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra.

Có thể thấy gì từ tình trạng ùn tắc tại nút này, từ quy hoạch, thiết kế hạ tầng đến tổ chức giao thông? Câu chuyện của nút Thanh Xuân để lại những bài học nào cho phát triển giao thông đô thị? 

Không chỉ nút giao Thanh Xuân mà một số nút giao khác với đường vành đai 3 trên cao đã bất cập ngay từ khâu thiết kế.

Không chỉ nút giao Thanh Xuân mà một số nút giao khác với đường vành đai 3 trên cao đã bất cập ngay từ khâu thiết kế.

Bài viết “Nút giao Thanh Xuân: 4 tầng, tắc 3 sau khi được phát sóng trên VOV Giao thông đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thính giả, với hơn 1,3 triệu lượt tiếp cận chỉ tính riêng nền tảng mạng xã hội, trong đó có gần 10.800 lượt thích, bình luận và chia sẻ. Sự quan tâm đặc biệt của người dân là điều dễ hiểu, bởi tình trạng ùn tắc diễn ra hằng ngày tại nút giao trọng điểm này.

Theo khảo sát trong 1 tuần (từ 29/7 đến 4/8), ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển và hệ thống đường dẫn lên xuống vành đai 3 trên cao ùn tắc 14/21 khung GCĐ; chỉ tính riêng GCĐ các ngày làm việc trong tuần, gần như sáng và chiều nào cũng khó khăn, ùn tắc (9/10 khung giờ).

Chia sẻ với VOV Giao thông, một số thính giả nêu ý kiến:

"Từ cầu trên cao đi xuống, điểm quay đầu quá sát với điểm rẽ trái, nhiều khi người ta rẽ trái, người ta có đỗ tránh để cho mình quay đầu đâu. Cái quỹ đất ở phía trong giải phân cách cứng, nếu mở được điểm quay đầu thì hay quá. Hầm chui có rồi thì đi ở phía trên thường là rẽ trái, phải ưu tiên đường rẽ trái đấy, cho pha đèn xanh dài hơn".

"Lượng người rẽ trái ở cả 4 hướng đều nhiều, mình chỉ cần chặn đường lại để hướng rẽ trái giảm đi, đi thẳng xong quay đầu thôi. Nút quay đầu mình bố trí xa xa khỏi ngã tư một chút, chứ gần quá lại ảnh hưởng đến lượng người đi ở ngã tư".

ThS. Vũ Anh Tuấn, Trường đại học GTVT đánh giá, ùn tắc là điều khó tránh bởi nút giao Thanh Xuân kết nối 2 đường trục chính xuyên đô thị: trục hướng tâm và đường vành đai. Đặc biệt, quá trình đầu tư trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn bổ sung năng lực cho nút giao mà thiếu đi quy hoạch tổng thể.

Theo ThS. Vũ Anh Tuấn, tuy có nhiều tầng nhưng hầm chui và đường trên cao chỉ giải quyết nhu cầu của các phương tiện đi xuyên qua nút giao, chứ không cho phép trao đổi lưu lượng giữa các hướng chuyển động, dù nhu cầu chuyển hướng là rất lớn:

"Ùn tắc hiện nay chủ yếu xảy ra ở mặt đất, nơi tồn tại quá nhiều xung đột giao thông. Ngay từ đầu mà chúng ta quy hoạch nút giao này, có một vài nhánh cơ bản dành cho liên thông thì sẽ hoạt động tốt hơn rất nhiều. Tôi lấy ví dụ, chúng ta có thể bổ sung một nhánh cầu vượt rẽ trái từ trung tâm hoặc Hà Đông để tiếp cận cầu vượt, rồi từ cầu vượt tiếp cận trục Nguyễn Trãi bằng một nhánh cầu vượt. Khi quy hoạch, chúng ta không dành không gian, số lượng làn đường, chiều dài khoảng đệm một cách phù hợp".

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giao thông, PGS. TS. Doãn Minh Tâm cũng cho rằng, không chỉ nút giao Thanh Xuân mà một số nút giao khác với đường vành đai 3 trên cao đã bất cập ngay từ khâu thiết kế.

Cụ thể, đường trên cao, dù chỉ đảm bảo giao thông cho vành đai 3 chứ không phục vụ cho nút giao phía dưới, nhưng lại đẩy thêm áp lực xuống mặt đất với hệ thống đường dẫn lên xuống nhiều và gần nhau:

"Những tuyến đường hành lang vận tải xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc rất hạn chế tiếp cận với 2 bên. Cái này nằm ở khâu thiết kế, chúng ta chưa chỉ rõ được cự ly, tần suất của những nút tách nhập như thế nào?

Và thứ hai, sau khi tách xuống, làn tiếp theo như thế nào? Khi xuống một cái “ập” ngay vào nút đèn đỏ, dẫn đến ùn tắc tất cả. Hậu kết nối phải đảm bảo chiều dài và đoạn thông thoáng khi tiếp cận thì mới thoát được dòng xe. Các nhà quản lý phải nâng cấp tiêu chuẩn thiết kế lên, cập nhật khoa học công nghệ thế giới, đặc biệt Tiêu chuẩn Ót-xtô của Mỹ".

Dưới một góc nhìn khác, TS. Đặng Minh Tân, Trường đại học GTVT phân tích, việc đóng hệ thống đường dẫn lên xuống đường trên cao có thể giảm ùn tắc ở nút giao này, nhưng lại đẩy áp lực sang nút giao khác.

Chưa kể, kinh phí để cải tạo hạ tầng giao thông là rất lớn và có thể gây ra nhiều tác động xã hội. Trong khi đó, dùng kinh phí này để đầu tư vào những giải pháp khác, như giao thông thông minh, thì có thể mang lại hiệu quả cao hơn.

TS. Đặng Minh Tân lấy ví dụ về việc xây dựng đơn vị quản lý, điều hành giao thông, chyên thu thập - xử lý - truyền phát kịp thời đến tài xế thông tin về sự cố, va chạm qua hệ thống radio hoặc bảng điện tử. Dựa vào lưu lượng thực tế để điều tiết phương tiện nên đi tại làn nào, nên ra tại nút giao nào, tốc độ di chuyển bao nhiêu là tối ưu để tránh ùn tắc.

Đèn tín hiệu tại ngã tư có thể tích hợp với camera đếm số phương tiện, từ đó có chu kỳ đèn linh hoạt. Xa hơn, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh việc xây dựng đường vành đai 4 để giảm bớt áp lực cho vành đai 3, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.

Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cũng cho rằng, Hà Nội hiện đã làm hết mức có thể với hạ tầng giao thông tại nút giao Thanh Xuân. Việc cần làm lúc này là tổ chức lại nút giao, bổ sung đầy đủ hệ thống vạch sơn và biển chỉ dẫn:

"Tôi nghĩ là phần nào có giải pháp giải quyết được, dù một chút thôi, có thể thay đổi phân chia vạch sơn theo hướng trên mặt đường cho phù hợp với lượng xe, đồng thời điều chỉnh chu kỳ đèn giao thông cho tối ưu tỷ lệ các luồng phương tiện qua lại tại nút. Điều này đòi hỏi phải có công tác đếm xe và phân tích kỹ lưỡng".

Giải quyết triệt để ùn tắc tại nút giao Thanh Xuân là “bài toán” chưa có lời giải với “lỗi” hiện tại của hạ tầng

Giải quyết triệt để ùn tắc tại nút giao Thanh Xuân là “bài toán” chưa có lời giải với “lỗi” hiện tại của hạ tầng

Những bất cập trong hạ tầng khiến nút giao Thanh Xuân dù có tới 4 tầng nhưng vẫn thường xuyên ùn tắc. Và nếu bài học kinh nghiệm trong khâu quy hoạch, thiết kế không được đúc rút, thì không chỉ Thanh Xuân mà nhiều nút giao khác vẫn tiếp tục “không lối thoát”, kể cả được đầu tư bao nhiêu tầng đi chăng nữa.

Góc nhìn của VOV Gia thông: Bài học quy hoạch và thiết kế hạ tầng

Như nhiều người từng ví, việc mở đường để giải quyết ùn tắc giao thông tại Hà Nội giống như việc một người “béo bụng” nới lỏng thắt lưng. Bởi lẽ, dù mở đường (nới thắt lưng) đến đâu cũng là không đủ, không giải quyết được căn nguyên của vấn đề là “cái bụng béo”, là lượng phương tiện gia tăng nhanh hơn nhiều lần so với sự phát triển của hạ tầng.

Nút giao Thanh Xuân là minh chứng cho điều nay. Trục đường Nguyễn Trãi hay Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển đều có tới 6 làn xe theo mỗi hướng, ấy vậy mà chỉ sau 1 năm đưa vào lưu thông, từ năm 2011, tình trạng ùn tắc đã thường xuyên xuất hiện.

Và dù nhiều tầng giao thông khác được bổ sung sau đó (như hầm chui và đường sắt đô thị), thì tắc vẫn hoàn tắc sau hơn 1 thập kỷ.

Bên cạnh sự gia tăng nhanh chóng của người và phương tiện tham gia giao thông, không thể không kể đến lỗi thiết kế hạ tầng của nút giao này. Đầu tiên là thiếu quy hoạch tổng thể.

Dù có tới 4 tầng lưu thông nhưng nút giao Thanh Xuân lại được triển khai trong nhiều giai đoạn, đầu tư dàn trải, thi công chậm tiến độ, dẫn đến việc mỗi tầng được đưa vào vận hành một cách rời rạc, thiếu liên kết với nhau và chỉ giải quyết được vấn đề nảy sinh trong ngắn hạn.

Thứ hai là lỗi thiết kế. Những mô phỏng giao thông hiện đại không được áp dụng dẫn đến việc nhà quản lý không lường trước được những kịch bản giao thông có thể xảy ra, khiến “độ trễ” quá lớn, hạ tầng lỗi thời ngay khi vận hành.

Tiêu biểu là hệ thống đường dẫn lên xuống vành đai 3 trên cao đã tạo thành “nút thắt cổ chai” trên đường Khuất Duy Tiến và Nguyễn Xiển, đấu nối trực tiếp với ngã tư có đèn tín hiệu mà thiếu khoảng đệm chuyển tiếp. Trục Nguyễn Trãi có hầm chui nhưng tổ chức giao thông trên mặt đất chưa hợp lý, gây xung đột cho các dòng di chuyển.

Việc thiếu ứng dụng khoa học công nghệ còn được thể hiện trong cách thức vận hành. Nếu như Nhật Bản đã có hệ thống camera, cảm biến, bảng điện tử chỉ dẫn trên cao tốc từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, thì các tài xế ở Việt Nam hiện vẫn thiếu thông tin để chủ động lưu thông.

Những bất cập trong quy hoạch, thiết kế hạ tầng giao thông tại nút giao Thanh Xuân và đường vành đai 3 là bài học quý giá cho các dự án sau này, trong đó có việc thiết kế đường dẫn: số lượng, khoảng cách, vị trí, kết cấu.

Có thể thấy đường dẫn vành đai 2 trên cao hay chính vành đai 3 (đoạn Phạm Văn Đồng) đã được thiết kế hợp lý hơn, các phương tiện lưu thông tại mặt đất có thể di chuyển vòng qua 2 bên của đường dẫn, không làm giảm đột ngột số làn di chuyển. Hay tại các nút giao liên hoàn QL5 - cầu Thanh Trì - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mỗi hướng di chuyển có một cầu vượt riêng, tránh xung đột trực tiếp giữa các hướng.

Có bài học cho các dự án sau, nhưng chỉnh sửa lại bất cập đang có thì lại rất khó. Giải quyết triệt để ùn tắc tại nút giao Thanh Xuân là “bài toán” chưa có lời giải với “lỗi” hiện tại của hạ tầng. Tuy nhiên, những biện pháp tổ chức lại nút giao có thể phần nào giảm thiểu xung đột, hay giúp ùn tắc không trở nên nghiêm trọng hơn.

Cơ quan quản lý cần dựa trên nhu cầu di chuyển thực tế từ các hướng để bố trí số lượng làn đường, chu kỳ đèn tín hiệu tối ưu; áp dụng khoa học công nghệ để xây dựng hệ thống giao thông thông minh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật giao thông là nguyên nhân dẫn đến va chạm, ùn tắc.

Về lâu dài, như các chuyên gia đã nhiều lần nhấn mạnh, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân vẫn là giải pháp căn cơ để khép lại câu chuyện ùn tắc tại các đô thị./.

Ý kiến của bạn
Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Sáng nay (25/3), giá vàng SJC quanh mốc 80 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 69 triệu đồng/lượng sau 1 tuần giảm mạnh.

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Năm 2010, Chính phủ lấy ngày 25/03 hằng năm làm Ngày Công tác xã hội làm dấu mốc quan trọng khởi đầu phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Nơi âm dương không cách trở

Nơi âm dương không cách trở

Phố Giáp Nhị (Q. Hoàng Mai) có nhiều ngõ ngách chằng chịt đặc trưng đúng chất Hà Nội phố. Nhưng có điều kỳ lạ khi khám phá ngang dọc con phố này sẽ thấy một khu phố mà người dân đang chia sẻ không gian sống với những ngôi mộ.

Doanh thu 12,5 triệu đồng/tháng phải đóng thuế: Liệu có phù hợp?

Doanh thu 12,5 triệu đồng/tháng phải đóng thuế: Liệu có phù hợp?

Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng/ năm, tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.

Bình trà đá nghĩa tình

Bình trà đá nghĩa tình

Không riêng tại thành phố Hồ Chí Minh mà thời gian gần đây, trên một số tuyến đường ở ĐBSCL, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những bình trà đá miễn phí dành cho mọi người, đặc biệt là bà con lao động khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều.

// //