Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Tổn thương tâm lý mùa dịch (Kỳ 1): “Sóng ngầm” dữ dội trong mỗi gia đình

Chu Đức - Thùy Linh - Huy Văn - Kim Ngân - 20/04/2022 | 10:09 (GTM + 7)

Tổn thương tâm lý như một cơn sóng ngầm, ít được nhận diện và quan tâm đúng mực; nhưng nó tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Đại dịch xảy ra càng làm nghiêm trọng hơn các vấn đề sức khỏe tâm thần, biến chúng trở thành mối quan ngại hàng đầu của mọi gia đình, mọi cá nhân.

Giai đoạn giãn cách trong mùa dịch, các lớp học, trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ bị gián đoạn, gánh nặng và áp lực lại càng đổ dồn lên vai các gia đình. Chính các bậc phụ huynh cũng rơi vào trầm cảm (Ảnh Trịnh Hùng)

Giai đoạn giãn cách trong mùa dịch, các lớp học, trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ bị gián đoạn, gánh nặng và áp lực lại càng đổ dồn lên vai các gia đình. Chính các bậc phụ huynh cũng rơi vào trầm cảm (Ảnh Trịnh Hùng)

Trước khi xảy ra đại dịch, anh Ngô Dương, một viên chức tại Hà Nội, đã phải làm quen với cuộc sống không dễ dàng khi nuôi con nhỏ bị khuyết tật tự kỷ. Ngoài những tiếng hú như sói trong đêm, những cú giậm chân, đập tay xuống sàn nhà liên tục 4-5 tiếng liền… Anh và vợ còn vắt óc làm thế nào, khi tới nơi công cộng, con mình không có những hành vi cực đoan, làm phiền những người xung quanh.

Rồi dịch bệnh ập tới, xã hội giãn cách, các trung tâm, trường học nhận trông trẻ khuyết tật phải đóng cửa, cả nhà anh Dương bị nhiễm SarsCoV2. Khó khăn lại càng nặng nề. Riêng thời gian giãn cách, bản thân anh không được đến công sở, nhưng áp lực phải hoàn thành công việc vẫn vậy, trong bối cảnh đầy thử thách là vừa “chạy deadline”, vừa trông con tại nhà.

"Ví dụ năm 2020, bạn ấy có lần từng ném nửa tủ quần áo từ tầng 22 xuống đất qua cửa sổ. Mình đi xuống cũng bị người ta mắng bởi nếu là vật nặng có thể gây nguy hiểm cho người khác. Mình cảm giác bất lực, mình muốn mà không làm được. Hầu hết mọi người đều như thế chứ không riêng gì gia đình có trẻ tự kỷ”, anh Dương tâm sự. 

“Bế tắc”, “rơi vào trầm cảm”, “chết dần chết mòn” – Đó là cảm giác của anh Ngô Dương trong mùa dịch. Đứng trước những áp lực, ức chế, bí bách dường vậy, nhưng như đa số người Việt, anh ngần ngại khi được hỏi, liệu có tham vấn tâm lý từ các chuyên gia để được giải tỏa.

Anh Ngô Dương chia sẻ:  "Nói thật gặp các anh chị đó là phải trả phí. Trong bối cảnh mình không làm ra tiền thì những chi phí như vậy cũng là một rào cản. Thứ hai là chả ai trong chúng ta muốn nhận mình trầm cảm.

Lúc đấy thì mọi người tìm ra giải pháp nghe nhạc, vận động. Hay ở khu tôi cũng có người đứng ra hò hét thật to trong cầu thang cho thoải mái. Còn việc tìm đến chuyên gia tâm lý thì không có nhiều, có thể ai đó có chứ tôi thì không."

Đồng cảnh ngộ là chị Hoàng Lan, có con trai gặp dấu hiệu tự kỷ tăng động, thường xuyên không hợp tác với cha mẹ. Dù đi khám, bác sĩ cho biết, bé chưa đến mức cần can thiệp, cha mẹ cần lựa cách để chăm sóc, nhưng càng ngày, đặc biệt trải qua mùa giãn cách, con chị Lan càng có biểu hiện trầm trọng.

"Nói câu trước câu sau thì không nhớ gì cả, học thì không tập trung. Ở nhà lúc nào cũng la hét, nghịch ngợm chân tay, không lúc nào ngừng nghỉ. Thời gian covid vừa rồi thì con cũng bị ảnh hưởng tâm lý vì không được ra ngoài.

Để giải tỏa, thi thoảng con hét ầm ĩ lên. Mọi người trong nhà cũng xác định là phải sống chung rồi nhưng cũng thấy mệt mỏi, mọi người trong gia đình cũng căng thẳng với nhau luôn", chị Lan nói.

Theo nhiều nghiên cứu, người trong các khu cách ly, phong tỏa có nguy cơ cao gặp rối loạn stress sau sang chấn. Nhiều trụ cột kinh tế gia đình cũng bị bất ổn, trầm uất vì mất thu nhập.

Theo nhiều nghiên cứu, người trong các khu cách ly, phong tỏa có nguy cơ cao gặp rối loạn stress sau sang chấn. Nhiều trụ cột kinh tế gia đình cũng bị bất ổn, trầm uất vì mất thu nhập.

Sống trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa, khu cách ly tập trung để lại hệ lụy về vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn chúng ta vẫn tưởng. Trong năm 2021, anh Nguyễn Văn Nam, 33 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu. Việc kinh doanh đình trệ, thu nhập sụt giảm, gánh nặng trả nợ ngân hàng, nhu cầu giao tiếp xã hội không được đáp ứng, tất cả khiến anh vô tình xả stress vào gia đình, làm căng thẳng mối quan hệ với các con.

Anh Nguyễn Văn Nam nói: “Đôi khi tôi cũng hay cáu gắt, dù bình thường tôi là người rất vui vẻ. Đợt này tôi cũng có những việc con cái hơi nghịch ý thì tôi lại cáu, có hành vi chưa từng xảy ra. Chuyên gia tâm lý thì tôi chưa nghĩ đến nhưng có những thời điểm tôi bị bấn loạn, gọi điện cho mẹ, bạn bè, anh em, các cháu, vì tôi rất nhớ mọi người”

Giáo sư Cao Tiến Đức - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 chia sẻ một nghiên cứu tâm lý xã hội đáng chú ý, phần nào lý giải được những gì mà đại dịch và các biện pháp phòng chống dịch đã tác động đến tâm trí con người.

Cũng theo Giáo sư Cao Tiến Đức: “Trong số người sau cách ly thì 37,4% không có hậu quả gì, họ thích nghi được. Nhưng 31% cần phải theo dõi tình trạng rối loạn stress sau sang chấn, 12,2% có rối loạn stress sau sang chấn và 19,4% có nguy cơ rối loạn stress sau sang chấn kéo dài. Nó giống như những người lính Mỹ sau chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Vùng Vịnh, người ta bị stress kéo dài. Người trong khu cách ly, phong tỏa cũng có nguy cơ như vậy”

Chuyên gia tâm lý Mai Phan cho rằng, đại dịch đã khiến mối quan tâm về sức khỏe tâm thần trở nên rõ nét hơn. Dù vậy, nhiều người vẫn nghĩ rối loạn tâm lý đồng nghĩa bị điên nên né tránh trị liệu tâm lý.

Chuyên gia tâm lý Mai Phan cho rằng, đại dịch đã khiến mối quan tâm về sức khỏe tâm thần trở nên rõ nét hơn. Dù vậy, nhiều người vẫn nghĩ rối loạn tâm lý đồng nghĩa bị điên nên né tránh trị liệu tâm lý.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Mai Phan nhận định, đại dịch đã khiến mối quan tâm đến sức khỏe tâm thần của người Việt trở nên rõ nét hơn, nhiều người đã nhận ra sự bất ổn của mình. Mặc dù vậy, do vướng nhiều rào cản, không nhiều người được tiếp cận với các liệu pháp can thiệp tâm lý kịp thời, dẫn đến tình trạng nặng hơn, thậm chí bắt đầu có suy nghĩ tiêu cực như tự làm tổn thương, tự sát: 

"Văn hóa của mình khi phát hiện những triệu chứng bất ổn về cơ thể thì sẽ tìm đến bệnh viện đầu tiên, vì với họ, thuốc sẽ là nhất. Trong quá trình tôi làm việc, rất nhiều thân chủ đã hỏi “ơ thế không có thuốc gì à, chỉ nói chuyện thôi à?”.

Bản chất họ tiếp cận đến điều trị tâm lý nhưng hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Thứ hai là do định kiến của mình về sức khỏe tâm thần. Mọi người thường nghĩ rằng những rối nhiễu, khó khăn về tâm thần thì họ sẽ phải vào bệnh viện tâm thần.

Họ không dám chia sẻ vì không muốn người khác nghĩ mình bị điên. Việc không chấp nhận rằng mình có những khó khăn về tâm lý cũng là một cản trở để trở lại cuộc sống trước kia."

Những bất ổn tâm lý xã hội đã được nhận diện ở lăng kính trong gia đình. Vậy còn góc nhìn từ các phòng khám, cơ sở y tế, bệnh viện chuyên biệt về sức khỏe tâm thần?

Điều gì đang giằng xé bên trong tâm trí những người gặp tổn thương? Họ phải chịu đựng điều gì?

Ai giúp họ vượt qua được sự trầm uất, bế tắc?

Đón xem kỳ 2 bức tranh toàn cảnh về sức khỏe tâm thần mùa dịch: “Cơn bùng phát các vấn đề tâm lý xã hội”.

Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

// //