Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Số phận của cầu Long Biên

Phạm Quang Vinh - 04/07/2022 | 6:30 (GTM + 7)

Cầu Long Biên là một trong những cây cầu có lịch sử kỳ vĩ nhất Việt Nam, và cũng vì thế mà số phận của cây cầu cũng luôn là đề tài gây tranh luận trên các diễn đàn báo chí, truyền thông.

Có không nhiều công trình, có không nhiều chứng tích ở Hà Nội mang lại nhiều ý nghĩa, mang theo mình lịch sử hiện đại của thành phố như là cầu Long Biên - cây cầu đầu tiên được Bắc qua sông Hồng, nối giữa Hà Nội (lúc đó bị ngăn cách với các tỉnh phía Bắc) với cảng Hải Phòng sang bờ bên kia (lúc đó vẫn còn là Gia Lâm, thuộc tỉnh Bắc Ninh).

Cây cầu được xây dựng từ năm 1897, lúc đầu nó mang tên ông Toàn quyền Đông Dương - Paul Doumer, người có tương đối nhiều đóng góp với việc xây dựng các công trình lớn ở Việt Nam.

Cầu Long Biên được quyết định xây dựng năm 1897, bắt đầu khởi công từ năm 1899, cho đến khi hoàn thành vào năm 1902. Lúc đó, cây cầu này là một trong những cây cầu lớn nhất trên thế giới và là cây cầu thép lớn nhất châu Á, đó như là một niềm tự hào của người Pháp ở Việt Nam.

Cây cầu cũng là một chứng tích cho nhiều sự kiện lớn của Hà Nội. Trên cầu Long Biên, những người lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi Đông Dương vào năm 1954, theo Hiệp định Paris. Từ lúc đó, Hà Nội được tiếp quản và trở thành thủ đô của nước Việt Nam độc lập.

Và trong thời kỳ năm 1965-1968, bởi vì cầu Long Biên với vị trí là một cây cầu huyết mạch nối Hà Nội với cảng Hải Phòng (cảng duy nhất của miền Bắc) cũng như là với các tỉnh phía Bắc, nên cây cầu là một trong những trọng điểm bị đánh phá bởi không quân Hoa Kỳ.

Cầu Long Biên mang lại nhiều ý nghĩa, mang theo mình lịch sử hiện đại của Thủ đô. Ảnh: Hồng Phú/Dân Việt

Cầu Long Biên mang lại nhiều ý nghĩa, mang theo mình lịch sử hiện đại của Thủ đô. Ảnh: Hồng Phú/Dân Việt

Theo như lịch sử, cầu Long Biên đã bị trúng bom 4 lần, một số trụ lớn đã bị sập, cả nghìn mét đường trên cầu đã bị rơi xuống lòng sông. Bộ đội, công binh và các lực lượng khác trong xã hội đã cấp tốc xây dựng lại cầu ngay sau khi bị trúng bom để nối liền hai bờ sông Hồng, duy trì được giao thông, kết nối về mặt đường bộ, đường sắt với cảng Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc.

Tôi nói hơi dài một chút về lịch sử của cầu Long Biên, để qua đó nhắc tới câu chuyện gần đây đang được đề cập đến khá nhiều trên báo chí, cũng như trên mạng xã hội về việc khôi phục hay duy trì cầu Long Biên thế nào?

Khi Hà Nội nghiên cứu và bàn về hệ thống đường sắt đô thị, cũng đã có ý kiến cho rằng, nên phá bỏ cầu Long Biên và xây một cây cầu khác thay thế cho đường sắt đô thị và phần còn lại cho người đi bộ.

Cách này không phải không có lý và trên thế giới cũng đã có những nơi có những thành phố làm như vậy. Ví dụ mấy năm trước, tại San Francisco (Mỹ), người ta còn bán cả cây cầu cho một công ty của Trung Quốc, để họ dỡ đi và họ xây một cây cầu mới.

Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn nghĩ, cầu Long Biên xứng đáng được giữ lại và duy trì như một chứng tích lịch sử của thành phố. Nhưng vấn đề là duy trì nó thế nào và duy trì ở hiện trạng nào? Có nhiều người cho rằng, nó cần phải được khôi phục như đã từng được xây dựng xong vào năm 1902, một cây cầu hoàn mỹ và được giữ lại các nhịp thép bắc qua hai bờ sông Hồng.

Cầu Long Biên từng là một trong những cây cầu lớn nhất trên thế giới và là cây cầu thép lớn nhất châu Á vào thời điểm mới được xây dựng. Ảnh: Hồng Phú/Dân Việt

Cầu Long Biên từng là một trong những cây cầu lớn nhất trên thế giới và là cây cầu thép lớn nhất châu Á vào thời điểm mới được xây dựng. Ảnh: Hồng Phú/Dân Việt

Tôi nghĩ chuyện đó không có lý lắm, bởi vì có lẽ lịch sử của cầu Long Biên không chỉ nằm ở thành tích xây dựng cầu đường của người Pháp tại thuộc địa Đông Dương, mà nó còn mang trên mình một chứng tích của thời kỳ năm 1965-1968, trong chiến dịch phá hoại miền Bắc của không quân Hoa Kỳ, khi nó bị đánh sập.

Khi đó, những nhịp cầu của cầu Long Biên được thay bằng những dầm cầu thép khác và được duy trì hoạt động đến bây giờ.

Cầu Long Biên, nếu được khôi phục và nếu như cần phải khôi phục, hay là duy trì như một chứng tích lịch sử, thì tôi nghĩ nó nên được duy trì và được bảo tồn và duy tu như nó vốn có.

Tức là một công trình của đầu thế kỷ 20, một công trình của người Pháp và mang trong nó cả những dấu tích của cuộc chiến tranh mà chúng ta đã đi qua, những nhịp cầu được xây dựng lại.

Rõ ràng, dấu tích lịch sử như thế, nó cũng mang những vẻ đẹp riêng, những câu chuyện riêng hay không chỉ là một cây cầu hoàn hảo như lúc mới được xây dựng, như bản thiết kế đang được lưu trong cơ quan Lưu trữ quốc gia thì mới có giá trị.

Tôi nghĩ như vậy!.

Ý kiến của bạn
“Cô tiên” vẫn còn trong ký ức?

“Cô tiên” vẫn còn trong ký ức?

Trên các phương tiện truyền thông, câu chuyện về “người tốt, việc tốt”, những tấm gương sáng, hành động thiện nguyện truyền cảm hứng luôn được ngợi ca và lan toả rộng rãi. Tuy nhiên, không ít những góc khuất liên quan đến đạo đức sau đó khiến cho dư luận ngỡ ngàng.

Đường Giải Phóng, xe khách vẫn “rùa bò” khi xuất bến

Đường Giải Phóng, xe khách vẫn “rùa bò” khi xuất bến

Hiện nay trên đường Giải Phóng (Hà Nội) lại tái diễn tình trạng xe khách, xe limousine đi “rùa bò” bắt khách gây cản trở giao thông. Đặc biệt là trên tuyến này cũng đang có công trường thi công Hầm chui Kim Đồng – Giải Phóng nên vào giờ cao điểm tình trạng ùn tắc lại càng kéo dài.

Quy hoạch 2 bên sông Hồng, cần đảm bảo trữ nước và thoát lũ

Quy hoạch 2 bên sông Hồng, cần đảm bảo trữ nước và thoát lũ

Quy hoạch sông Hồng cần ưu tiên dành không gian cho nước, bảo đảm thoát lũ nhanh mùa nước, hạn chế phát triển đô thị, công trình xây dựng trên hành lang này, mới có thể giúp thành phố dễ dàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hà Nội sống và yêu: Bánh rán Việt Nam

Hà Nội sống và yêu: Bánh rán Việt Nam

Vài năm trở lại đây, ẩm thực của Việt Nam đã được nhiều du khách nước ngoài, các tạp chí quốc tế khen ngợi, một số món ăn đã được vinh danh, lọt vào top những món ngon hàng đầu thế giới.

Tăng cường giám sát, giáo dục và siết chặt Luật Giao thông là bảo vệ trẻ em

Tăng cường giám sát, giáo dục và siết chặt Luật Giao thông là bảo vệ trẻ em

Thời gian gần đây liên tiếp những vụ vi phạm pháp luật về an toàn giao thông xảy ra, mà trong đó có liên quan đến trẻ em, trẻ vị thành niên, khiến dư luận rúng động và lo ngại về sự “trẻ hóa” trong hành vi vi phạm pháp luật.

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thiếu nhân lực vận hành?

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thiếu nhân lực vận hành?

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, việc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội buộc phải dừng tàu sau khi xảy ra sự cố tại ga Cầu Giấy hôm 24/10, tại thời điểm xảy ra sự cố, Hanoi Metro - đơn vị vận hành không có nhân sự trực.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Tối ngày 16/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình cầu truyền hình “Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng” tại 3 điểm Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa.

// //