Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Nhận diện những thách thức lớn của Y tế TP.HCM

Hồng Lĩnh - Phan Nhơn - 13/07/2022 | 10:21 (GTM + 7)

Sau 2 năm nỗ lực và cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, ngành Y tế TP.HCM đứng trước ba nguy cơ - ba thách thức lớn: Dịch COVID-19 chồng dịch sốt xuất huyết; thiếu thuốc điều trị và nhân viên y tế “tháo chạy" khỏi các bệnh viện công.

Trước muôn vàn khó khăn, ngành Y tế TP.HCM cần phải nhận diện những thách thức đó như thế nào để vượt qua khủng hoảng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Từ đầu tháng 4/2022, dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phía Nam tăng đột biến dù mùa mưa chưa đến. Mỗi ngày TP.HCM có khoảng 400 bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết. Số ca mắc đã là trên 21.000 ca, tăng 184% so với cùng kỳ. 11 ca tử vong, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 vẫn là nỗi lo lắng thường trực khi vừa qua Viện Pasteur TP.HCM công bố phát hiện 2 ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và 1 ca nhiễm biến thể phụ BA.5. Hệ thống giám sát dịch của ngành y tế cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới.

Nguy cơ phải đối diện với tình huống “dịch chồng dịch” là có thể xảy ra. Áp lực sẽ đè nặng lên lực lượng y tế vốn đang kiệt sức.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế chia sẻ: “Ngành y tế đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực và các tình huống diễn biến xấu của dịch COVID-19 cũng như là dịch sốt xuất huyết để sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị. Chúng ta sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại tức là mũi 3-4.

Ngành y tế để sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, nhà máy bất cứ nơi nào, thậm chí là đến trực tiếp tại nhà của các cô bác có bệnh nền hoặc là không có đi lại được. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch và chịu nhiều thiệt hại nếu để nguy cơ này thành hiện thực”. 

Các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị sốt xuất huyết trong thời gian qua. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị sốt xuất huyết trong thời gian qua. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Đáng nói hơn là tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh lý phổ biến ở hầu hết các cơ sở y tế điều trị. Sở Y tế TP.HCM phải kiến nghị khẩn đến Lãnh đạo Bộ sớm tháo gỡ vướng mắc.

PGS. TS Tăng chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay nguy cơ lo nhất là dịch chồng dịch; nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, nếu chúng ta nỗ lực tối đa. COVID-19 thì tiêm vaccine, sốt xuất huyết thì diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Nguy cơ thứ hai, hiện nay ngành y tế cũng đang đứng trước một thách thức rất lớn, đó là thiếu thuốc, thiếu vật tư. Chúng tôi có một giải pháp mà thành phố vừa thông qua. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ sớm hình thành Trung tâm mua sắm tập trung để hỗ trợ cho các các cơ sở không đủ năng lực để tổ chức đấu thầu”. 

Cần đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho người bệnh. Ảnh: Thanh niên

Cần đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho người bệnh. Ảnh: Thanh niên

Trong bối cảnh nhiều lãnh đạo cơ quan y tế vướng lao lý trong công tác đấu thầu đã làm cho vấn đề mua sắm thuốc trang thiết bị có phần chậm lại. Điều này đã đẩy người bệnh vào thế ngặt nghèo, bác sĩ điều trị thì không khác gì “tay không bắt giặc”.

Câu chuyện thành lập Trung tâm mua sắm tập trung đã từng diễn ra được thực hiện cách đây vài năm, song thành phố cũng đóng trung tâm này vào năm 2018.

PGS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội dược học Việt Nam cho rằng, việc đấu thầu tập trung hay đấu thầu riêng lẻ đều có mặt hạn chế. Đôi khi “bình mới rượu cũ” tốn quá nhiều thời gian, nhân lực mà không giải quyết hết cốt lõi vấn đề.

Bà Lan nhấn mạnh: “Phải thay đổi về cái cách tiêu thụ thuốc. Bây giờ cả thế giới có ai làm giống mình không, đấu thầu xé lẻ lung tung beng hết. Vấn đề cốt lõi ở đây là giá cả, cứ công khai đi”.

Bà Lan cũng khuyến nghị thành phố cũng như Bộ Y tế nên có giải pháp cụ thể cho từng nhóm thuốc. Đối với thuốc biệt dược độc quyền, Chính phủ, Bộ Y tế hoặc chí ít là thành phố đứng ra đàm phán giá. Khi đó có mức giá chung, các bệnh viện cứ việc mua giá đó để điều trị và BHYT căn cứ vào đó để thanh toán.

Thứ hai là loại “generic” - thuốc hết hạn độc quyền nên  để bệnh viện mua. Tính theo định suất trên số lượng người bệnh/năm, và mua như bệnh viện tư nhân. Cách làm như vậy tiết kiệm nhân lực vật lực tham gia vào đấu thầu. Nếu thuốc quá rẻ sẽ dẫn đến chất lượng không đảm bảo, làm mất lòng tin của người dân cũng như cán bộ y tế. Đa dạng nguồn thuốc là đa dạng lựa chọn phương án điều trị cho bệnh nhân. 

Thách thức thứ ba mà ngành Y tế TP.HCM đang đối mặt đó là tình trạng nhân viên y tế “tháo chạy” ra khỏi bệnh viện công. Trong 6 tháng đầu năm 2022, TP đã có 874 nhân viên y tế có đơn xin nghỉ việc. Trước đó, năm 2021, đã có hơn 1.100 cán bộ, nhân viên y tế tại TP xin rời khỏi ngành. Tổng cộng đã có hơn 2.000 nhân viên y tế nghỉ việc, chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của TP.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) nhận định: “Có những nơi,  những lĩnh vực nhân viên y tế ngoài công lập được trả ít nhất là gấp 4-5 lần, thậm chí hàng chục lần. Do vậy, mặc dù rất yêu nghề nhưng gánh nặng công việc, áp lực công việc và chế độ chính sách mà người ta sẽ có sự so sánh giữa công lập và ngoài công lập.

Làm như thế nào để tăng nguồn thu, làm như thế nào để sử dụng các trang thiết bị, máy móc, làm như thế nào có cơ chế mà liên doanh, liên kết làm như thế nào để đảm bảo cho đấu thầu, văn bản thì đã có.

Nhưng vấn đề triển khai như thế nào thì là một vấn đề mà nhà lãnh đạo của các cơ sở y tế công lập cũng cần phải quan tâm.

Cơ chế, chính sách thôi chưa đủ, vấn đề là người đứng đầu đơn vị phải tạo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và mối quan hệ công tác ở tại địa đơn vị mình. Để người bác sĩ thấy hào hứng làm việc”. 

Thách thức thứ ba mà ngành Y tế TP.HCM đang đối mặt đó là tình trạng nhân viên y tế “tháo chạy” ra khỏi bệnh viện công. Ảnh: Lao động

Thách thức thứ ba mà ngành Y tế TP.HCM đang đối mặt đó là tình trạng nhân viên y tế “tháo chạy” ra khỏi bệnh viện công. Ảnh: Lao động

TP.HCM bước vào năm 2022 trong bối cảnh nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch COVD-19, kinh tế cuối năm 2021 giảm sâu. TP.HCM đang trong quá trình “cựa quậy” phục hồi thì một lần nữa lại “trọng thương” khi ngành Y tế phải chịu những áp lực, thách thức lớn, có thể nói là khủng hoảng. Ngành Y tế đối diện với nỗi “sợ” - và bệnh nhân nghèo cũng đang đứng trước những nỗi lo.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Trả lại thiên chức thiêng liêng cho người thầy thuốc”.

Nhiều cuộc họp nhận diện 3 nguy cơ khủng hoảng trong ngành Y tế TP.HCM đã diễn ra với nhiều giải pháp biến “nguy” thành “cơ”. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác triển khai vẫn còn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là vấn đề thiếu thuốc và thiếu hụt nguồn nhân lực.

Giữa trùng vây dịch bệnh, bệnh nhân vẫn chạy vạy khắp nơi vì thiếu thuốc men. 2 năm dịch COVID-19 bủa vây, đã có thời điểm tang thương đến kiệt cùng, nhưng dường như chưa nhân viên y tế nào bỏ cuộc, rời vị trí. Họ không màng cả an nguy của bản thân để giành lấy sự sống cho bệnh nhân. Họ không nghĩ đến riêng tư, thu nhập, đãi ngộ; không phân biệt y tế công - tư mà lao vào “tâm bão”.

Đó cũng là giây phút hiếm hoi để những thầy thuốc thực sự được thấy mình là “thiên thần áo trắng”, được làm đúng thiên chức của mình.

Khi dịch bệnh tạm lắng, trở lại công việc thường nhật, dường như thiên chức khám chữa bệnh của của các y bác sĩ không còn được trọn vẹn. Thầy thuốc khám xong, không biết kê toa gì khi thuốc bệnh viện hết hoặc thiếu ngay cả những loại thuốc vốn không hiếm.

Không bác sĩ nào là không xót xa khi thấy người có bệnh loay hoay không thuốc điều trị. Việc “cứu người như cứu hoả” đành phải “chờ quy trình”.

Sự ngưng trệ trong đấu thầu, mua sắm ở các bệnh viện công như căn bệnh trầm kha và khi đại dịch COVID-19 bào mòn sức chịu đựng, đã phơi bày những vấn đề tồn tại âm ỉ từ lâu trong ngành y, khiến cho tất cả như “ngồi trên đống lửa”, từ bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.

Nguy cơ “dịch chồng dịch” hiển hiện trước mắt mà thuốc men cứ vơi cạn dần. Những tiêu cực trong thời gian qua tiếp tục kéo chậm quá trình cung ứng thuốc men, trang thiết bị y tế đã khiến cho bức tranh và bầu không khí chung của cả ngành y thêm căng thẳng và mệt mỏi.

Sự so sánh dù không muốn vẫn âm thầm hiển hiện, đó là Tại sao ở các bệnh viện tư, việc đấu thầu thuốc hoặc trang thiết bị không sợ vướng chỗ này chỗ kia?

Ngành Y tế cần có sự thay đổi về hành lang pháp lý để hoá giải cơn khủng hoảng cung ứng, gạt bỏ bất cập trong mua sắm, đấu thầu trang, thiết bị, vật tư, thuốc men.

Một thành phố như TP.HCM chỉ vì thủ tục hành chính cứng nhắc đã chậm khen thưởng 40.000 nhân viên y tế chống dịch. Để rồi Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên phải nhận lỗi “vừa buồn vừa hổ thẹn” với lực lượng tuyến đầu.

Và cho đến giờ phút này, còn lại bao bác sĩ từ dự phòng đến điều trị vẫn đang cố gắng bám trụ từng ngày với đồng thu nhập ít ỏi và bao khó khăn, áp lực. Bởi bên cạnh sự mong mỏi được thoả lòng với thiên chức thầy thuốc chăm lo cho bệnh nhân và được trả về đúng vị trí xứng đáng với tâm huyết, trí tuệ lẫn lòng tự trọng của người bác sĩ, thì họ cũng không thể nỡ lòng gửi đơn “Nghỉ việc” vì y đức.

Song, về lâu dài, phía sau nhân viên y tế là gia đình, là cuộc sống sau đại dịch vốn đã mong manh. Việc tăng lương, thu nhập có thể có cả một lộ trình dài, nhưng chí ít, giờ đây phải đáp ứng thuốc men, dụng cụ vật tư - thiết yếu để bác sĩ hành nghề.

Bởi vì cứu lấy ngành y, nhân viên viên y tế thoát khỏi cơn “khủng hoảng” là cứu lấy hàng trăm ngàn bệnh nhân hiểm nghèo đang khát sự sống từng ngày.

Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

// //