Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Xe limousine bị siết chặt quản lý tại Mỹ

Huy Văn: Thứ tư 26/10/2022, 08:52 (GMT+7)

Tại Mỹ, sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 20 người tử vong hồi năm 2018, tính an toàn của loại xe này bị nghi ngờ và quốc gia này đang đặt ra nhiều quy định để kiểm soát, tránh để xảy ra trường hợp tương tự.

Ở Việt Nam, khi nhắc tới xe limousine, hiện nay chúng ta sẽ liên tưởng tới những chiếc xe chạy hợp đồng trá hình, hay còn gọi là xe dù, bến cóc. Nhưng ở nước ngoài, hay chúng ta vẫn thấy trên phim ảnh, nhắc tới xe limousine là nhắc tới những chiếc xe dài trên cả chục mét, sang trọng và tiện nghi cao.

Tuy nhiên, tại Mỹ, những chiếc xe này đang vào “tầm ngắm” của lực lượng chức năng trong vài năm trở lại đây vì lo ngại về độ an toàn.

Mới đây theo đài NBC của Mỹ, những chiếc xe limousine tại tiểu bang New York, hoặc thậm chí là toàn quốc, trong tương lai phải đáp ứng nhiều quy định, tiêu chuẩn khắt khe để được phép hoạt động.

Trong báo cáo gửi tới thống đốc và cơ quan lập pháp bang New York, nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những chiếc xe limousine cần được trang bị thêm các thiết bị bảo vệ 2 bên hông xe.

Ngoài ra, những chiếc xe này nên dừng hoạt động khi tới 10 năm niên hạn cũng như công tác đào tạo tài xế lái những chiếc xe này cần được thắt chặt.

Vụ tai nạn khiến 20 người tử vong tại Mỹ hồi năm 2018 đã khiến dư luận hoài nghi về độ an toàn của xe limousine. Ảnh: Wikipedia

Vụ tai nạn khiến 20 người tử vong tại Mỹ hồi năm 2018 đã khiến dư luận hoài nghi về độ an toàn của xe limousine. Ảnh: Wikipedia

Sở dĩ có những quy định như vậy, nguyên nhân bắt nguồn từ vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào năm 2018. Cụ thể, vào ngày 6/10/2018, một chiếc xe limousine đã mất lái và va chạm với 1 ô tô đang đỗ khác khiến 20 người thiệt mạng, trong đó bao gồm 17 hành khách và tài xế xe limo, cùng với 2 người đi bộ.

Vụ tai nạn thương tâm đã đặt câu hỏi về độ an toàn của đội xe limousine, vốn được xem là phương tiện sang trọng. Về vấn đề này, là người đã sửa chữa rất nhiều xe limo, ông Dave Lipsky, chủ một xưởng xe cho biết, hầu hết các chủ xe đều đặt sự sang trọng, tiện nghi lên trên yếu tố an toàn:

“Những chiếc xe limo hầu hết đều đã qua chỉnh sửa, độ lại. Cái họ muốn là có một quầy rượu hay những chiếc ghế salon thật đẹp ở trong xe. Những thứ đó ảnh hưởng lớn tới kết cấu xe, làm xe yếu đi và ít an toàn hơn”.

Dave Lipsky cho biết thêm, rất nhiều xe limo thực chất là những chiếc Sedan hay xe SUV đã qua chỉnh sửa. Những chiếc xe này được cắt đôi, sau đó thêm vài khoang xe vào giữa, sau đó sẽ được “độ” lại cả trong lẫn ngoài sao cho trông thật sang trọng, còn thực chất kết cấu xe rất yếu bởi nhiều thiết kế an toàn gốc của chiếc xe đã bị lược bỏ. Hành vi này được coi là trái pháp luật, nhưng vì lợi nhuận, các chủ xe đều nhắm mắt cho qua.

Trước khi xảy ra vụ việc năm 2018, các quy chuẩn an toàn không có nhiều, lại còn thay đổi tùy theo từng bang. Một chiếc xe limousine có thể không đúng quy chuẩn tại bang này, nhưng sang bang khác lại đủ yêu cầu. Việc không có một quy chuẩn thống nhất đã khiến những chiếc xe “độ” dễ dàng hoạt động.

Ông Charles Galdonfo, thành viên của hiệp hội xe Limousine của Long Island, tiểu bang New York chia sẻ: “Bây giờ, thật lòng mà nói thì việc kinh doanh xe Limousine đang gặp khó khăn bởi nhiều vấn đề. Giờ ở ngoài đường phố có thể thấy rất nhiều xe limousine hoạt động dù chúng thậm chí còn không có biển số xe.”

Một điều khiến nhiều người dân đang vô cùng bức xúc, là đã 4 năm kể từ khi vấn đề an toàn đối với xe limousine được chú ý, nhưng tới nay vẫn chưa có một quy định hay quy chuẩn chính thức nào mang tính toàn quốc được thông qua. Sự coi thường yếu tố an toàn từ chủ xe là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn, nhưng sự giám sát lỏng lẻo của nhà nước cũng đóng góp một phần dẫn tới những thảm kịch đó.

Nhiều xe limousine được độ lại để tăng tiện nghi, sang trọng nhưng giảm độ an toàn. Ảnh: Bloomberg

Nhiều xe limousine được độ lại để tăng tiện nghi, sang trọng nhưng giảm độ an toàn. Ảnh: Bloomberg

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho biết: “Giải quyết vấn đề an toàn của xe limousine chưa được ưu tiên. Điều này khiến nhiều chủ xe vẫn có thể lách luật. Một chiếc xe limo được độ ở bang này, sau đó đưa sang bang khác hoạt động, và chẳng có gì có thể ngăn được hành vi đó. Đó là lí do mà chúng ta cần có một quy chuẩn chung”.

Trở lại với Việt Nam, dù các loại xe Limousine phổ biến ở nước ta không phải là các xe sang dài chục mét, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề tương đồng với Mỹ. Limousine ở Việt Nam là các xe 9 chỗ hoán cải từ xe 16 chỗ để được phép ra vào tuyến đường cấm xe trên 9 chỗ, dễ dàng đón khách. Bên cạnh đó, loại xe này không có bến mà tự do đón khách theo kiểu “xe dù, bến cóc” gây mất TTATGT, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Tại Nghị định 47/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Bộ GTVT cho biết, NĐ không cho phép sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ để kinh doanh vận tải hành khách, nhưng không cấm việc cải tạo tương tự để phục vụ vận chuyển nội bộ hoặc phục vụ nhu cầu cá nhân.

Việc thiếu chế tài quản lý rõ ràng, vẫn còn tranh cãi “cấm hay quản lý” loại hình xe limousine lại càng khiến cơ quan chức năng “rối bời”, loay hoay. Bởi trong khi ngành vận tải chưa thể đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì loại hình xe limousine thực chất lại đang đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ hành khách.

Do đó, cơ quan chứ năng cần phải tìm cách để đưa loại hình này vào quản lý một cách phù hợp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải công bằng với các loại hình vận tải khác cũng như an toàn cho hành khách.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn