Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cảm hứng Mekong

Xây dựng mô hình du lịch từ nghề truyền thống

Trúc Thi: Thứ sáu 17/11/2023, 14:56 (GMT+7)

Vốn được xem là trung tâm kinh tế và du lịch trọng điểm của vùng ĐBSCL, những năm gần đây, du lịch miệt vườn Cần Thơ vô cùng phát triển với những lễ hội, sự kiện hấp dẫn mang đậm dấu ấn văn hoá của địa phương.

Trong đó, phải kể đến những món bánh dân gian hấp dẫn, vừa quen vừa lạ với du khách trong và ngoài nước. Bánh hỏi mặt võng cũng là một trong những món bánh “đệ nhất” của xứ Tây Đô đã níu chân rất nhiều thực khách bởi hương vị thơm ngon của nó.

Xây dựng mô hình du lịch từ những trải nghiệm tại lò làm bánh truyền thống này đã trở thành lựa chọn của anh Trần Thiện Cảnh – chủ vườn du lịch sinh thái - Lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách. 

 

Vườn du lịch sinh thái – Lò bánh hỏi Út Dzách. (Ảnh: Thám hiểm Mekong)

Vườn du lịch sinh thái – Lò bánh hỏi Út Dzách. (Ảnh: Thám hiểm Mekong)

PV: Chào anh Cảnh, từ đâu mà mình có ý tưởng làm du lịch từ lò bánh hỏi mặt võng ?

Nghề bánh hỏi của mình là nghề truyền thống của gia đình truyền từ ông bà sang bố mẹ, sau đó mới tới mình. Tới giờ cũng khoảng là 5 thế hệ. Bánh hỏi là một trong những loại bánh nhân gian của địa phương nói chung cũng như của gia đình nói riêng.

Tuy nhiên, bánh hỏi ngày xưa chỉ để phục vụ cho lối xóm bà con họ hàng, trong các dịp lễ tết hay là trong cái dịp cưới, hỏi. Được sự vận động của UBND huyện Phong Điền, các sở, ngành địa phương, mình mới làm thêm cái điểm dừng chân để giới thiệu đến du khách món bánh của gia đình mình nói riêng, của địa phương nói chung.

Kết hợp vườn thì mình có hai loại trái cây chính là dâu hạ châu và măng cụt, ngoài ra còn có 1 số loại trái cây khác là sầu riêng, bưởi, mận… nhưng ít.

PV: Khi mình bắt đầu mở mô hình này thì mình có gặp nhiều khó khăn không?

Tất nhiên khó khăn cũng rất nhiều. Thật ra trước giờ mình là một người nông dân mà đi làm du lịch thì gặp rất nhiều khó khăn, mình không biết gì về du lịch hết.

Mình vừa làm, vừa học, cũng may nhờ chính quyền địa phương, các cấp và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho mình đi học, tập huấn các lớp kỹ năng về du lịch, những kiến thức cơ bản về du lịch… từ đó chủ yếu mình vừa học vừa làm.

PV: Còn về bánh hỏi mặt võng thì có đặc điểm gì khác so với những loại bánh hỏi khác vậy?

Nói chung bánh hỏi chỗ nào cũng có, nhưng ở Phong Điền có cái bánh hỏi mặt võng. Về chế biến, pha chế bột thì hoàn toàn khác với những cái bánh hỏi bán ở chợ, do sự kết hợp các loại bột lại với nhau mình tạo ra cái hương vị cũng như là đặc điểm riêng của cái bánh hỏi mặt võng.

Hồi xưa ông bà cũng dựa vào hình dáng đặc biệt của bánh hỏi để đặt ra tên cho các loại bánh nói chung và bánh hỏi nói riêng.

Anh Cảnh rất thành công khi làm du lịch từ nghề truyền thống. (Ảnh: Thanh niên)

Anh Cảnh rất thành công khi làm du lịch từ nghề truyền thống. (Ảnh: Thanh niên)

PV: Đối với bà con mình đang có ý định khởi nghiệp mô hình du lịch từ nghề bánh dân gian thì anh có lời khuyên gì?

Nói chung ra là cái gì cũng xuất phát từ cái tâm của mình, cái bánh của mình có đặc điểm là giữ nguyên phiên bản hồi xưa, vẫn làm cách thủ công truyền thống và đặc biệt là mình không có pha trộn phụ gia hay chất bảo quản gì hết để cái bánh nó được ngon và lành.

Nói chung là do cái người làm phải có tâm chứ không phải nghĩ là lợi nhuận thì không được. Mình muốn làm du lịch bền vững mình phải xuất phát từ cái tâm trong nghề thì mình mới làm được mọi chuyện.

PV: Dạ, vậy còn trong tương lai thì anh có dự định gì để phát triển cũng như là quảng bá hơn nữa lò bánh hỏi truyền thống của mình vậy anh?

Bây giờ thì anh vẫn giữ làm như thế này. Tuy nhiên là nó còn phụ thuộc vào những cái yếu tố khác nữa, chớ anh cũng muốn phát triển nhưng nhiều khi nó vẫn còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa.

Bây giờ mình cũng chưa khẳng định được, nhưng cái hướng mình sẽ duy trì và phát triển nghề bánh hỏi để về sau này nó sẽ không bị mai một.

PV: Cảm ơn anh rất nhiều vì những chia sẻ vừa rồi!

Bánh hỏi mặt võng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Bánh hỏi mặt võng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Cách TP Cần Thơ khoảng 15km, hướng về huyện Phong Điền qua phà Vàm Xáng rồi tới bến đò Mương Ngang, quẹo phải chừng 30m là đến lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách – nơi có món bánh hỏi mặt võng gần xa nức danh “xứ Tây Đô” mà ai cũng biết. Những ai đã từng có dịp về đây, thưởng thức món bánh hỏi nóng hâm hấp vừa ra lò, ăn với thịt heo nướng hoặc thịt heo quay kèm rau sống chấm nước mắm ớt, sẽ phải ngạc nhiên, thích thú bởi hương vị khác lạ “độc nhất vô nhị” từ loại bánh này.

Nói như thế, không phải chặng đường giúp bánh hỏi hình thành “thương hiệu riêng” dễ dàng, bởi ngay từ hình dáng bên ngoài là những đường bắt chéo giống như mắt võng, với kích thước khác với bánh hỏi thông thường ở chợ, đã cho thấy sự khó khăn để làm nên món bánh đặc sản này.

Anh Trần Thiện Cảnh cho biết, thời điểm bắt đầu, ông tiếc đứt ruột khi bột hư rất nhiều, thậm chí phải đem cho hàng xóm, láng giềng để nấu bánh canh. Các thành viên trong gia đình cũng “khổ luyện” rất lâu, chăm chỉ và kiên trì đến cùng để giữ nghiệp gia đình.

"Sở dĩ bánh hỏi của mình được nhiều nguời biết đến và tồn tại đến bây giờ là do mình vẫn giữ được cách làm bánh truyền thống của ông bà để lại. Cái thứ hai nữa là do bánh của mình nó khác biệt so với bánh ngoài chợ, chỉ có mình làm thôi chứ không có chỗ nào làm nữa.

Tại vì hồi xưa các bà, các mẹ nói chung là cũng biết nhiều loại bánh dân gian. Nhưng người ta không giữ được nghề là do thu nhập thấp. Còn mình, mình kết nó vào kinh tế phụ, giờ nhàn rỗi mình làm thêm, tăng thêm thu nhập cho gia đình nên mình mới giữ nghề được", anh Cảnh cho biết

Để tạo được bánh hỏi hình mặt võng người thợ phải hứng lá chuối dưới khuôn đổ bánh hình trụ và kết hợp thao tác tay khéo léo. (Ảnh: thamhiemmekong)

Để tạo được bánh hỏi hình mặt võng người thợ phải hứng lá chuối dưới khuôn đổ bánh hình trụ và kết hợp thao tác tay khéo léo. (Ảnh: thamhiemmekong)

Để hoàn thành mỗi miếng bánh hỏi mặt võng đòi hỏi nhiều công đoạn công phu. Ngay từ khâu chọn bột gạo cũng đã phải cân nhắc để cho ra thứ bánh trong, dai, và mùi vị riêng. Sau đó, bột gạo khuấy đều với nước rồi cho vào nồi đặt lên bếp lửa liu riu, thường xuyên khuấy bột cho đặc lại rồi đem ra cối xả nhiều lần cho mịn, xong để nguội. Kế đến, cắt lá chuối khoảng hai tất vuông rửa sạch, để ráo. Đó chỉ là mới là một trong những công đoạn khởi đầu để làm nên các mẻ bánh ngon.

Chính sự tâm huyết của cả gia đình với từng miếng bánh hỏi mặt võng, thực khách xa gần đều bị món bánh dân gian này “chinh phục”. Năm 2016, món bánh hỏi mặt võng thịt kim tiền của gia đình anh Cảnh đã giành huy chương vàng tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 5.

Trong các Lễ hội bánh dân gian Nam bộ được tổ chức tại TP. Cần Thơ, gia đình anh cũng tham gia và thu hút nhiều du khách để tìm hiểu, thức thưởng bánh hỏi mặt võng: "Mình cũng giới thiệu được sản phẩm đặc trưng của địa phương tới với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó mình cũng tham gia các lễ hội, các lần hội chợ, lễ hội bánh dân gian ở Cần Thơ, cũng nhằm mục đích quảng bá cái món ngon của Cần Thơ đến với du khách mọi miền đất nước của mình", anh Cảnh nói.

Chính nhờ cách tiếp thị từ chính điểm khác biệt cũng như chất lượng sản phẩm, du khách đến tham quan Vườn du lịch sinh thái – lò bánh hỏi Út Dzách ngày càng nhiều. Món bánh hỏi mặt võng của anh Cảnh thường ăn kèm với rau sống, thịt nướng kim tiền chấm nước mắm ớt chua ngọt.

Thịt nướng kim tiền cũng do gia đình anh Cảnh chọn mua thịt ngon, tẩm ướp gia vị vừa ăn, nướng lên nóng ngon để đãi khách… Hương vị đặc trưng, khó quên của món bánh đã làm say lòng nhiều du khách phương xa:

"Mình thấy bánh hỏi ở đây cách làm với hình thù, mùi vị nó khác với bánh hỏi ở thành phố".

"Cái vị bánh dai dai, cùng thịt nướng rất là bùi, chấm với nước mắm ăn với rau, vị ngọt nó tan êm trong miệng. Cảm giác rất là thích".

Không chỉ có món chủ lực là bánh hỏi mặt võng thịt kim tiền, tại nhà vườn Út Dzách còn có những trải nghiệm độc đáo khi thưởng thức các món ăn miệt vườn như: như ốc hấp tiêu, lươn um, các món lẩu mắm đồng quê cùng các món bánh đặc trưng Nam Bộ như bánh lá mít, bánh xèo, bánh bò, bánh ít…

Với việc được tận tay thử làm bánh và thưởng thức tại chỗ, khách tham quan thi nhau đặt bánh hỏi mặt võng mang về, ủng hộ gia đình anh Thiện Cảnh. Vào những ngày lễ, mùa du lịch, anh Trần Thiện Cảnh cho biết mỗi ngày tiêu thụ hàng chục kg bánh hỏi mặt võng. Dù gia đình ông đã tăng gia sản xuất gấp 3-4 lần nhưng vẫn chưa đảm bảo sản lượng.

Thực tế, từ lâu, mang đặc trưng vùng sông nước miền Tây đặc biệt lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, huyện Phong Điền đã sớm xác định và phát huy thế mạnh riêng này của địa phương. Tin rằng những người tâm huyết như anh Trần Thiện Cảnh cùng gia đình của mình sẽ góp phần khôi phục, xây dựng và thúc đẩy hình thành thương hiệu không chỉ cho món bánh hỏi mặt võng nói riêng, mà cho cả các món bánh dân gian truyền thống của ĐBSCL nói chung, phục vụ phát triển du lịch hiệu quả, giúp bà con làng nghề có hướng đi riêng.

Hy vọng rằng trong tương lai những mô hình du lịch kết hợp cùng nghề bánh dân gian như mô hình của gia đình anh Cảnh sẽ ngày càng phát triển, góp phần gắn kết giữa nghề bánh dân gian cùng với du lịch mang đậm chất miệt vườn sông nước Nam bộ đến gần hơn với du khách.

Trúc Thi/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
[Cập nhật Bão số 3] Đến trưa 08/9, khu vực Hà Nội tương đối an toàn

[Cập nhật Bão số 3] Đến trưa 08/9, khu vực Hà Nội tương đối an toàn

Đến 07h sáng mai (8/9) bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h trên đất liền phía Tây Bắc Bộ với cường độ cấp 6-7, giật cấp 9-10. Khu vực vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc bộ cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp độ 3.

Cây xanh bật gốc trong giông lốc, nhiều tuyến phố Hà Nội gặp khó khăn

Cây xanh bật gốc trong giông lốc, nhiều tuyến phố Hà Nội gặp khó khăn

Dự báo trong ngày 7/9, bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ với trọng tâm là các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Cơ quan khí tượng đã đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 đối với Quảng Ninh, Hải Phòng.

Nỗi lo kẹt xe khi sửa chữa cầu Long Thành

Nỗi lo kẹt xe khi sửa chữa cầu Long Thành

Ngay sau kỳ nghỉ Lễ Quốc Khánh 2/9, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây đã có thông báo về việc triển khai sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành – một trong những điểm nóng về tình trạng ùn ứ giao thông thời gian qua.

Để “mái ấm” biến thành “địa ngục”, lỗ hổng nào trong khâu quản lý?

Để “mái ấm” biến thành “địa ngục”, lỗ hổng nào trong khâu quản lý?

Những đứa trẻ sinh ra kém may mắn, những tưởng được che chở ở nơi gọi là “mái ấm”, nhưng không ngờ, bị xách, bị quăng, bị đánh đập không thương tiếc.

Mong chờ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Mong chờ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

TP.HCM và Tây Ninh đang tập trung chuẩn bị những bước tiếp theo để triển khai dự án. Tại Tây Ninh, việc triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án đang được các sở, ngành, địa phương gấp rút thực hiện, phấn đấu hoàn thành vào ngày 15/4/2025.

Khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng

Khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng

Ngày 06/9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Diệp Ngọc Tuyền về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật hình sự.

Bộ GTVT: Tập trung triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3

Bộ GTVT: Tập trung triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Công điện gửi các cơ quan, đơn vị trong ngành liên quan đến việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3 (bão Yagi).