Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Năm, 17/4/2025
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Từ làng nghề thành điểm du lịch Vạn Điểm

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 05/04/2025, 16:14 (GMT+7)

Những làng nghề lâu đời của Thủ đô đang ngày càng khẳng định giá trị du lịch được khai thác từ giá trị văn hoá truyền thống.

Làng nghề gỗ Vạn Điểm, thuộc xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, không chỉ là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với những sản phẩm gỗ tinh xảo mà còn là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của thủ đô nghìn năm văn hiến.

Mỗi sản phẩm gỗ nơi đây đều chứa đựng tâm huyết, sự tỉ mỉ, và cả những câu chuyện về truyền thống, gia đình, và đất đai. 

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Khi bước chân vào làng nghề Vạn Điểm, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là những con đường làng chật hẹp, những ngôi nhà mái ngói cổ kính, và không gian tràn ngập mùi gỗ mới cắt. Cả làng như một xưởng sản xuất gỗ khổng lồ, nơi những bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công miệt mài làm việc suốt ngày đêm.

Tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa… như một bản nhạc không lời, tạo nên một không gian đầy ắp hơi thở của nghệ thuật gỗ.  Ông Hoàng Kỳ Tài,  Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề nhiệt tình kể chuyện:

"Đây là không gian trưng bày rất nhiều những mặt hàng thủ công. Ở đây thì có rất nhiều nhữg bộ ghế làm bằng gỗ gõ. Tất cả những hoạ tiết đục, chạm là được làm bằng chính các nghệ nhân trong làng sản xuất ra. Có có thể thấy những con nghê, những cái cuộn lá tây đều là do bàn tay của nghệ nhân trong làng nghề Vạn Điểm đã làm ra được bộ ghế như thế này".

Với hơn một thế kỷ lịch sử, Vạn Điểm đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật đồ gỗ mỹ nghệ tại Việt Nam

Với hơn một thế kỷ lịch sử, Vạn Điểm đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật đồ gỗ mỹ nghệ tại Việt Nam

Điều làm nên sức hấp dẫn của làng nghề gỗ Vạn Điểm không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm mà còn ở truyền thống gia đình. Nhiều gia đình ở đây có truyền thống làm nghề gỗ đã qua nhiều thế hệ. Những người thợ Vạn Điểm không chỉ học hỏi từ cha ông mà còn sáng tạo, đổi mới để sản phẩm của mình có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời giữ gìn được hồn cốt của nghề truyền thống.

Cái hay của nghề làm gỗ ở đây chính là sự kết hợp giữa kinh nghiệm lâu năm và khả năng sáng tạo vô tận của những người thợ. Bà Quyền Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm chia sẻ:

"Đối với trong làng hiện nay có trên 800 hộ, có 600 hộ tham gia sản xuất làng nghề. Các hộ trong thôn tham gia làng nghề với vai trò khác nhau, chia sẻ chia ra thành nhóm buôn bán, xẻ gỗ, gia công và chế biến. Mỗi nhóm có tính chất công việc công đoạn khác nhau. Nhìn chung sản phẩm mang tính đặc trưng và nét riêng của hàng mộc Vạn Điểm.

Căn cứ vào đó đối với thợ thì luôn quan tâm tới tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã. Hiện nay với hàng Vạn Điểm còn có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật trong khâu sản xuất, đặc biệt khâu đục là có máy móc tự động. Do vậy với sản phẩm của làng nghề cũng được đưa ra thị trường cả nước và đều được biết tới".

Chứng kiến những đôi bàn tay thoăn thoắt của người thợ khi làm việc, tôi không khỏi cảm nhận được niềm đam mê và tình yêu nghề sâu sắc. Mỗi vết cắt, mỗi đường chạm khắc đều được thực hiện với sự tỉ mỉ, chính xác đến từng milimet.

Họ không chỉ làm ra sản phẩm mà còn gửi gắm vào đó những giá trị tinh thần. Chính sự chăm chút trong từng chi tiết đã tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm gỗ Vạn Điểm – không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt.

Ảnh: velang.vn

Ảnh: velang.vn

Làng nghề gỗ Vạn Điểm không chỉ tồn tại qua bao thế hệ mà còn phát triển mạnh mẽ, khẳng định được thương hiệu của mình trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm gỗ Vạn Điểm đã được xuất khẩu ra thế giới, không chỉ được yêu thích bởi người Việt mà còn được ưa chuộng bởi bạn bè quốc tế.

Điều này không chỉ minh chứng cho sự tài hoa của người thợ Vạn Điểm mà còn là niềm tự hào về nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Ông Hoàng Kỳ Nhẫn, nghệ nhân cao tuổi làng nghề mộc Vạn Điểm nói:

"Cái bàn tay của người thợ và ý tưởng của người thợ luôn nắm bắt thị trường và thị hiếu của người dân và biết được thị hiếu thích theo từng thời cuộc. Ví dụ chạm khảm hợp với thị hiếu của giới trẻ bây giờ thì người ta có ý tưởng hay hơn của người thợ ngày xưa nên người thợ nắm bắt được tâm tư tình cảm như thế thì mới thiết kế ra được mẫu mã. Khi thiết kế ra được trên máy tính xong làm ra thực tế thấy hợp được thì bắt đầu triển khai".

Tuy nhiên, dưới làn sóng hiện đại hóa và sự phát triển của công nghệ, nghề gỗ truyền thống cũng đang đối mặt với không ít thử thách. Việc bảo tồn và phát triển nghề gỗ Vạn Điểm không chỉ là trách nhiệm của các nghệ nhân mà còn là sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng.

Ảnh: velang.vn

Ảnh: velang.vn

Bởi lẽ, đây là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa của người Việt. Bà Quyền Thị Kim Oanh nói về kế hoạch phát triển điểm du lịch này:

"Để đảm bảo công tác du lịch của xã được đảm bảo thì trước tiên là phát huy tiềm năng sẵn có của điểm du lịch làng nghề là sản xuất đồ gỗ. Thứ hai là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng về giá trị du lịch dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm tăng thu nhập cho người lao động.

Đồng thời duy trì bảo tồn các giá trị văn hoá địa phương. Hiện nay đã thành lập các quỹ đất để phát triển làng nghề và đặc biệt là điểm du lịch làng nghề. UBND xã có đề xuất các cấp có thẩm quyền rất mong tạo điều kiện về quỹ đất để được phát triển".

Làng nghề gỗ Vạn Điểm là một câu chuyện dài về sự duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống. Những sản phẩm gỗ nơi đây không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng tâm hồn, niềm tự hào của con người Vạn Điểm, của văn hóa Việt Nam.

Mỗi món đồ gỗ là một chứng nhân lịch sử, một minh chứng cho sự cần cù, sáng tạo, và tình yêu với nghề của người dân nơi đây. Và tôi tin rằng, trong tương lai, nghề gỗ Vạn Điểm sẽ tiếp tục phát triển và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy đến mọi miền của đất nước và thế giới.

Ảnh: Tuổi trẻ và Pháp luật

Ảnh: Tuổi trẻ và Pháp luật

SỐNG Ở HÀ NỘI

Yên Phụ, một làng thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, được biết đến là làng nuôi cá cảnh nổi tiếng ở miền Bắc. Cùng với nghề nuôi cá, người dân Yên Phụ cũng rất nổi tiếng về việc sản xuất và chế tác các loại bể cá cảnh thủ công, phục vụ nhu cầu của các gia đình và thị trường thủ đô. Câu chuyện về làng nghề gây giống cá cảnh đầu tiên sẽ được kể trong bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến ngay sau đây.

Làng Yên Phụ tên cũ là Yên Hoa nay thuộc  phường Yên Phụ quận Tây Hồ. Sở dĩ Yên Hoa thành Yên Phụ vì vợ vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa sinh ra hoàng tử Miên Dung (sau là vua Thiệu Trị) được 13 ngày thì chết nên triều đình cấm dùng chữ Hoa.

Việc đổi tên xuất hiện hai luồng ý kiến, một số người  muốn lấy tên Yên Tĩnh vì tên này xưa là tên cửa ô gần làng và mong muốn làng sẽ bình yên. Một số khác lại muốn đặt là Yên Phụ. Chữ Phụ có nghĩa là một  gò đất nổi ở trên cao và cũng có nghĩa là một chỗ đông đúc dân cư, làm ăn thịnh vượng.

Ban đầu một số gọi là Yên Tĩnh nhưng sau số gọi Yên Phụ đông hơn nên cái tên Yên Phụ trở thành phổ biến. Dân Yên Phụ vẫn coi Trấn Quốc là chùa của làng, không gọi là Trấn Quốc mà gọi  Bờ Lũy. Sở dĩ gọi như vậy vì Trấn Quốc che  gió, chắn  sóng cho đất làng không bị sói lở.

Thời Hậu Lê, từ làng ra chùa Trấn Quốc có một con đường đất. Vì coi Trấn Quốc như chùa làng nên vào dịp hội làng 10-2 âm lịch người làng  vẫn tổ chức rước kiệu từ đình sang chùa Trấn Quốc lấy nước thanh tịnh về đình để tắm tượng.

Yên Phụ là làng đầu tiên ở miền Bắc nuôi cá cảnh. Nghề này bắt từ nhà ông Hương Hồi thuộc hàng khá giả ở làng. Năm 1930, trong lần đi sang Hồng Công mua giống thủy tiên, ông đã mua cá vàng về chơi, sau thấy có thể kinh doanh được ông mầy mò tìm cách cho sinh sản. Sau nhiều lần thất bại cuối cùng  ông cũng thành  công.

Ảnh: Tuổi trẻ và Pháp luật

Ảnh: Tuổi trẻ và Pháp luật

Ông Hương Hồi đặt hãng thủy tinh Thanh Đức làm cóng tròn để người chơi thả cá trong đó. Nhiều người làng cũng muốn bắt chước  nhưng khó nhất là khâu sinh sản và cuối cùng có hai người máu mặt trong làng là ông Trưởng Thành và Trưởng Hán cũng học được nghề này.

Từ cá vàng, họ sang Hồng Công mua thêm các loại mới như: kiếm, chọi, khổng tước, vạn long, mã giáp...Từ kinh nghiệm nuôi và cho cá vàng đẻ, họ mầy mò tìm ra bí quyết cho các  giống  này sinh sản nên  không phải sang Hồng Công mua giống nữa.

Năm 1948-1950, chơi cá cảnh thành phong trào ở Hà Nội rồi lan ra các thành phố lớn ở miền Bắc và Yên Phụ trở thành trung tâm cung cấp giống cá cảnh lớn nhất miền Bắc. Sợ bị mất nghề nên các gia đình  trong làng thống nhất giấu kín bí quyết để cá sinh sản, chỉ đàn ông mới được biết. Thế nhưng, một vài cô làm dâu làng Nghi Tàm cũng trộm được nghề, xúi chồng xây bể nuôi cá.

Thập niên 40 làng Nghi Tàm đã có vài nhà biết gây một số  giống cá, việc đó khiến người Yên Phụ tức tối. Nhưng sau cũng nguôi vì mang nghề cho nhà chồng, con gái Yên Phụ không bị coi thường. Sau đó 2 làng thống nhất giấu kín, vì thế nghề gây giống cá cảnh suốt một thời gian dài chỉ có ở Yên Phụ và Nghi Tàm.

Năm 1958, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và tiểu thủ công diễn ra rầm rộ khắp miền Bắc. Ở  Hà Nội, xích lô, cắt tóc, vận tải thô sơ... đều phải vào hợp tác xã nhưng các nhà nuôi cá cảnh ở Yên Phụ cho rằng nghề này có đặc thù, bí quyết sinh sàn không thể nhân rộng và các cửa hàng mậu dich quốc doanh không thể bán từng con cá vào bất cứ thời gian nào trong ngày nên việc thành lập hợp tác xã nuôi và gây giống cá cảnh không thành.

Ngày nay, Yên Phụ không còn nhà nào gây cá cảnh giống, họ nhập cá cảnh từ các nơi về để bán lẻ và bán buôn.

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 (Ảnh: VGP)

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 (Ảnh: VGP)

TIN YÊU

- Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội với thông điệp 'Hà Nội - Đến để yêu' sẽ diễn ra từ ngày 11/4 - 13/4 tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Chương trình dự kiến có 80 gian hàng được phân bổ tại nhiều không gian như: không gian trải nghiệm các điểm đến di sản; không gian trải nghiệm các làng nghề; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tinh hoa, chất lượng, quà tặng cao cấp…

- Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 được tổ chức từ 17 - 20/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Ngày hội có sự tham gia của hơn 300 người thuộc 54 thành phần dân tộc của các tỉnh, TP. Trong đó có hơn 100 nghệ nhân, đồng bào các dân tộc của 16 nhóm đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

- Vào ngày 12/4 tới (tức 15 tháng 3 Âm lịch), huyện Đan Phượng sẽ tổ chức Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội diều làng Bá Dương Nội và Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội - nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà.

- Từ ngày 18/4 đến ngày 20/4, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Khu vực quảng trường Đoan Môn), số 19C Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội, Chương trình Festival Phở 2025 sẽ diễn ra với sự góp mặt của hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu ẩm thực phở của ba miền bắc-trung-nam. Chương trình gồm nhiều hoạt động, nhiều không gian trưng bày, trải nghiệm.

- "Dạ hội Cựu Sinh viên Thủ đô" mùa thứ 2 sẽ chính thức trở lại sau 3 năm kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dịp hội ngộ của những ca sĩ, ban nhạc, là những cựu sinh viên của thập niên 90. Chương trình sẽ chính thức diễn ra vào chiều tối 12/4/2025 tại khuôn viên trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội - 19 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Thu nhập khủng, cá nhân kinh doanh xe điện trẻ em bất chấp lệnh cấm

Thu nhập khủng, cá nhân kinh doanh xe điện trẻ em bất chấp lệnh cấm

Như VOV Giao thông quốc gia đã từng đề cập về thực trạng kinh doanh xe điện trẻ em ở không gian đi bộ Hồ Gươm không chỉ gây nhếch nhác, ảnh hưởng tới bộ mặt của Thủ đô mà còn khiến người dân và du khách lo lắng.

Sở hữu hệ thống metro dài thứ ba thế giới, người dân Ấn Độ vẫn “hờ hững” với metro

Sở hữu hệ thống metro dài thứ ba thế giới, người dân Ấn Độ vẫn “hờ hững” với metro

Một nghiên cứu mới đây cho thấy 7/13 hệ thống tàu metro tại Ấn Độ đang gặp khó khăn khi thậm chí không đạt nổi 10% số lượng hành khách ước tính. Đây là một con số đáng báo động đối với những dự án tiêu tốn hàng chục tỷ rupee. Vậy điều gì đang cản trở người dân đô thị sử dụng metro?

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện thân của lòng quả cảm, ý chí sắt đá; một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Du khách đến TP.HCM dịp lễ 30/4 cần lưu ý gì khi đang vào đợt nắng nóng gay gắt?

Du khách đến TP.HCM dịp lễ 30/4 cần lưu ý gì khi đang vào đợt nắng nóng gay gắt?

Gần tới ngày 30/4 dự báo rất đông du khách trong và ngoài nước sẽ đến TP.HCM tham quan du lịch, tham dự những sự kiện lớn nhân 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thời điểm này trùng với đợt nắng nóng gay gắt của Nam bộ, thời tiết sẽ chuyển mùa kèm theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.

Người đàn ông gánh phở

Người đàn ông gánh phở

Ở phố Tống Duy Tân, có một người đàn ông vẫn ngày ngày gánh phở – không phải bằng đôi chân di chuyển, mà bằng ký ức được đúc lại trong một dáng hình.

Mỹ tăng thuế, bất động sản Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Mỹ tăng thuế, bất động sản Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Việc Mỹ tăng cường áp thuế đối ứng với nhiều nền kinh tế lớn đang khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển, kéo theo những tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản Việt Nam. Từ khu công nghiệp đến nhà ở, thương mại – mỗi phân khúc có thể đứng trước sức ép phải điều chỉnh chiến lược.

Điều gì khiến hơn 1,3 triệu thanh niên '3 không'?

Điều gì khiến hơn 1,3 triệu thanh niên "3 không"?

Một con số đáng chú ý mà Cục Thống kê vừa công bố là hiện có hơn 1,35 triệu thanh niên trong độ tuổi 15-24 không đi học, không có việc làm và cũng không tham gia đào tạo. Tỷ lệ thanh niên không đi học cũng không đi làm có xu hướng tăng lên, đang chiếm 10,4% tổng số thanh niên.