Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Từ khai thác tận thu đến làm giàu cho biển

Nguyễn Yên: Thứ bảy 10/02/2024, 11:52 (GMT+7)

Tỉnh Bình Thuận với sự ưu ái từ thiên nhiên là địa phương có nguồn lợi thủy sản lớn và là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Nhưng, từng có giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì, 2/3 ngư dân ở đây phải bỏ nghề vì nguồn lợi thủy sản cạn kiệt.

Rất may, điều kỳ diệu đã đến từ việc Bình Thuận trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước giao vùng biển ven bờ cho cộng đồng quản lý, để mỗi ngư dân chuyển từ khai thác tận thu sang làm giàu cho biển!

2

Bãi biển ven bờ xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) tấp nập thuyền thúng ra vào. Giữa không gian đó, lão ngư Phạm Cường (thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam), người khởi xướng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầu tiên của cả nước nhớ lại, nhiều năm về trước, rất nhiều ngư dân vùng biển xã Thuận Quý phải bán thuyền để chuyển nghề vì nguồn lợi hải sản cạn kiệt. Khi đó, tàu giã cào bay tiến sát bờ biển, quần nát cả vùng ven bờ. 100 m2 bờ biển nhưng không có 1 con gì sống, liên tục trong 5 năm liền.

Ông Cường khi đó xót xa chứng kiến những con sò lông nhỏ li ti bằng ngón tay bị bắt không thương tiếc: “Chính tôi cũng là người khai thác bừa bãi, người ta khai thác mà mình không khai thác thì người ta cũng khai thác hết. Khi con sò được 100 con/ 1 ký đã khai thác hết rồi, con sò sinh đầu năm thì cuối năm đã bị khai thác hết, tui thấy rất là tiếc nên tôi làm đơn cho tôi nuôi để tôi giữ vùng biển”.

Lão ngư Phạm Cường, người khởi xướng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Lão ngư Phạm Cường, người khởi xướng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2008, do chưa có cơ chế, chính sách phân cấp quản lý vùng biển ven bờ nên nguyện vọng của ông Cường chưa được đáp ứng.

Dẫu vậy, người nhận lá đơn xin nuôi sò lông là ông Huỳnh Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy sản Bình Thuận đã có nhiều trăn trở: “Khi nhận lá đơn của Phạm Cường thì thật sự tôi cảm thấy trách nhiệm của mình nó chưa hoàn thành. Bởi vì mình là cơ quan đứng ra làm nhiệm vụ đó, bảo vệ nguồn lợi, duy trì nguồn lợi nhưng mà mình làm không được để mà người dân ra ý trách mình, làm sao mình lại không được để cho họ làm.

Anh Cường muốn là giao biển cho một mình anh thôi thì cái này là luật pháp hoàn toàn không cho phép. Nên tôi phải làm một cách là bây giờ giao cho một cộng đồng ngư dân. Chưa có quy định giao một cái vùng biển cho một cộng đồng thì mình phải theo bằng mọi cách, mọi giá, tìm những quy định nào mà cho phép nhất và phù hợp nhất để mình triển khai thực hiện”.

Thế rồi, niềm đam mê, ấp ủ bấy lâu của ông Cường và ngư dân Thuận Quý đã thành sự thật khi năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định UBND cấp huyện và cấp xã được phân cấp và hướng dẫn quản lý vùng biển ven bờ; phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ.

Đầu năm 2015, với sự đồng lòng của ngư dân và quyết tâm của chính quyền địa phương, dự án "Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển” tại xã Thuận Quý được triển khai. Ông Phạm Cường cùng với hơn 50 hộ dân khác được giao quản lý, bảo vệ 16km2 mặt biển.

Các thành viên trong Tổ cộng đồng với công việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ

Các thành viên trong Tổ cộng đồng với công việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ

Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, các khối bê tông được thả xuống biển tạo thành cụm rạn nhân tạo. Bà con ngư dân sẽ lấy đó làm nơi cố định, buộc thêm những cội chà để thu hút các loài thủy sản. Hơn 100 tấn sò lông được thả xuống để phục hồi loài.

Ông Phạm Cường và các thành viên trong Hội cộng đồng ngư dân vừa tạo nơi sinh sản vừa tìm cách bảo vệ nguồn lợi thủy sản: “Lúc thành lập có quy chế, chia mỗi ngày chia tổ trực 2 người, sáng đi biển là đặt ống nhòm nhìn xem có giã cào nào hoặc lặn trái phép, khai thác lén thì điện về Kiểm ngư hoặc Biên phòng để họ đuổi đi hoặc kiểm tra, xử phạt. Còn mình ở trong Tổ cộng đồng thì chỉ khai thác con sò khoảng 30 con/ 1kg thì mới thu hoạch, còn con sò nhỏ hơn không khai thác bừa bãi”.

Sau 3 năm thực hiện, mật độ sò lông tại huyện Hàm Thuận Nam dần phục hồi, có thời điểm đạt 150 con/m2, tổng trữ lượng khoảng 100 tấn với kích cỡ từ 40-50 mm. Lượng tôm hùm, mực và cá các loại xuất hiện dày hơn; sò lông tự nhiên bắt đầu phát triển và sinh sản trở lại ở vùng biển Thuận Quý. Cùng với đó, người dân cũng dần hiểu hơn về việc bảo tồn và phục hồi nguồn lợi thủy sản.

6

Từng phải lên bờ kiếm kế sinh nhai, nay ông Ba Linh đang là Hội trưởng Hội cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Tân Thành, Bình Thuận. Ông là người vận động bà con tham gia Hội cộng đồng ngư dân của xã, dù trong những ngày đầu, khi những cụm chà đầu tiên được thả xuống để ngăn chặn tàu giã cào và làm nơi cho các loài về cư ngụ, ông gặp nhiều khó khăn, trở ngại:

“Họ ném đá, họ chửi bởi tôi làm mấy việc không đẹp cho bà con, để thả lưới rồi vướng lưới bởi mình bỏ những cục chài đó thì lưới của bà con bị hư hao, thất thoát nên họ chửi mình. Nhưng nhờ các thành viên trong Tổ cộng đồng, mình vận động họ vào thêm thì bây giờ bình yên, thành quả quá đã, có con tôm bạc trở lại, mực thì nhiều lắm, ngày xưa đi biển 1 chuyến được 300-500 nghìn, giờ một chuyến được 5-7 triệu đồng”.

Ngư dân dong thuyền ra khơi và phấn khởi sau mỗi chuyến đi biển với thuyền về đầy ắp cá

Ngư dân dong thuyền ra khơi và phấn khởi sau mỗi chuyến đi biển với thuyền về đầy ắp cá

 

8

Nếu như thời gian đầu rất nhiều người lên án việc thả cụm bê tông, cho rằng ảnh hưởng đến giao thông biển thì bây giờ ngư dân còn tự bỏ tiền làm để thả xuống biển, tái tạo nguồn tôm cá. Các hoạt động của Hội cộng đồng đã thu hút cả những ngư dân không trong hội, và nguồn lợi thủy sản dần mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân.

Ra khơi cách bờ chưa đầy 4 hải lý, neo quanh cụm chà đã thả xuống, anh Lê Xuân Huỳnh, Hội cộng đồng Ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Tân Thuận câu được hàng chục cân cá chỉ trong vài giờ đồng hồ. Với những kết quả đã có, anh luôn vững tâm, tin và làm theo những quy tắc của Tổ cộng đồng với hơn 200 thành viên đã đặt ra:

“Được giao quyền quản lý, bà con phối hợp với nhau, rất là đoàn kết, rất là tình cảm. Chia sẻ những cái tọa độ nào mà cá nhiều mực nhiều để cho anh em người ta biết người ta tới người ta làm. Cho nên từ ở chỗ đó mà bà con cộng đồng người ta càng ngày càng tham gia nhiều là vì ích lợi đó. Đoạn đường của mình đi chưa hết đâu nhưng mà cũng rất là tự hào và phấn khởi công việc mình đã làm”, anh Huỳnh nói.

7

Nói về thành công của mô hình này, ông Huỳnh Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận chia sẻ rằng, nó xuất phát từ việc mạnh dạn tìm cách làm mới, khi cách làm cũ không còn hiệu quả và quá tải:

“Bây giờ sau khi xong xuôi hết thành công hết rồi, nhìn lại vẫn sợ tại sao lúc đó mình liều thế. Mình làm những cái mà quy định không có. Nhưng mà người dân đã nói một điều rất đúng, đó là nguồn lợi đang suy giảm một cách nguy hiểm và họ là những người người dân trực tiếp, người ta còn tiếc nuối. Mình cơ quan nhà nước mình không có làm được cái đó thì mình xấu hổ lắm. Và trách nhiệm đó buộc mình phải làm. Cả một cái làng chài này ở Hàm Thuận Nam này người ta cảm thấy đổi đời kiếm được tiền một cái thúng như vậy làm gì đó, một tháng kiếm được năm, bảy chục triệu, họ cảm thấy quá thích và họ đến họ cảm ơn mình, mình nghe mình thấy sướng lắm, hạnh phúc lắm”

Những lão ngư ở làng biển Cây Găng, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam như ông Nguyễn Văn Bảy giờ đây không còn đi biển và không nhận bất cứ khoản thù lao nào khi tham gia trong Tổ cộng đồng, nhưng hàng ngày họ vẫn bền bỉ với công việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ bởi một lý do giản dị: “Tôi nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm tham gia Tổ cộng đồng chứ để để ngày mai con cá, con ghẹ nó mất đi cháu tôi hỏi “ông ngoại ơi con cá, con ghẹ nó ra sao”. Tôi đâu biết đường giải thích. Thành thử ra, tôi tâm huyết, tôi phải vô cái hội cộng đồng này để bảo vệ cái nguồn lợi thủy sản cho con cháu sau này”.

9

Khi nguồn lợi thủy sản ven bờ được quản lý, sản lượng tăng cao, bà con ngư dân Hàm Thuận Nam tự tin dong thuyền ra khơi và phấn khởi sau mỗi chuyến đi biển với thuyền về đầy ắp cá.

Còn những đáy biển biển được hồi sinh nhờ người dân được giao quyền, chủ động bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Nó cũng là minh chứng cho lòng dũng cảm của những ngư dân và cán bộ quản lý dám nghĩ, dám làm và không nản chí trước khó khăn để cho ra đời mô hình giao biển cho ngư dân tự quản lý.

Để đến nay, các dự án quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng vẫn đã và đang góp phần giữ gìn, phục hồi hệ sinh thái biển và mỗi ngư dân luôn có sinh kế bền vững...

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?

Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?

Thời gian gần đây, một số dư luận truyền tai nhau “mẹo” thuê bằng lái để đối phó phạt nguội, nhất là với những lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến mức bị tước giấy phép lái xe. Vậy, có những lổ hổng nào dẫn tới tình trạng này và cần bịt những lổ hổng này thế nào?

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong đó, ban soạn thảo đã đề xuất nội dung, điều kiện và mức hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng như người tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đòi hỏi phài có các dự án xanh và cần các nguồn tín dụng xanh.

Hà Nội sống và yêu: Bắc - Nam nối liền một dải

Hà Nội sống và yêu: Bắc - Nam nối liền một dải

49 đã đi qua, một Việt Nam thống nhất chan hòa tình Bắc Nam vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người Hà Nội hướng về miền Nam ruột thịt. Xen lẫn với ngỡ ngàng, ngây ngất của niềm vui chung… là những mong chờ khắc khoải của các gia đình có con, có chồng, có người thân đi chiến trường.

Để phạt nguội xe máy, cần nhiều thay đổi quyết liệt

Để phạt nguội xe máy, cần nhiều thay đổi quyết liệt

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị phạt nguội với xe máy nhằm cải thiện hành vi của người đi xe máy, từ đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Việc này thể hiện quyết tâm rất cao của ngành GTVT trước khối lượng xe máy khổng lồ tại Việt Nam.

Đi chơi dịp Lễ bằng xe buýt, tàu điện có gì thú vị?

Đi chơi dịp Lễ bằng xe buýt, tàu điện có gì thú vị?

Dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5 năm nay, thời tiết Hà Nội và phần lớn các địa phương đều nắng nóng với nền nhiệt lên tới 39-40 độ C. Trong bối cảnh đó, nhiều người đã lựa chọn đi chơi, du ngoạn bằng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân.

Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Năm 2024, bên cạnh mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, ngành du lịch cũng kỳ vọng phục vụ 110 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản lớn, bởi chi phí di chuyển bằng đường hàng không có thể chiếm tới 50% giá tour.