Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Truy quét hàng giả, sau cao điểm là gì?

Minh Hiếu: Thứ hai 26/05/2025, 06:06 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương mở đợt cao điểm truy quét hàng giả, trong bối cảnh hàng trăm tấn sữa giả, thực phẩm giả, thuốc giả đã bị phát hiện chỉ trong những tháng đầu năm.

Đây đều là những sản phẩm mà người tiêu dùng ăn uống trực tiếp mỗi ngày. Những “lỗ hổng” nào tạo cơ hội cho thực phẩm giả tràn lan? “Liều thuốc” nào trị tận gốc để hàng giả không tái sinh sau mỗi lần truy quét?

Ông Lê Công Thành, ở Gia Lâm, Hà Nội đã chuyển mua nhiều loại hàng hóa từ cửa hiệu gần nhà sang siêu thị khoảng một tháng nay. Dù đi xa hơn nhưng gia đình ông cảm thấy yên tâm: "Đến thực phẩm chức năng còn làm giả thì bây giờ không biết thế nào. Siêu thị đắt hơn ở ngoài nhưng đặt niềm tin hơn phần nào. Mong Chính phủ xóa được nạn hàng giả để người dân yên tâm".

Trong tháng 4, dư luận đã rúng động bởi nhiều thông tin hàng giả quy mô lớn bị triệt phá. Đó là đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với 573 nhãn hiệu dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận; hay đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với tổng khối lượng lên đến 10 tấn ở Thanh Hóa;…

Con số 200 tấn sữa giả, gần 80 tấn thực phẩm giả và hàng chục nghìn hộp thuốc giả được phát hiện trong 4 tháng đầu năm là đáng báo động cả về quy mô lẫn tính chất nguy hiểm (Ảnh: VOV)

Con số 200 tấn sữa giả, gần 80 tấn thực phẩm giả và hàng chục nghìn hộp thuốc giả được phát hiện trong 4 tháng đầu năm là đáng báo động cả về quy mô lẫn tính chất nguy hiểm (Ảnh: VOV)

Tất cả người tiêu dùng đều ủng hộ đợt cao điểm truy quét hàng giả đang được triển khai và mong các lực lượng chức năng duy trì lâu dài:

"Tôi hoàn toàn ủng hộ, mình phải kiểm tra thường xuyên, liên tục, phải quy trách nhiệm rõ ràng. Công chức tiếp tay cho hàng giả thì phải xử lý thật nghiêm công chức".

"Em cũng hoang mang vì nhà em có hai bé đang dùng sữa. Em mong các cơ quan chức năng có nhiều hành động cụ thể hơn, tích cực hơn, thường xuyên kiểm tra tần suất nhiều hơn".

"Cùng với việc đưa ra các biện pháp phòng, chống thì tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phải đưa giáo dục đạo đức vào trong môi trường học đường".

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó chủ tịch HĐQL Quỹ Chống hàng giả (ACF), con số 200 tấn sữa giả, gần 80 tấn thực phẩm giả và hàng chục nghìn hộp thuốc giả được phát hiện trong 4 tháng đầu năm là đáng báo động cả về quy mô lẫn tính chất nguy hiểm, khi đây mới là phần nổi của “tảng băng chìm”. Nhiều lỗ hổng đang tạo điều kiện cho hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành, trở thành một “vết thương hở” của nền kinh tế:

"Thứ nhất, chế tài của pháp luật chưa đủ sức răn đe. Trong khi lợi nhuận từ hàng giả có thể đạt từ 300 - 500% thì mức phạt hành chính tối đa chỉ là 100 - 200 triệu đồng. Nhiều đối tượng coi đây là “chi phí” kinh doanh và sẵn sàng nộp phạt. Như vụ án sữa giả ở Đồng Nai vào tháng 3/2025, đối tượng cầm đầu khai nhận đã bị xử phạt 3 lần trước đó.

Thứ hai là sự thiếu đồng bộ trong công tác quản lý. Hiện có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý về ATTP nhưng thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả. Thứ ba, công tác hậu kiểm còn yếu và thiếu đột phá về công nghệ, đặc biệt trong thương mại điện tử.

Thứ tư là sự thông đồng giữa các khâu trong chuỗi cung ứng. Vụ sữa giả cho trẻ sơ sinh ở một số bệnh viện lớn vừa qua là minh chứng đáng báo động khi có sự tiếp tay của cả nhân viên y tế. Thứ năm là ý thức, năng lực phân biệt hàng thật, hàng giả của người tiêu dùng còn hạn chế".

Việc cấp phép phải đi kèm hậu kiểm thường xuyên, có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt là y tế, công thương và công an (Ảnh: Quản lý thị trường)

Việc cấp phép phải đi kèm hậu kiểm thường xuyên, có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt là y tế, công thương và công an (Ảnh: Quản lý thị trường)

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng làm “nóng” nghị trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Các đại biểu đã chỉ ra thực tế như sữa, thực phẩm chức năng, doanh nghiệp được tự công bố thông tin về thành phần, xuất xứ, không cần cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm nghiệm, xác nhận trước khi đưa ra thị trường. Hay nền tảng thương mại điện tử TikTok shop năm 2024 xuất hiện nhiều quảng cáo mỹ phẩm, hàng hóa kém chất lượng nhưng chậm gỡ bỏ, không có xử lý.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp), cần đổi mới tư duy quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm:

"Tiền kiểm không kiểm, hậu kiểm lại lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ KH&CN, Bộ NN&MT, Bộ Công thương, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cơ quan chức năng bắt giữ nguyên Cục trưởng Cục ATTP thì cả nước rất hoan nghênh, nhưng một số người cho rằng như thế là bắt trễ đấy. Cho nên việc xử lý là cần thiết để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng".

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Hậu, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, lỗ hổng lớn nhất cần bịt sớm là quản lý, từ khâu cấp phép kinh doanh đến giám sát tại địa phương, để tạo ra nền sản xuất bền vững, tránh làm ảnh hưởng các đơn vị làm ăn chân chính:

"Sau mỗi đợt truy quét thì mình cần có sự duy trì. Rất nhiều chương trình mình đưa ra, thực hiện rất tốt nhưng sau đó không có sự duy trì, sau một thời gian nó lại nổi lên. Đã truy quét thì phải có hình thức xử phạt thật nặng, phải mang tính “triệt”, cho những người có ý định không dám làm nữa.

Một vấn đề nữa là mình cần xem lại đạo đức, tư cách của những người “cầm cân nảy mực”. Có phạt thì phải có thưởng, người nào phát hiện những cơ sở sản xuất hàng giả thì mình có mức thưởng, như thế sẽ có hiệu quả".

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài đề xuất thêm những biện pháp tổng thể, mạnh mẽ và đồng bộ để đẩy lùi hàng giả:

"Chúng ta cần sửa đổi ngay Nghị định 98/2020 để tăng mức phạt hành chính tương xứng lợi nhuận bất chính; bổ sung điều khoản “tái phạm” trong Bộ luật Hình sự với điều khoản nghiêm khắc hơn; đóng băng tài sản với đối tượng tình nghi sản xuất hàng giả trong thời gian điều tra, ngăn tẩu tán tài sản thu lợi bất chính.

Nên chăng chúng ta thành lập ủy ban quốc gia về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan này có quyền điều phối liên ngành, tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm. Chúng ta cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng giả, sử dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc, tích hợp AI nhận diện bao bì, cho phép người dân kiểm tra và tố giác hàng giả ngay trên điện thoại của mình".

Ứng dụng công nghệ phải trở thành ''vũ khí'' chủ lực trong cuộc ''chiến chống'' hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thời đại công nghệ số (Ảnh minh họa)

Ứng dụng công nghệ phải trở thành ''vũ khí'' chủ lực trong cuộc ''chiến chống'' hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thời đại công nghệ số (Ảnh minh họa)

Đợt cao điểm truy quét hàng giả đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai trên toàn quốc nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân, nhất là sau những vụ sữa giả, thực phẩm giả, thuốc giả gây xôn xao dư luận.

Cao điểm truy quét là cần thiết, như một “liều thuốc cấp” cho căn bệnh đã lan rộng. Tuy nhiên, để trị tận gốc, thị trường cần một liều thuốc đặc hiệu, đủ mạnh, đủ sâu, đủ lâu dài để bệnh không tái phát nặng hơn sau thời gian ẩn mình.

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận : “Liều thuốc” thật cho “căn bệnh” hàng giả

Chúng ta đang sống trong một thị trường nhiều hàng giả hơn tưởng tượng. Từ hộp sữa dành cho trẻ em, gói bột nêm trong căn bếp, đến viên thuốc cho người già,… tất cả có bao bì chẳng khác gì chính hãng, tem nhãn đầy đủ.

Nhưng bên trong có thể là hỗn hợp không rõ nguồn gốc, thậm chí là chất cấm, đi thẳng vào miệng người tiêu dùng mỗi ngày. Đó không chỉ là gian lận thương mại đơn thuần mà đó là tội ác, nơi lợi nhuận được đặt cao hơn sức khỏe và tính mạng, nơi lòng tham có đất sống bởi những lỗ hổng từ cơ chế quản lý.

Nhiều doanh nghiệp “ma” mọc lên như nấm, chỉ cần một mã số thuế, một giấy phép kinh doanh là có thể dựng “nhà máy” sản xuất thuốc trị ung thư từ… bột than tre. Các cơ quan quản lý địa phương thì thiếu cả nhân lực và công nghệ giám sát hiện đại, việc kiểm tra chủ yếu mang tính thủ công, bị động, thiếu hậu kiểm, thiếu kiểm soát những gì tồn tại sau giấy phép ban đầu.

Tệ hơn, chính cán bộ quản lý lại tiếp tay hoặc làm ngơ cho sai phạm. Thông tin nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bị khởi tố không chỉ là cú sốc về niềm tin, mà còn là lời cảnh tỉnh về những “mắt xích” then chốt bảo vệ sức khỏe cộng đồng đang bị hoen gỉ.

“Căn bệnh” hàng giả càng trở nên trầm kha trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, nơi người tiêu dùng quen với sự tiện lợi, giá rẻ, hoặc sính ngoại, tin vào thần tượng,… và trở thành “con mồi” béo bở lúc nào không hay.

Trong khi đó, chế tài xử lý còn quá nhẹ so với mức độ nguy hiểm của tội phạm. Một doanh nghiệp bị phạt vài trăm triệu đồng, đóng cửa nhưng vẫn có cơ hội mở lại với tên gọi khác. Còn người tiêu dùng, nhất là những người đang “vái tứ phương” có thể không còn cơ hội sống tiếp.

Người dân không chỉ đợi các đợt truy quét như lau sạch lớp bụi bám trên bề mặt. Họ mong chờ một “liều thuốc” đặc trị, như đã đề cập: đủ mạnh, đủ thấm sâu và đủ lâu dài, không chỉ tiêu diệt mà còn khiến hàng giả không dám tái sinh. Để kê được liều thuốc ấy, rất cần tinh thần trách nhiệm từ nhiều cơ quan quản lý có liên quan.

Trước hết, phải siết chặt từ đầu nguồn, chính là khâu cấp phép và giám sát hoạt động doanh nghiệp. Không thể để những ngành nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, như sản xuất thực phẩm, thuốc men bị đối xử như những ngành kinh doanh phổ thông. Việc cấp phép phải đi kèm hậu kiểm thường xuyên, có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt là y tế, công thương và công an.

Song song với siết chặt cần nâng khung hình phạt với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan sức khỏe con người. Hành vi đầu độc cộng đồng không thể chỉ xử lý như vi phạm hành chính khác. Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm phải bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn, ngăn chặn người điều hành tái kinh doanh dưới một vỏ bọc mới.

Truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh đa nền tảng để người tiêu dùng được nâng cao cảnh giác và kiến thức nhận diện sản phẩm, từ bỏ tâm lý ham rẻ, sính ngoại, chuộng lời quảng

Truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh đa nền tảng để người tiêu dùng được nâng cao cảnh giác và kiến thức nhận diện sản phẩm, từ bỏ tâm lý ham rẻ, sính ngoại, chuộng lời quảng

Cơ chế giám sát độc lập cũng cần được thiết lập bên cạnh nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Đó là những tổ chức kiểm định, thanh tra độc lập, báo cáo trực tiếp với Chính phủ và Quốc hội. Bởi những sai phạm của vị nguyên Cục trưởng vừa qua có thể là phần nổi của tảng băng chìm, không thể yên tâm giao “chìa khóa” cho những người mà xã hội không thể giám sát.

Đồng thời, cần một cuộc rà soát tổng thể các lực lượng thực thi công vụ. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt nghi vấn “không còn ý chí chiến đấu” hoặc có tiêu cực, khi buôn lậu và sản xuất hàng giả quy mô lớn mà cơ quan chức năng không phát hiện.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ phải trở thành “vũ khí” chủ lực trong thời đại công nghệ số, soi sáng những góc tối mà kiểm tra thủ công không thể chạm tới. Mỗi sản phẩm, đặc biệt là những thứ người dân ăn uống mỗi ngày, cần có mã định danh truy xuất nguồn gốc, được theo dõi từ nguyên liệu đến tay người dùng. Blockchain và AI không còn là công nghệ xa vời nếu cơ quan quản lý có đủ quyết tâm để ứng dụng một cách đồng bộ.

Và cuối cùng, truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh đa nền tảng để người tiêu dùng được nâng cao cảnh giác và kiến thức nhận diện sản phẩm, từ bỏ tâm lý ham rẻ, sính ngoại, chuộng lời quảng cáo “có cánh”,… để biết cách tự bảo vệ chính mình.

Thị trường thực phẩm, thuốc men không chỉ là hàng hóa, nó là câu chuyện của đạo đức, sinh mệnh và giống nòi. Một xã hội không thể khỏe mạnh nếu người dân sống trong nỗi hoang mang rằng bữa ăn hôm nay có chứa chất độc hay không.

Hàng giả có thể bị truy quét, nhưng nếu không có một cơ chế “kháng sinh” đủ mạnh thì nó sẽ tái sinh, thậm chí kháng thuốc. Và lúc đó, thứ bị đầu độc không chỉ là thể xác mà cả niềm tin vào cơ quan quản lý.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cần chấn chỉnh những chuyến đi “học tập kinh nghiệm” không đúng lúc

Cần chấn chỉnh những chuyến đi “học tập kinh nghiệm” không đúng lúc

Gần đây, một vài địa phương tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm, tuy nhiên những chuyến đi này khó có cơ hội để áp dụng vào thực tiễn quản trị ở địa phương nên đã tạo ra nhiều ý kiến trong dư luận xã hội.

Phân làn mới trên cầu Phú Mỹ, có hạn chế ùn tắc?

Phân làn mới trên cầu Phú Mỹ, có hạn chế ùn tắc?

Những ngày qua, sau khi điều chỉnh phương án phân luồng giao thông qua khu vực cầu Phú Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp lưu thông trật tự hơn. Tuy nhiên, thực tế tình trạng ùn ứ không những không được cải thiện mà còn có dấu hiệu nặng hơn trước, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Con đường gốm sứ đạt kỷ lục Guinness có đang bị bỏ quên?

Con đường gốm sứ đạt kỷ lục Guinness có đang bị bỏ quên?

Vốn là công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên, sau nhiều năm “con đường gốm sứ” đã xuống cấp trầm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan của Thủ đô.

Cấm quảng cáo mỹ phẩm gắn với hình ảnh bác sĩ, cấm ngôn từ điều trị, phóng đại, khẳng định vượt trội

Cấm quảng cáo mỹ phẩm gắn với hình ảnh bác sĩ, cấm ngôn từ điều trị, phóng đại, khẳng định vượt trội

Theo đó, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm chịu trách nhiệm về nội dung do cơ sở quảng cáo đối với sản phẩm mỹ phẩm do chính cơ sở kinh doanh và không phải xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm với cơ quan quản lý.

Chợ bạc tỷ ở Hà Nội: Hoang tàn, biến thành… bãi rác

Chợ bạc tỷ ở Hà Nội: Hoang tàn, biến thành… bãi rác

Tốn tới hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng thế nhưng chợ Xuân Phương và chợ Phúc Lý đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Bị bỏ hoang trong thời gian dài đã khiến những khu chợ này trở nên xuống cấp, nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị.

Hải Dương mới thu thập được 78% số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở

Hải Dương mới thu thập được 78% số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở

Liên quan công tác thu thập thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, thửa đất của hộ gia đình, cá nhân, hiện các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương mới thực hiện được gần 420.000 trong tổng số hơn 532.000, đạt tỷ lệ 78,6%.

Lượng thí sinh thi vào lớp 10 tại Hải Dương tăng gần 26% so với năm trước

Lượng thí sinh thi vào lớp 10 tại Hải Dương tăng gần 26% so với năm trước

Toàn tỉnh Hải Dương có gần 29.000 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025-2026.