Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

TP.HCM: Người dân bất an với hiện tượng sạt lở

Trọng Nghĩa: Thứ bảy 12/08/2023, 20:38 (GMT+7)

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 5km, bán đảo Thanh Đa rộng 635 ha được bao quanh bởi sông SG và kênh Thanh Đa, nhưng những ngày gần đây người dân sống quanh khu vực luôn trong tâm trạng nơm nớp nỗi lo sợ khi bờ kênh bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều căn nhà dường như có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Nguyên nhân đã được Sở GTVT xác định đến từ việc xuống cấp của đoạn kè, kèm theo vấn đề xây dựng xung quanh làm tăng tải trọng. Vậy trong thời gian tới lực lượng chức năng có giải pháp gì trước thực trạng này?

Theo khảo sát của PV VOV Giao thông, khoảng 120m dọc bờ kênh Thanh Đa, đoạn chân cầu Kinh thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM bị nghiêng hẳn về phía mặt kênh. Nền bên trong bờ sụt lún khoảng nửa mét so với mặt đường.

Nhiều căn nhà tại khu vực sạt lở bị nứt, xé tường, dưới nền móng không còn đất để lộ ra phần sắt, thép… nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đi dọc theo tuyến bờ kênh các vết nứt ở nền đất tiếp tục kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều ngôi nhà tại khu vực sạt lở dưới nền móng không còn đất để lộ ra phần sắt, thép…

Nhiều ngôi nhà tại khu vực sạt lở dưới nền móng không còn đất để lộ ra phần sắt, thép…

Sinh sống hơn 50 năm tại đây, gia đình ba thế hệ bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh 68 tuổi vẫn cố gắng bám trụ lại căn nhà ở khu vực sạt lở, một phần vì vướng bận cháu nhỏ, phần khác vì nhà của bà Ánh có 2 phần riêng biệt. Khu vực sạt lở chỉ ảnh hưởng một khu vực làm bằng gỗ, còn phần nhà còn lại không ảnh hưởng. Bà Ánh chia sẻ:

"Tôi về bên chồng rồi ở đây là hơn 50 năm rồi. Hồi trước nó như sông thì sạt lở chút thôi, bây giờ mới thấy nó sạt nhiều. Thấy nó con nhỏ quá tôi mới xin cho ở lại vì tôi cũng không lên chung cư được. Vợ chồng nó đi lên chung cư không được, nếu nó đi thì con ai giữ, cho nên vì chỗ đó tôi xin ở lại, không có đi được."

Cách nhà bà Ánh không xa là căn nhà với 8 thành viên của gia đình ông Nguyễn Vọng Các. Ông cho biết đây là vụ sạt lở lần thứ 4 và cũng là lần thiệt hại nhiều nhất. Tuy chính quyền địa phương đã vận động di dời đến chung cư tái định cư số 4 Phan Chu Trinh (phường 12, quận Bình Thạnh) thế nhưng vì vợ chồng ông đang làm nghề buôn bán nên không thể di dời theo đề xuất của chính quyền. Ở dưới căn nhà có thể đổ ập bất cứ lúc nào ông Các lo lắng.

"Làm bờ kè này thì mình thấy cũng được không đến nỗi nhưng mà thời gian sau thì nó sạt, lần này đã là lần thứ 4 mà lần này là nặng hơn hết. Nếu chính quyền kêu mình đi hỗ trợ tiền mướn nhà thì mình mướn gần đây còn nếu mình đi lên chung cư thì không thích hợp với đời sống, vì mình còn phải buôn bán”.

Chính quyền địa phương đã chủ động hỗ trợ di dời tài sản, đảm bảo an toàn cho người dân

Chính quyền địa phương đã chủ động hỗ trợ di dời tài sản, đảm bảo an toàn cho người dân

Trước cảnh người dân đang bị đe dọa đến cuộc sống từng ngày khi vị trí sạt lở ngày càng nghiêm trọng, xoáy sâu vào nơi ở của từng hộ dân, phía chính quyền địa phương đã chủ động hỗ trợ di dời tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người.

Ông Phạm Văn Tồn, Chủ tịch UBND Phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, hiện địa phương đã tiến hành di dời khẩn cấp 15 hộ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra phía địa phương cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có phương án tái lập lại hiện trạng ban đầu: “Về phía chính quyền địa phương thì chúng tôi nhanh chóng cho di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở. Bên cạnh đó thì Quận ủy, Ủy ban quận cũng đã tổ chức các đoàn đến thăm, động viên và cũng như đã gửi những cái phần quà cho bà con để bà con ổn định. Chúng tôi cũng kiến nghị các cấp lãnh đạo thành phố, quận nhanh chóng triển khai khắc phục cái việc sạt lở để người dân về ổn định cuộc sống”

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, tuyến kè bảo vệ bờ kênh Thanh Đa (Đoạn 1.1) qua phường 25 có chiều dài 478m và bề rộng mặt kè 3,5m. Công trình này được đưa vào sử dụng năm 2008, đến nay đã 15 năm.

Tại thời điểm xảy ra sụt lún là mùa mưa bão, kết hợp với việc không có hệ thống thoát nước trong khu vực dân cư sau kè dẫn đến nước thoát chậm, ngập úng làm cho đất phía sau kè bão hòa nước, gây ra chênh mực nước lớn khi triều xuống, làm gia tăng áp lực ngang lên kè.

Tuyến kè bảo vệ bờ kênh Thanh Đa (Đoạn 1.1) qua phường 25 được đưa vào sử dụng năm 2008, đến nay đã 15 năm

Tuyến kè bảo vệ bờ kênh Thanh Đa (Đoạn 1.1) qua phường 25 được đưa vào sử dụng năm 2008, đến nay đã 15 năm

TP.HCM đã dành nguồn vốn khoảng 150 tỷ để Sở GTVT, Trung tâm quản lý đường thủy và các đơn vị tư vấn đang tổ chức khảo sát, đánh giá những điểm tiếp tục có nguy cơ sạt lở trên địa bàn.

“Thực tế thời gian vừa qua cái việc biến đổi khí hậu thay đổi về dòng chảy, nó có ảnh hưởng khá rõ nét đến TP.HCM như câu chuyện của Thanh Đa vừa rồi, cho nên thành phố cũng đã quyết định dành nguồn vốn cụ thể khoảng 150 tỉ để Sở GTVT và Trung tâm quản lý đường thủy cũng như các đơn vị tư vấn đang tổ chức khảo sát, đánh giá những điểm tiếp tục có nguy cơ và chú ý đến lại các công trình phục vụ, đảm bảo cho cuộc sống của người dân”, ông Bùi Hòa An nói.

Ngoài vị trí sạt lở tại Kênh Thanh Đa, TP. HCM còn có 31 điểm sạt lở khác trên địa bàn. Ông Bùi Hòa An cho biết, phía thành phố đã có những dự án khắc phục, hiện các đơn vị đang triển khai thi công tại những vị trí nguy hiểm: "32 vị trí đặc biệt nguy hiểm và thống kê những năm qua thì hiện nay đều đã có dự án khắc phục cái sạt lở rồi do Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố làm chủ đầu tư và đang triển khai thi công ở các vị trí đó."

Hiện TP.HCM đang vào mùa mưa, kết hợp với triều cường tăng cao. Điều này sẽ khiến cho khu vực bị sạt lở bị tác động ngày một nhiều hơn. Nếu không có biện pháp kịp thời thì không chỉ bờ kênh Thanh Đa mà những điểm sạt lở khác trên địa bàn thành phố có thể đổ ập xuống lòng kênh bất cứ lúc nào.

Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn