Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

TP.HCM làm gì để giải “bài toán” tăng trưởng 2 con số

Huy Hoàng - Nhất Hoàng - Diễm Thúy: Thứ sáu 07/02/2025, 15:20 (GMT+7)

Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%, đồng thời hoàn thành và vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, trong năm 2025, thành phố sẽ huy động ít nhất 600.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách khoảng 112.000 tỷ đồng, huy động các nguồn vốn xã hội khoảng 488.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, đây là một mục tiêu rất cao vì đã từ rất lâu, thành phố chưa đạt được mức tăng trưởng này. Nhưng điều này không có nghĩa là không thể đạt được. 

THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI ĐỂ BỨT PHÁ

Năm 2024, TP.HCM đã đạt được những thành tựu đáng kể trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng ước đạt 7,17%, cho thấy sự phục hồi và phát triển ổn định của nền kinh tế thành phố. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng, phản ánh sức mua và nhu cầu tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Ngành du lịch cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng; ngành công nghiệp và xây dựng cũng tăng so với cùng kỳ năm trước…

Năm 2024 cũng ghi nhận mức thu ngân sách kỷ lục của TP.HCM đạt hơn 508.000 tỷ đồng. Một kết quả nữa là thành phố đã tập trung tháo gỡ các tồn đọng, vướng mắc; và nhất là rất nhiều dự án đã được khởi động lại, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024. Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) kinh tế TP.HCM trong năm 2024 đã có những điểm sáng tích cực.

“Trong năm 2024, lần đầu tiên chúng ta thấy cái giải ngân đầu tư công cũng tốt hơn so với những năm gần đây, rồi tăng trưởng kinh tế cũng có những cái đà tăng trưởng tốt, đóng góp tốt vào đà tăng trưởng chung của cả nước. Đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của TP.HCM thì ở 1 góc độ nào đó đã có mức tăng trưởng tốt trong năm 2024”.

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

Bước sang năm 2025, khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại thành phố đang khá lạc quan về triển vọng sản xuất kinh doanh, kinh tế khởi sắc. Sau một giai đoạn đầy thách thức, các tín hiệu tích cực từ thị trường trong và ngoài nước đang mở ra nhiều cơ hội.

Đây là thời điểm để cộng đồng doanh nghiệp thành phố khẳng định vị thế, sẵn sàng bứt phá trong quý I/2025. Theo tiến sỹ Ngô Minh Hải (Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM), khu vực dịch vụ là động lực chính cho tăng trưởng TP.HCM trong năm 2025.

“Trong 9 khối ngành về dịch vụ thì có những khối lớn mà có thể tăng trưởng, thứ nhất là khối thương mại dịch vụ, thứ 2 là khối về logistic, thứ 3 là khối về tài chính ngân hàng. Thì 3 khối đó có những dấu hiệu rất là tốt. Ví dụ như là logistic và những dự án của thành phố thì TP.HCM cũng đã bắt đầu khởi sắc và trở thành trung gian trung chuyển của toàn bộ nên kinh tế của khu vực”.

Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%, đồng thời hoàn thành và vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, đây là một mục tiêu đòi hỏi sự bứt phá mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực. Để hiện thực hóa khát vọng này, thành phố đã vạch ra những chiến lược phát triển trọng điểm.

Trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TP HCM cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên đầu tư vào các công trình hạ tầng trọng điểm. Ngoài ra, TP.HCM còn tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số….

“Chúng ta biết rằng là việc ách tắc giao thông, ngập úng… nó cũng đang gây 1 cái khó khăn trở ngại cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Vì thế việc đẩy nhanh tiến độ và khả năng giải ngân đầu tư công. Rồi những chính sách đổi mới của Chính phủ cho TP.HCM tự giải quyết, tự quyết định những công trình, những dự án cần thiết để cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sống. Và đáp ứng những yêu cầu, tạo ra những động lực để TP.HCM không chỉ là tăng trưởng năm 2025 mà có thể tạo tiền để phát triển trong giai đoạn 2026-2030”.

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Trúc Vân (Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), phân tích, năm 2024, nền kinh tế TP.HCM tuy có nhiều điểm sáng nhưng có một số yếu tố làm đà tăng trưởng thành kinh tế thành phố xuống, ví dụ như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công khó khăn và thu hút vốn đầu tư FDI cũng chưa phục hồi, một số các hoạt động về thành lập doanh nghiệp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố phải đạt hai con số sẽ rất thách thức và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

“Trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới và kinh tế của thành phố như vậy thì việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng hai con số của năm 2025 mà Chính phủ đã đặt ra đối với Thành phố Hồ Chí Minh thật sự rất là thách thức và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và các cải biến mạnh mẽ về thể chế, chính sách cũng như là đột phá về cấu trúc kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đầu tư và khai thác tốt các tiềm năng nội tại và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế".

Tuy có nhiều thách thức, nhưng theo ThS Nguyễn Trúc Vân để đạt được mục tiêu này, TP.HCM cần tập trung đồng bộ hàng loạt giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm.

Trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần thực hiện có chọn lọc, nhất là các dự án công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng... Kết nối với khu vực trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

Ngoài ra, TP.HCM cần triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng và xúc tiến thương mại trong nước. Sớm triển khai thực hiện Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố, đặc biệt phải nỗ lực thực hiện đảm bảo tiến độ các công trình, dự án đầu tư công.

“Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ: tập trung xây dựng các nền tảng tích hợp hiệu quả chính quyền số và đô thị thông minh; phát triển các nền tảng kinh tế chia sẻ trong tiêu dùng và sản xuất; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số có tính ứng dụng cao; phát triển các không gian cho khu vực nông nghiệp - công nghiệp - thương mại để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng TPHCM trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo”.

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

TĂNG TRƯỞNG 2 CON SỐ - DỄ HAY KHÓ?

Nhìn lại những gì đã diễn ra trong năm 2024 và các năm đầu nhiệm kỳ vừa qua, có thể thấy kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã phải đối mặt với vô số thách thức khách quan như đại dịch Covid-19, tình hình địa chính trị thế giới chuyển biến phức tạp, thiên tai khốc liệt….

Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không thể lớn hơn, TP.HCM đã cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng, qua đó giúp Việt Nam lọt top những nền kinh tế phát triển ấn tượng những năm qua.

Khách quan mà nói, TP.HCM những năm qua chưa thể giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn quen thuộc về thể chế, thủ tục hành chính, cơ chế thu hút đầu tư hay giải ngân vốn đầu tư công…

Việc địa phương này liên tục nằm ngoài top 10 tỉnh thành có chỉ số cải cách hành chính cũng như tình trạng “đủng đỉnh đầu năm, vội vã cuối năm” trong giải ngân vốn đầu tư công đã cho thấy những điểm yếu chí mạng mà TP.HCM cần vượt qua nếu muốn quay lại cuộc đua tăng trưởng hay muốn tìm lại vị thế đầu tàu kinh tế của đất nước.

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

Không chỉ vậy, việc xuất hiện 1 số yếu tố khách quan trong đó có việc thực thi quyết liệt Nghị quyết 18 của Bộ Chính Trị về đổi mới , sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng là lý do khiến nhiều người tỏ ra thận trọng khi đánh giá mục tiêu tăng trưởng của TP.HCM năm 2025.

Ở chiều ngược lại, không ít ý kiến cho rằng TP.HCM có đủ cơ sở để có thể hoàn thành thậm chí có thể làm tốt hơn mục tiêu tăng trưởng 2 con số khi các căn cứ đặc biệt quan trọng đã được thông qua như Nghị quyết 98 của Quốc hội, Luật đất đai mới, Đồ án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, Đồ án quy hoạch chung Tp.Thủ Đức đến năm 2040…

Ngoài ra, nhàng loạt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trọng điểm đã, đang và sẽ được thúc đẩy triển khai hết sức khẩn trương trong năm 2025 cho thấy một tâm thế hết sức chủ động của chính quyền TP.HCM.

TP.HCM giai đoạn hiện nay được ví như chiếc lò xo được nén gần đến mức cực đại. Điều quan trọng lúc này chính là sự quyết tâm, đòng lòng của cả hệ thống chính trị, cũng như tinh thần dũng cảm dám làm dám chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực thi công vụ. Chỉ có vậy thì mục tiêu tăng trưởng 2 con số của TP.HCM mới có thể hoàn thành.

Huy Hoàng - Nhất Hoàng - Diễm Thúy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Hành vi nguy hiểm này không chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho chính cháu bé và những người xung quanh. Ngay sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã mời người đàn ông lên làm việc và ra quyết định xử phạt lên đến 30 triệu đồng.

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Người dân cũng rất băn khoăn về lộ trình di chuyển công ty Công ty Cổ phần Dệt Hà Nội và một số cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nằm giữa khu dân cư đông đúc của Hà Nội sẽ được thực hiện như thế nào?

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Thính giả Tống Minh (Hà Nội) hỏi: "Tôi có người bạn thay đổi màu sơn ô tô nhưng không qua thủ tục đăng ký, kiểm tra. Vậy bạn tôi có thể bị xử phạt như thế nào?"

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

Qua rà soát, TP.HCM có hơn 60.400 cơ sở nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh, trong đó hơn 15.700 cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, hơn 13.900 cơ sở là loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê và 930 cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Việc triển khai chưa đầy đủ, chưa đồng bộ công nghệ trông giữ xe không dùng tiền mặt, vẫn áp dụng song song thu tiền mặt, cùng với sự giám sát thiếu chặt chẽ, khiến tình trạng thu sai vẫn diễn ra.

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Mới đây, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM cho biết, Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) dự kiến sẽ chính thức chuyển đổi hệ thống bắt đầu từ ngày 30/4-4/5 và đi vào hoạt động chính thức vào ngày 5/5 tới.

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

Mô hình này dựa trên tinh thần tự nguyện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, cơ sở lưu trú... tạo điều kiện cho người đi đường và khách du lịch có thể sử dụng nhà vệ sinh tiện lợi và hoàn toàn miễn phí.