Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Tổ chức lại giao thông, đường Cổ Linh hạ nhiệt

Minh Hiếu: Thứ bảy 06/07/2024, 18:45 (GMT+7)

Từ ngày 25/6, Sở GTVT đã thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông nút giao Cổ Linh - ngõ 541 Bát Khối (đoạn rẽ vào Trường THPT Thạch Bàn). Nút giao được đóng lại bằng dải phân cách cứng, các phương tiện chuyển hướng tại 2 điểm quay đầu xe rộng từ 11 - 14m, cách nút giao cũ từ 80 - 120m.

Hãy cùng VOV Giao thông trò chuyện với người tham gia giao thông, người dân địa phương về hiệu quả của phương án mới này.

Bên cạnh tôi là tài xế taxi Nguyễn Văn Đáng. Xin chào ông, ông thấy tình hình giao thông tại nút giao Cổ Linh - Bát Khối đã thay đổi thế nào?

Từ lúc đóng nút giao này, tôi đi cảm thấy thông thoáng, không bị ùn tắc, không bị áp lực như trước nữa. Mọi lần đưa khách sang đây, qua nút này thì áp lực rất lớn. Có những hôm vào giờ cao điểm, có thể mất 5-6 lượt đèn mới qua được.

Nút giao đã “hạ nhiệt”, vậy còn tại các điểm quay đầu xe thì sao ạ?

Chỗ quay đầu vẫn có xung đột một chút nhưng vẫn có thể qua được.

Nút giao Cổ Linh - Bát Khối (đoạn rẽ vào Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên) đã ''hạ nhiệt'' sau khi Sở GTVT Hà Nội thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông, đóng dải phân cách giữa (Ảnh - Minh Hiếu)

Nút giao Cổ Linh - Bát Khối (đoạn rẽ vào Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên) đã ''hạ nhiệt'' sau khi Sở GTVT Hà Nội thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông, đóng dải phân cách giữa (Ảnh - Minh Hiếu)

Tức là có thể hơi chậm ở điểm quay đầu nhưng so với trước đã giảm đi rất nhiều.

Đúng rồi, mình cảm thấy rất tốt.

Cách đây ít ngày, VOV Giao thông nhận được phản ánh của một thính giả, cho rằng điểm quay đầu xe tại đây hơi nhỏ. Với ông thì ông thấy thế nào?

Nút đó công nhận là có bé thật, nhưng mở thêm thì cũng vừa phải, rộng quá nhiều xe sang một lúc thì lại ảnh hưởng dòng đi thẳng bên kia.

Vâng, nút Cổ Linh - Bát Khối đã thông, còn điểm ùn tắc khác là Cổ Linh - Thạch Bàn thì ông có mong muốn gì để đi lại thuận lợi hơn trên đường dẫn vào cao tốc?

Mật độ bây giờ cao, từ lúc thông với tuyến cao tốc đi Hải Phòng. Mong muốn những người làm giao thông nghiên cứu đèn tín hiệu, ngồi phân tích xem làn nào được đi nhiều, làn nào được đi ít để cho hài hòa. Khoảng 5 năm về trước, chạy xe sang bên này tôi cảm thấy nhàn lắm, nhưng 3 năm về đây, chạy sang bên này tôi thấy nhọc nhằn như bên phố cổ.

Nếu mà xây được cầu vượt thì tốt quá, các dòng đi lại không bị rối ren.

Vâng, xin cảm ơn ông!         

Người tham gia giao thông mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các điểm quay đầu xe, tránh ùn tắc, lộn xộn (Ảnh - Minh Hiếu)

Người tham gia giao thông mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các điểm quay đầu xe, tránh ùn tắc, lộn xộn (Ảnh - Minh Hiếu)

Ôtô xe máy đi trên trục chính đã thuận lợi hơn, còn người dân sống hai bên tuyến đường Cổ Linh thấy sao về phương án tổ chức giao thông mới?

Xin chào anh, mời anh giới thiệu một chút về mình.

Mình tên là Quang, đang sống ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội.

Anh thấy thế nào về phương án tổ chức giao thông mới tại nút giao Cổ Linh - Bát Khối?

Khi đóng dải phân cách, ô tô đi hai chiều Hà Nội - Hải Phòng đã thông. Nhưng phương án này chỉ hiệu quả khi không có học sinh thôi.

Còn nếu có học sinh thì các bạn đi qua hai bên sẽ rất là tắc vì không có đèn tín hiệu.

Tức là muốn biết hiệu quả thực sự thì có lẽ phải chờ đến hết kỳ nghỉ hè, học sinh đi học trở lại.

Khi không có đèn tín hiệu thì các bạn sẽ vượt sang hai bên luôn. Khi các bạn vào cua thì sẽ khuất tầm nhìn, ô tô đi từ cao tốc rất là nhanh nên nguy hiểm thường trực.

Vậy anh có đóng góp gì để đảm bảo an toàn?

Ý kiến của em là nên làm đèn tín hiệu báo ở hai bên cho các bạn đi qua an toàn nhất.

Có lẽ là đèn tín hiệu ấy chỉ dùng vào giờ học sinh đi học hoặc tan học?

Đúng rồi, các giờ khác đường thông, rất ổn. Nhưng chỉ để đèn tín hiệu giờ ấy thì hơi khó đúng không?

Vậy có thể mình có lực lượng chức năng?

Ừ, có lực lượng chức năng điều tiết thì tốt hơn. Các anh cán bộ giao thông nên điều tiết giờ học sinh đi về.

Vâng, cảm ơn anh với những chia sẻ cùng VOV Giao thông!

Cần sớm bổ sung biển báo, vạch kẻ đường cho người đi bộ sang đường an toàn giữa dòng xe ''vun vút'' (Ảnh - Minh Hiếu)

Cần sớm bổ sung biển báo, vạch kẻ đường cho người đi bộ sang đường an toàn giữa dòng xe ''vun vút'' (Ảnh - Minh Hiếu)

Bên cạnh những giải pháp đảm bảo an toàn cho phương tiện quay đầu xe, người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng bổ sung biển báo, vạch kẻ đường cho người đi bộ.

Bởi lẽ việc sang đường ở các điểm mở quay đầu hiện nay rất nguy hiểm.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn