Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Thuế thu nhập cá nhân: Không nuôi dưỡng nguồn thu thì lấy đâu thu tốt?

Minh Hiếu: Thứ tư 24/08/2022, 05:00 (GMT+7)

Thuế thu nhập cá nhân trong 7 tháng qua đã đạt trên 106.000 tỷ đồng và gần đạt dự toán của cả năm. Dự kiến, số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2022 sẽ phá kỷ lục các năm trước.

Nhưng điều đáng nói là dù thu nhập của người dân giảm, nhưng thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng. Ngoài làm tăng gánh nặng với người dân, chính sách thuế có thể gây rủi ro đối với chính nguồn thu hay không?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với một số chuyên gia Kinh tế, Tài chính xung quanh vấn đề này. Trước hết là PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:

PV: Thuế thu nhập cá nhân tăng khi thu nhập của người dân giảm vì đại dịch, ông có đánh giá thế nào về câu chuyện này?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thuế thu nhập cá nhân bao gồm nhiều bộ phận như lương, chuyển nhượng nhà đất, cổ phiếu, trái phiếu,… Với việc quản lý chặt chẽ hơn chuyển nhượng nhà đất, cổ phiếu, trái phiếu,… thì số thu từ khoản này cũng đã tăng lên đáng kể.

Thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên người dân phải chi rất nhiều. Hơn nữa, mức sống hiện nay và mặt bằng giá cả đã cao hơn thời điểm trước.

Vì thế, Chính phủ nên xem xét để hỗ trợ người dân bằng việc miễn, giảm mức độ nhất định thuế thu nhập cá nhân trong năm 2022, đảm bảo anh sinh xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế.

Thời gian áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng lâu rồi, nền kinh tế đã thay đổi, mặt bằng giá cả đã thay đổi trong hàng chục năm qua.

Đã đến lúc chúng ta cần thiết phải xem lại, để vừa đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước, vừa phù hợp với nhu cầu thực tế.

Ảnh minh hoạ: Báo Lao động

Ảnh minh hoạ: Báo Lao động

PV: Vậy chính sách thuế thu nhập cá nhân cần có sự điều chỉnh ra sao?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Trước mắt, chúng ta phải xem thuế khởi điểm, mức giảm trừ gia cảnh là mức nào sẽ phù hợp. Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân có 7 bậc, tương đối “lắt nhắt” và khoảng cách giữa các bậc không đủ lớn.

Vì thế, chúng ta cũng cần giảm bớt bậc thuế thu nhập cá nhân, tạo ra sự khác biệt giữa các bậc thuế một cách rõ ràng hơn.

Tiếp theo, chúng ta cần phải xem mức điều chỉnh, thời gian và cách thức điều chỉnh thuế thu nhập các nhân. Vì hiện nay chúng ta điều chỉnh theo mức lạm phát thôi, nếu lạm phát đến 20% thì mới điều chỉnh. Thời gian lâu, không phù hợp, trong khi chúng ta thực hiện số hóa rồi, hoàn toàn có thể điều chỉnh 1-2 năm một lần.

Một điều nữa, hiện nay mức đóng cao nhất là 35%. Quan điểm chung của thế giới là người ta đang tính làm sao để hạ thấp thuế thu nhập cá nhân ở hầu hết quốc gia.

Chúng ta nên xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân có thể giảm đi được không, ở mức nào là phù hợp với Việt Nam hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 đã điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, cụ thể mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu lấy ý kiến góp ý để sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cơ quan quản lý cần lắng nghe đóng góp từ dư luận: "Qua 2-3 năm COVID-19, thu nhập của người lao động bị giảm. Trong thời gian vừa qua, lao động bắt đầu hồi phục lại với tốc độ nhanh, không vì thế mà vẫn giữ nguyên cái mức thuế đã lỗi thời. Bất cập từ thuế thu nhập cá nhân phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều lắm rồi, nhưng rất chậm sửa đổi.

Tài chính muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Không nuôi dưỡng nguồn thu thì chắc chắn sẽ không có nguồn thu tốt."

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn