Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Thị trường hàng hoá quý 2/2024: Giá nhiều mặt hàng “đua nhau” lập đỉnh

Như Ngọc - Thùy Linh: Thứ tư 03/07/2024, 20:29 (GMT+7)

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch 24 - 30/6 chỉ số MXV-Index giảm 1,19% xuống 2.251 điểm. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu tháng 4, chỉ số giá hàng hoá này vẫn tăng gần 0,2%.

Đáng chú ý, dòng tiền tiếp tục tập trung vào nhóm kim loại, khi chỉ số MXV-Index nhóm mặt hàng này ghi nhận mức tăng gần 11% so với đầu quý và tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá nhiều mặt hàng “đua nhau" thiết lập đỉnh mới.

Tính từ đầu tháng 4 đến gần cuối tháng 5, giá các mặt hàng kim loại cơ bản như đồng đã bật tăng tới 25% lên mức 11.200 USD/tấn, cao nhất trong lịch sử. Đối với kim loại quý, giá bạc đã tăng khoảng 30% và vượt mốc đỉnh cao nhất 11 năm; giá bạch kim cũng leo lên vùng đỉnh 2 năm. Nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá các mặt hàng này xuất phát từ nỗi lo thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, giá kim loại quý còn được hưởng lợi khi các nhà đầu tư tăng cường tích trữ các tài sản trú ẩn an toàn trong thời điểm xung đột địa chính trị leo thang. Ngoài ra, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong năm nay cũng là yếu tố kéo dòng tiền chảy mạnh vào nhóm kim loại.

Đánh giá về xu hướng giá thị trường trong giai đoạn quý II vừa qua, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết:

"Có thể thấy, diễn biến giá các mặt hàng nguyên liệu đã bám sát theo tình hình cung - cầu trong suốt 3 tháng qua. Trong khi đó sự nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô đã giúp các mặt hàng nhóm kim loại quý phát huy tốt vai trò trú ẩn khi nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Điều này đã hỗ trợ kim loại quý trở thành điểm sáng trên thị trường hàng hoá nói chung. Các mặt hàng đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt là sự bứt phá lên mức đỉnh 11 năm của giá bạc."

Top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam quý II/2024

Top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam quý II/2024

Ngược lại với giá kim loại, mặc dù diễn biến giá phân hoá, nhưng chỉ số MXV-Index Công nghiệp giảm gần 8% so với đầu tháng 4. Đáng chú ý, giá bông và đường liên tục gặp áp lực từ đầu quý II đến nay. Cụ thể, giá bông giảm mạnh 23,60%, thậm chí có thời điểm về đáy 2 năm do nhu cầu đối với bông Mỹ ở mức thấp, và triển vọng nguồn cung cải thiện. Bên cạnh đó, diễn biến giá ca-cao rung lắc mạnh kể từ đầu tháng 4. Tính đến hiện tại, giá ca-cao vẫn đánh mất hơn 20%.

Ở một diễn biến khác, giá hai mặt hàng cà phê liên tục tăng cao do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Giá Arabica đã tăng hơn 20% chỉ vòng 2 tuần đầu tháng 4, trước khi chạm mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2022 vào ngày 17/4. Đồng thời, giá Robusta cũng liên tục duy trì ở mức đỉnh 30 năm, hiện ở mức 4.011 USD/tấn, tăng khoảng 15% so với đầu quý II. Cùng với đó, giá thu mua cà phê trong nước vẫn neo ở mức cao 119.200 đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Là nhà đầu tư cá nhân, Anh Đặng Thành Công tại Đà Nẵng chia sẻ:

"Với cá nhân tôi, đầu tư hàng hoá là kênh đầu tư hiệu quả bởi tính thanh khoản cao và có thể sinh lợi nhuận ngay cả khi giá tăng hay giảm. Tuy nhiên, để tối đa hoá lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh yếu tố vĩ mô đang biến động mạnh như hiện tại, thì việc bám sát các tin tức về cung cầu thế giới, cũng như các tác động vĩ mô từ nền kinh tế, là vô cùng quan trọng."

Chỉ số MXV-Index Năng lượng giảm gần 2%, tuy nhiên thị trường năng lượng vẫn là điểm nhấn khi giá dầu thế giới liên tục biến động mạnh và khó lường bởi bất ổn địa chính trị gia tăng tại khu vực Trung Đông. Bước sang quý II, sức nóng trên thị trường phần nào được xoa dịu, giá dầu WTI và dầu Brent đã đánh mất khoảng 15% giá trị chỉ trong 2 tháng đầu quý. Tuy nhiên sang tháng 6, căng thẳng tại khu vực Trung Đông một lần nữa nóng trở lại đã kéo giá dầu phục hồi. Tính đến hiện tại, cả hai mặt hàng dầu WTI và dầu Brent đã tăng hơn 10% so với mức đáy hồi quý II.

Trên thị trường nông sản, chỉ số MXV-Index Nông sản cũng suy yếu 3,7%. Giá các mặt hàng nông sản quan trọng như đậu tương, ngô chịu nhiều sức ép chủ yếu đến từ tình hình mùa vụ tích cực tại các quốc gia Nam Mỹ.

Top 10 sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam quý II/2024

Top 10 sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam quý II/2024

Dự báo xu hướng giá hàng hóa trong thời gian tới, ông Nguyễn Thăng Long, Giám đốc chiến lược Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Vmex, Thành viên Kinh doanh của MXV nhận định: "Đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp, thời tiết vẫn là yếu tố chủ chốt do đây là một biến số có thể tác động trực tiếp tới nguồn cung. Theo tôi, diễn biến giá hai nhóm mặt hàng này nhìn chung sẽ có những biến động mạnh.

Riêng với mặt hàng cà phê, dù biến động nhưng giá cà phê trong quý III khó có thể quay về vùng dưới 100.000 đồng/kg do nguồn cung trên thị trường nhìn chung vẫn thiếu hụt khi cà phê tại Việt Nam đã cạn kiệt. Trong khi đó, giá kim loại quý hay dầu thô còn nhiều dư địa tăng khi xung đột địa chính trị vẫn tiềm ẩn rủi ro leo thang. Đặc biệt, nếu FED tiến hành hạ lãi suất trong thời gian tới, giá dầu thô và kim loại quý có thể tăng mạnh hơn nữa".

Trong quý 2 vừa qua, có thể thấy diễn biến trái chiều của các loại hàng hoá. Nông sản và nguyên liệu công nghiệp có giá giảm nhưng giá kim loại quý hay dầu thô lại tăng. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư khi tham gia trị trường. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần tuân thủ tuyệt đối các quy định từ MXV hay Công ty Thành viên để đảm bảo an toàn ký quỹ, tránh các rủi ro khi đặt lệnh mua bán./.

Như Ngọc - Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn