Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Thay đổi để phát triển nghề nuôi biển Kiên Giang

Trọng Nhân: Thứ tư 03/07/2024, 15:19 (GMT+7)

Tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích vùng biển hơn 63.000 km² cùng 143 đảo lớn nhỏ, được các chuyên gia đánh giá có lợi thế và tiềm năng rất lớn về nghề nuôi biển. Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế từ nghề nuôi biển vẫn chưa đạt hiệu quả cao vì thiếu sự liên kết và còn áp dụng công nghệ lạc hậu.

Để hướng tới trung tâm kinh tế biển quốc gia trong tương lai, tỉnh Kiên Giang đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển nghề nuôi biển bền vững. Hiện, toàn tỉnh đang đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình từ nuôi biển bằng lồng bè gỗ sang lồng nhựa HDPE để đem lại hiệu quả cao về năng suất và kinh tế. Tuy nhiên, chi phí chuyển đổi sang lồng nhựa HDPE khá cao khiến người dân khó tiếp cận.

Để tìm hiểu rõ hơn về ưu điểm của mô hình nuôi cá biển lồng nhựa HDPE và tỉnh Kiên Giang sẽ có những hỗ trợ như thế nào để người dân tiếp cận chuyển đổi, PV VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện với ông Danh Nhiệt - Phó Trưởng phòng Khuyến ngư nuôi trồng thủy hải sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang:

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE so với lồng gỗ truyền thống?

Ông Danh Nhiệt: So với lồng gỗ truyền thống thì lồng nhựa HDPE cho sản lượng cao hơn từ 1 đến 1,5 lần. Kết cấu của lồng bè nhựa HDPE rất tốt, chịu được sóng lớn giúp người dân yên tâm hơn.

Trong quá trình nuôi xuất hiện giông bão thì không cần phải di dời lồng bè đi nơi khác để tránh bão.

PV: Chi phí để chuyển từ mô hình lồng bè gỗ truyền thống sang lồng nhựa HDPE như thế nào?

Ông Danh Nhiệt: Chi phí để chuyển sang lồng bè nhựa với quy mô khoảng 48 khối, kích cỡ khoảng 4x4 thì trong đó cứ một ô sẽ rơi vào khoảng 37 triệu.

Tuy nhiên nếu mình khấu hao trên 50 năm thì sẽ thấy không đắt, rẽ hơn lồng gỗ truyền thống. Lồng gỗ khoảng 5 năm là hư rồi còn lồng nhựa thì sử dụng từ 30 đến 40 năm mới hư. Thế nên trừ khấu hao thì sẽ thấy rẽ nhưng mà chi phí lắp đặt ban đầu thì giá cao so với người dân.

PV: Chi phí mô hình lồng nhựa HDPE khá cao khiến việc tiếp cận chuyển đổi mô hình của người dân rất khó khăn. Vậy hiện đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào để giúp người dân sớm chuyển đổi mô hình?

Ông Danh Nhiệt: Thực hiện chủ trương chính sách của nhà nước thì trung tâm khuyến nông hàng năm đều có mô hình hỗ trợ người dân để chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng nhựa HDPE. Sử dụng nguồn vốn của nhà nước thì người dân tham gia chuyển đổi lồng nhựa sẽ được hỗ trợ 50% chi phí, còn chính sách của Trung ương thì người dân sẽ được hỗ trợ 100%.

Thế nên người dân chỉ cần đối ứng tiền cá giống và tự đầu tư các phần còn lại. Qua những chính sách hỗ trợ này sẽ giúp quá trình chuyển đổi từ lồng gỗ truyền thống sang lồng nhựa diễn ra nhanh chóng hơn.

Empty

Hàng chục năm qua, mô hình nuôi biển bằng lồng bè gỗ được người dân tại các tỉnh thành có biển trên cả nước áp dụng, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên nuôi biển bằng mô hình truyền thống lộ ra nhiều nhược điểm như độ bền kém, phải di dời tránh bão, không nuôi được xa bờ…dẫn đến năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao.

Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường và đặc biệt là khó có thể mở rộng quy mô song song phát triển du lịch trong tương lai.

Theo ông Huỳnh Văn Hợi - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản, đối với nghề nuôi biển tại các nước tiên tiến trên thế giới những khó khăn này đều được giải quyết khi sử dụng lồng nhựa HDPE: “Hiện nay tại cái nước phát triển như Na Uy, Mỹ, Úc… Họ đi trước chúng ta 30 - 40 năm và họ đã sử dụng lồng nhựa HDPE thì đến hiện tại các nước đó vẫn đang sử dụng các vật liệu này để phát triển nuôi cá lồng trên biển. Điều đó chứng tỏ rằng vật liệu nhựa HDPE tương đối bền và chưa có một vật liệu nào tối ưu hơn để thay thế cho việc phát triển nuôi trên biển.”

Empty

Thống kê đến cuối năm 2023 trên toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng gần 3900 lồng bè nuôi biển với diện tích nuôi ven bờ hơn 23.000 ha. Trong số đó những hộ dân nuôi biển thường theo dạng tự phát, kinh nghiệm tự có khiến kết quả của những vụ thu hoạch không được như mong đợi. Nhìn thấy những khó khăn hiện hữu, tỉnh Kiên Giang đã có những kế hoạch tuyên truyền thay đổi cách nuôi, chuyển đổi mô hình. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều thách thức.

Theo người dân, chi phí đầu tư đối với nghề nuôi biển rất lớn. Thế nên, để nâng cấp sang cách làm mới sẽ vượt quá tầm với của nhiều hộ dân nuôi biển. Trong “hành trình” này, người dân rất mong mỏi sự đồng hành của ngành Nông nghiệp: “Nếu để mô hình lồng bè HDPE nhân rộng đến người dân thì chính quyền địa phương tỉnh cần hỗ trợ nhiều hơn nữa, có thể hướng đến hỗ trợ khoảng 80% về chi phí chuyển đổi sang lồng bè nhựa này. Để người dân yên tâm mạnh dạng đầu tư nuôi có hiệu quả  khi đó các hộ nuôi khác thấy vậy sẽ dần dần chuyển đổi qua.”

“Thật tình mà ngư dân nuôi lồng bè thì tiền vốn đổ vào giống vào cá và công rất lớn. Cho nên nếu chuyển đổi từ một lồng bè gỗ sang lồng bè HDPE thì giá khoảng gấp 3 lần. Tôi biết giá trị của lồng nhựa này rất lớn về thời gian, lưới rất tốt, lồng thì sẽ được kéo xa bờ hơn, thậm chí có thể chủ động đánh chìm khi xuất hiện bão. Thế nên tôi đề xuất ngân hàng hỗ trợ về nguồn vốn cho ngư dân.”

Empty

Liên quan đến công tác hỗ trợ chuyển đổi, ông Nguyễn Sĩ Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian tới địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người nuôi biển có thể tiếp cận với những công nghệ khoa học hiện đại: “Hiện nay về mặt chính sách để giúp người dân đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi thì ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng các mô hình nuôi bằng lồng nhựa HDPE để chứng minh kết quả tốt hơn so với nuôi cá biển bằng lồng bè gỗ truyền thống. Trong chính sách này cũng hỗ trợ một phần kinh phí để người dân chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng nhựa. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất lồng nhựa HDPE sẽ có những chính sách như là giảm, miễn, mua trả chậm giúp người dân tham gia chuyển đổi mô hình”.

Bà Hồng Mộng Huyền - Giảng viên phụ trách bộ môn Nuôi trồng Thủy sản trường Đại học Kiên Giang cho biết, để tiến tới phát triển nuôi biển bền vững người dân cần chú ý trong sức khỏe của loài vật nuôi. Hiện nay phần lớn diện tích nuôi biển ở ven bờ dẫn đến tình trạng lồng bè gần nhau, điều này rất dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh và nguyên nhân chính thường bắt nguồn từ việc sử dụng thức ăn tự nhiên:

“Mầm bệnh nguồn gốc là do mình nuôi gần bờ, tuy nhiên cũng là do yếu tố là mình cho ăn thức ăn tự nhiên. Bản thân thức ăn tự nhiên từ cá tạp sẽ mang mầm bệnh. Thế nên nếu xu hướng chuyển qua lồng HDPE thì cũng cần chuyển qua sử dụng thức ăn công nghiệp thì sẽ giảm được nguồn bệnh rất nhiều, mà hầu như là bệnh về ký sinh trùng. Người dân nếu quan tâm vấn đề này sẽ giảm được mầm bệnh từ đó giúp quá trình nuôi biển tốt hơn.”.

Empty

Theo ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, trong năm tới tỉnh dự kiến sẽ phát triển 7.500 lồng nuôi biển và tầm nhìn đến năm 2030 có khoảng 14.000 lồng, cho sản lượng hơn 105.000 tấn, chủ yếu tập trung ở TP Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải, Kiên Lương và TP Hà Tiên. Đối với sản lượng khổng lồ, “bài toán” liên kết giữa người dân và doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Thế nên, cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ, thay đổi cách làm hiện đại để mang lại chất lượng cao, từ đó sẽ thu hút “ánh nhìn” quan tâm của các doanh nghiệp:

Ông Toàn cho biết thêm: “Mong muốn là chúng ta làm theo hướng chất lượng sản phẩm đồng đều,  làm tốt hơn về công tác quản lý môi trường đặc biệt là dư lượng trong quy trình tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp đặt ra thì chúng ta cố gắng tuân thủ và chúng ta sẽ được tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Thay vì chúng ta làm ra và chúng ta yêu cầu doanh nghiệp phải mua thì bây giờ doanh nghiệp sẽ đặt hàng ngược lại mình về mặt quy trình, tiêu chuẩn, chủng loại loài và các tiêu chuẩn khác thì chúng ta thực hiện đảm bảo đồng bộ. Qua đó tôi nghĩ rằng “bài toán” liên kết sẽ được giải quyết hài hòa và người dân”. 

Empty

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá địa phương có diện tích biển lớn thứ 3 cả nước, cùng với đó là lợi thế về tự nhiên và thời tiết, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển và thậm chí gắn liền với du lịch trong tương lai. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ phục vụ nuôi biển, đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ, liên kết sản xuất trong nuôi biển.

Ông Nhàn cho biết: “UBND tỉnh Kiên Giang sẽ chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương nghiên cứu triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời huy động mọi nguồn lực để phấn đấu đạt được các chỉ tiêu nhiệm vụ mà đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đã đề ra. Nếu như phát triển của chúng ta tốt mà tạo ra được kết quả giá trị tốt, tạo ra điều kiện sản xuất phát triển kinh tế cho nông dân, cho nông hộ, cho doanh nghiệp tốt hơn thì tỉnh cũng sẽ tiếp tục mở rộng thêm”.

Thay đổi để thích nghi, thay đổi để phát triển là những nhiệm vụ trọng tâm cực kỳ quan trọng đối với nghề nuôi biển của tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới. Từ đó khai thác tối đa tiềm năng “trù phú” của biển ban tặng, góp phần đưa tỉnh Kiên Giang sớm trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia như kỳ vọng đã đề ra.

 

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Nguy cơ tai nạn khi xe buýt vượt đèn đỏ

TP.HCM: Nguy cơ tai nạn khi xe buýt vượt đèn đỏ

Thời gian qua, nhiều tài xế điều khiển xe buýt trên địa bàn TP.HCM liên tục vi phạm luật giao thông, nhất là vượt đèn đỏ, gây bức xúc cho người dân và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hàng trăm tài xế xe buýt vi phạm bị xử lý. 

Vì sao các tuyến QL phía Bắc hễ mưa là sạt lở, ngập lụt?

Vì sao các tuyến QL phía Bắc hễ mưa là sạt lở, ngập lụt?

Miền Bắc mới vào mùa mưa hơn 1 tháng, thế nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ đã khiến cho nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt, giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của người dân.

Xây dựng Luật Phòng bệnh, hành lang pháp lý vì sức khoẻ toàn dân

Xây dựng Luật Phòng bệnh, hành lang pháp lý vì sức khoẻ toàn dân

Chính phủ vừa thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, với mục tiêu góp phần nâng cao sức khoẻ về thể chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.Vậy, Luật Phòng bệnh đề cập những chính sách nào liên quan tới công tác phòng chống bệnh tật?

Hà Nội sống và yêu: Mùa hạ trong ký ức của ba

Hà Nội sống và yêu: Mùa hạ trong ký ức của ba

Ký ức mỗi người về mùa hè ở Hà Nội qua biến thiên thời gian có nhiều thứ để nói. Hà Nội bây giờ cũng khác xưa. Trải nghiệm một mùa hè nóng bức hơn cũng có nhiều đổi thay

Tổ chức lại giao thông, đường Cổ Linh hạ nhiệt

Tổ chức lại giao thông, đường Cổ Linh hạ nhiệt

Từ ngày 25/6, Sở GTVT đã thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông nút giao Cổ Linh - ngõ 541 Bát Khối (đoạn rẽ vào Trường THPT Thạch Bàn). Nút giao được đóng lại bằng dải phân cách cứng, các phương tiện chuyển hướng tại 2 điểm quay đầu xe rộng từ 11 - 14m, cách nút giao cũ từ 80 - 120m.

Rào chắn gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh để thi công ga ngầm đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội

Rào chắn gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh để thi công ga ngầm đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội

Ngày 6/7, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ bắt đầu rào chắn đoạn dưới gầm cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã phục vụ thi công Dốc hạ ngầm khu vực C.

Bỏ đếm ngược đèn tín hiệu, liệu có làm gia tăng va chạm?

Bỏ đếm ngược đèn tín hiệu, liệu có làm gia tăng va chạm?

Vừa qua Sở GTVT TP.HCM cho biết đang tiến hành thí điểm không sử dụng đồng hồ đếm ngược tại một số nút giao lớn trên địa bàn thành phố. Đề xuất này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận cũng như cộng đồng lái xe.