Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đô Thị

Tạm gác… alo

Ái Kiều: Thứ bảy 10/02/2024, 12:03 (GMT+7)

Khi chiếc điện thoại ngày càng thông minh và tiện dụng hơn bao giờ hết, có bao giờ bạn tưởng tượng một ngày mình không có điện thoại kề bên? Liệu việc ngắt đi kết nối với mọi người có khiến bạn trở nên bồn chồn, lạc lõng hoặc thấy không bắt kịp thời đại?

Chúng ta sẽ không có câu trả lời chính xác cho tới khi chính bản thân trải nghiệm. Trong thời đại 4.0 tập trung vào công nghệ nâng cao sự tiện lợi tối đa trong cuộc sống, tưởng rằng những người trẻ ngày càng lệ thuộc vào “smartphone”, lạm dụng công nghệ nhưng chính họ lại sẵn sàng tạm gác điện thoại nuôi dạy con nhỏ.

 

Bữa tối hàng ngày của hai cô con gái út nhà chị Nguyễn Thị Tuyền ở Tây Hồ, Hà Nội đều bắt đầu bằng việc bật video ngắn trong ứng dụng tiktok từ điện thoại của bố mẹ và vừa xem, vừa ăn cháo. Còn chị Tuyền tất bật cả buổi khi khách đặt hàng liên tục, một tay nhận cuộc gọi một tay khuấy cháo, muốn các con yên lặng trong góc nhỏ của quán chỉ cần cho chúng một chiếc điện thoại:

"Nếu cho ăn đa phần cho con xem điện thoại nó ngồi yên ăn ngoan hơn. Bán hàng mà làm sao tránh được. Ăn nhanh để mẹ còn bán hàng. Con em ăn 15-20 phút là xong, chị nó phải ăn nửa tiếng đổ ra. Ngày nào cũng ăn cháo, chán cũng phải ăn. Nói chung nó không chú tâm vào việc ăn, giục mới nuốt. Nó không phải hình thức tốt nhưng mình bận, cho nhanh mình đi mình làm việc khác", chị Tuyền nói.

Công việc hàng quán khiến quỹ thời gian của chị Tuyền dành cho con mỗi ngày trở nên eo hẹp. Chúng chỉ biết quanh quẩn bên chân mẹ tò mò chạm vào bếp lửa hay dùng thìa gõ những chiếc nồi đựng đồ ăn trong lúc mẹ bán hàng. Từ khi con còn nằm nôi đã phải học cách tự chơi một mình. Đến lúc biết bò, chị lại buộc con trong chiếc xe tròn tập đi để tiện vừa trông, vừa làm việc.

Theo thời gian con ngày một lớn, tần suất chị sử dụng điện thoại quá nhiều trong ngày khiến các con tò mò và đòi xem giống mẹ. Dù có nhận ra việc để các con chơi điện thoại là không tốt, chị Tuyền không tìm được cách nào thuận tiện và hiệu quả hơn như vậy khi phải lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày.

"Em nhìn gương cháu em. Em ở cùng nó từ bé. Nó được xem điện thoại để ăn và giờ nó học lớp 7. Nó rất phụ thuộc vào điện thoại. Về không nói chuyện với ai, chỉ thích xem tivi với điện thoại thôi chẳng ai giao tiếp được với nó, chẳng thích chơi với ai. Em sợ con em sau này giống như thế…"

Nhà không lắp tivi, điện thoại cũng gần như ít dùng đến mà Thu Hương dành phần lớn thời gian đều để chăm con, chơi cùng con.

Nhà không lắp tivi, điện thoại cũng gần như ít dùng đến mà Thu Hương dành phần lớn thời gian đều để chăm con, chơi cùng con.

Khác với chị Tuyền, Nguyễn Thị Thu Hương, mẹ của một bé trai chưa đầy 2 tuổi từ lâu đã mang một nỗi sợ khi chứng kiến cháu mình lớn lên với chiếc điện thoại là “bảo mẫu” giữ trẻ để bố mẹ rảnh tay. Hương sợ mình không thể giao tiếp được với cậu con trai nhỏ nên lựa chọn phương pháp nuôi dạy con mà ngay cả bố mẹ hay bạn bè đều cho là “khác người”.

"Nếu mình thật sự muốn con mình không xem điện thoại, tivi phải từ bản thân mình. Nhà em đâu có lắp tivi đâu. Mình cũng hạn chế điện thoại trước mặt con vì tuổi này nó học rất nhanh. Gần như là không sử dụng điện thoại. Nếu xem điện thoại con sẽ rất tập trung, không ăn hoặc ăn thụ động, không thấy niềm vui trong ăn uống. Thế nên nó chán ăn em cho không ăn luôn. Em thấy con em không phụ thuộc, không phải dỗ con kiểu đấy. Ngôn ngữ tương đối ổn khi không tiếp xúc nhiều nguồn ở trên điện thoại nhất là giai đoạn học nói", chị Hương cho biết.

Trước đây, Hương làm công việc bán hàng cho công ty nội thất nên điện thoại, máy tính là vật bất ly thân. Nhưng kể từ khi có con, Hương thay đổi lối sống. Nhà không lắp tivi, điện thoại cũng gần như ít dùng đến mà dành phần lớn thời gian đều để chăm con, chơi cùng con. Đó là những trò chơi sáng tạo, cùng đọc sách, ra ngoài sân chơi, ăn uống có kỉ luật…

Cũng bởi muốn cùng con trải qua một tuổi thơ đầy ắp niềm vui bên mẹ, Hương sẵn sàng gác lại mọi công việc, mối quan hệ vốn kết nối nhờ chiếc điện thoại. Nhưng khi đa số những đứa trẻ khác đều được xem điện thoại hay tivi như một hình thức giải trí ngay từ khi còn nhỏ, mọi người lại cho rằng Hương “khác người”.

Có một số ít các bạn trẻ trở thành cha mẹ lần đầu đã thử phương pháp “tạm gác điện thoại” và thấy nhiều điều khác biệt.

Hoàng Mai Phượng luôn đọc sách cho con thay vì dỗ dành bằng chiếc điện thoại không mang lại nhiều lợi ích

Hoàng Mai Phượng luôn đọc sách cho con thay vì dỗ dành bằng chiếc điện thoại không mang lại nhiều lợi ích

Hoàng Mai Phượng, nhân viên văn phòng tại một trường tư thục ở Hà Nội cũng đã trải nghiệm và thấy rằng: Những đứa trẻ có thể học theo rất nhanh, nhưng cũng có thể bỏ thói quen rất nhanh tất cả phụ thuộc vào cha mẹ. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn có cách thay thế tốt hơn việc sử dụng điện thoại dể dỗ dành con mà không mang lại nhiều lợi ích.

"Nhiều khi mình chọn phương pháp nhanh. Ví dụ con nhiễu nhé. Trong kia chắc chắn bố nó vừa cho xem điện thoại nó mới im, bố nó tắt một cái là nó đang khóc kia kìa để cho bố nó làm gì đấy. Nhưng ví dụ khi bố đọc sách thì nó sẽ đỡ.  Chồng em rất hay vừa chơi với con vừa lướt điện thoại hoặc thấy con khóc quá mở youtube cho nó xem. Nhưng giờ mỗi lần em thấy em sẽ tịch thu để chồng em đọc sách cho nó. Vì đọc sách thu hút sự chú ý nó cũng quên luôn chỉ cần mình chơi với nó là hết nhiễu ngay", chị Phượng chia sẻ.

Mẹ chồng của Phượng đã về hưu cũng cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau trên điện thoại để cập nhật tin tức hay giải trí. Nhưng riêng thời gian dành chơi với cháu, bà Nguyễn Thị Mai đặc biệt tạm gác lại điện thoại bởi khi nghĩ về quá khứ, bà từng nuôi dạy con không điện thoại một cách tự nhiên và dễ dàng:

"Chả làm thế nào chỉ dỗ dành con cái nó ăn chứ làm thế nào. Ăn được thế nào thì ăn không có gì mà dỗ, cũng không bế đi rong đâu. Đến bữa nấu cháo cho ăn bữa nào ra bữa đấy, không có gì ăn vặt. Thời ngày xưa các cô nó khác không như bây giờ", bà Mai cho biết.

Có thể hiện nay, công nghệ giúp con người có thêm bao tiện lợi trong cuộc sống, nhưng có những phụ huynh muốn nuôi dạy con “không rảnh tay” theo cách ông bà đã từng: Tạm gác lại điện thoại, mang con tới không gian ngoài trời cùng nghịch cát, chơi cầu trượt, xích đu, đuổi bắt…

Anh Nguyễn Bảo Khánh sống tại Cầu Giấy luôn sắp xếp thời gian cho con xuống sân chơi mỗi buổi chiều. Không kè kè điện thoại để con tự tìm kiếm niềm vui, anh dạy con gọi tên từng cái cây, cách leo trèo an toàn hay được thử phiêu lưu mạo hiểm với chiếc xà cao. Em bé luôn muốn bố cũng ngồi xích đu giống mình ngay bên cạnh. Và cũng trong khoảng thời gian ấy, không chỉ có đứa trẻ được chơi đùa vui vẻ, chính phụ huynh cũng có giây phút đáng nhớ ở bên con.

"Ai cũng có 24h mỗi ngày. Mình dành cho con 5 phút hay 30 phút chỉ cần trong khoảng thời gian đấy toàn tâm toàn ý thì chất lượng cao hơn việc cầm điện thoại chơi với con. Nó khiến cho trải nghiệm của mình với nó sâu sắc hơn. Mọi giây phút mình ở với con sẽ đáng nhớ hơn", anh Khánh nói.  

Cũng giống anh Khánh, Thu Hương đang dành trọn thời gian để tận hưởng những ngày tháng khi con còn chưa tới lớp. Dù con trai chưa đầy 2 tuổi, cậu bé đã có thể nói một câu đầy đủ thành thạo với vốn từ vựng đáng ngạc nhiên. Khi chuyên tâm dạy con học nói, em bé đã tặng lại cho mẹ những điều bất ngờ “tan chảy”:

"- Ôm mẹ tình cảm.

- Ừ ôm mẹ tình cảm. Gì nữa nào?

- Con yêu mẹ nhất trên đời".

Sự hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bất kỳ cha mẹ nào. Mỗi phụ huynh sẽ có lựa chọn khác nhau trong việc nuôi dạy con nhưng dù theo cách nào đều mong con lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ.

Trẻ cần cảm nhận được sự gắn kết yêu thương trong chính gia đình mình chứ không phải cô đơn, lạc lõng khi bố mẹ cũng mải mê với thiết bị công nghệ. Để làm được điều này cần sự quyết tâm của mỗi người lớn và coi đó là việc sửa chính mình trong sự thấu hiểu, ủng hộ của các thành viên trong gia đình.

Dẫu biết rằng, với nhiều người việc đặt điện thoại xuống cũng cần sự dũng cảm nhưng bạn có muốn thử tạm gác điện thoại dành cho con một chút thời gian ngay hôm nay?

Ái Kiều/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vỉa hè đáng giá bao nhiêu?

Vỉa hè đáng giá bao nhiêu?

Việc TP.Hà Nội tiến hành khảo sát, nghiên cứu cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố để phục vụ kinh doanh được nhiều người dân mong chờ và ủng hộ, nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn về công tác quản lý, giá thuê và đối tượng thuê vỉa hè…

Không lơ là phòng cháy ở các doanh nghiệp thời điểm cận Tết

Không lơ là phòng cháy ở các doanh nghiệp thời điểm cận Tết

Cuối năm là thời điểm nhu cầu sản xuất hàng hóa gia tăng ở mức cao, kéo theo nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn với mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC cần phải đặt lên hàng đầu.

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 4): Những bãi xe hoang phế

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 4): Những bãi xe hoang phế

Bên cạnh sự lãng phí lớn từ tình trạng ùn tắc giao thông, từ các công trình đầu tư xây dựng “chưa trúng đích”, không phát huy hiệu quả, các dự án thí điểm bị phá sản, lãng phí trong giao thông còn đến từ các chính sách, quy định bất cập, gây lãng phí tài sản, thời gian, công sức của người dân.

Trực tiếp đối thoại, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan

Trực tiếp đối thoại, giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan

Sáng ngày 10 và ngày 12/12/2024, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024.

Phát triển xanh, các đô thị đang đối mặt với những thách thức gì?

Phát triển xanh, các đô thị đang đối mặt với những thách thức gì?

Việt Nam đang có tốc đô thị hóa nhanh chóng với 42% dân số sống tại đô thị tính đến năm 2023 và dự kiến con số này sẽ đạt 50% vào năm 2030.

Cảnh giác với lừa đảo trực tuyến, cam kết biến “lỗ thành lãi”

Cảnh giác với lừa đảo trực tuyến, cam kết biến “lỗ thành lãi”

Những đối tượng lừa đảo đã đánh vào đúng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng và thiếu hiểu biết của người dân về đầu tư tài chính để dụ dỗ, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Tách làn trên các con đường

Tách làn trên các con đường

Việc tổ chức vận hành hệ thống giao thông là một ngành khoa học quan trọng và thú vị trong xã hội hiện đại. Bởi nếu tổ chức vận hành không tốt, thì việc đầu tư hạ tầng giao thông chỉ tạo ra những cảnh giới ùn tắc mới mà thôi.