Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Sử dụng thế nào để trụ sở dôi dư sau sáp nhập không lãng phí?

Nhật Minh: Thứ năm 08/05/2025, 15:16 (GMT+7)

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, giảm hàng loạt phường, xã là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình sáp nhập cũng đặt ra không ít thách thức, trong đó có bài toán, quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở dôi dư, tránh bỏ hoang, lãng phí là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã và đang diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt, thống nhất cao trong toàn Đảng và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Theo Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự kiến sẽ có gần 700 đơn vị hành chính cấp huyện dừng hoạt động và giảm khoảng 6.000 đơn vị cấp xã. Điều này đồng nghĩa sẽ có hàng nghìn trụ sở cơ quan hành chính dôi dư.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Đồng Văn Thanh kiểm tra trụ sở làm việc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Đồng Văn Thanh kiểm tra trụ sở làm việc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh

Tại ĐBSCL, sau khi sáp nhập Hậu Giang, Sóc Trăng vào thành phố Cần Thơ tổng diện tích của thành phố sẽ vượt 6.400km2, dân số trên 4 triệu người và có 99 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 30 phường và 69 xã. Theo thống kê, 3 địa phương hiện có hơn 2.800 trụ sở làm việc. Dự kiến sau sắp xếp sẽ sử dụng hơn 2.500 trụ sở cho các cơ quan, tổ chức của đơn vị hành chính mới; còn lại 255 trụ sở sẽ dôi dư. Ông Nguyễn Minh Trường, người dân thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, bày tỏ:

"Sắp xếp tỉnh, xã, phường lại, thì những cơ quan dôi dư thì người dân chúng tôi hy vọng rằng, nhà nước có những tổ chức, nhu cầu nào để trụ sở đó không có lãng phí, chẳng hạn như chỗ để hội họp của nhân dân hoặc cơ quan gì đó, mà đáp ứng lại nhu cầu của xã, phường đó thì người dân rất đồng tình."

Theo lãnh đạo UBND TP. Vị Thanh, việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sáp nhập sẽ thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, thông tin thêm: "Những trụ sở dôi dư tổng hợp gửi về Sở tài chính. Tận dụng những trụ sở cũ để bố trí các cơ quan làm việc."

Hậu Giang, sau khi sắp xếp tỉnh sẽ giảm từ 75 xã, phường, thị trấn xuống còn 28 xã, phường. Tại Kỳ họp thứ 27 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X diễn ra vào ngày ngày 25/4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Đồng Văn Thanh đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính 2 cấp theo đúng quy định. Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã đi kiểm tra trụ sở làm việc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 

Theo các chuyên gia, trong đợt sáp nhập cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã lần này, hàng nghìn trụ sở cơ quan hành chính có thể dôi dư. Do đó, việc xử lý hiệu quả các trụ sở này không chỉ tránh lãng phí mà còn có thể thêm nguồn lực lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, cùng với các giải pháp đồng bộ, minh bạch và quyết liệt.

Dự kiến khi sáp nhập TP Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng sẽ dôi dư hàng trăm trụ sở làm việc - Ảnh: Lê Dân/Báo Tuổi trẻ

Dự kiến khi sáp nhập TP Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng sẽ dôi dư hàng trăm trụ sở làm việc - Ảnh: Lê Dân/Báo Tuổi trẻ

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là đảm bảo quy hoạch và phải đưa ra giải pháp ngay từ bây giờ để tránh lãng phí nguồn lực.

"Trên cơ sở quy hoạch, phải phù hợp với địa phương, vị trí ấy phù hợp sự phát triển đó. Quy hoạch phải đi trước và những công trình cải tạo sau đấy tất cả đều cần quy hoạch để chuyển đổi sang công năng mới ít sửa chữa nhất, tạo điều kiện có kiến trúc phù hợp nhất. Những thay đổi này không khó, chúng ta có thể làm được."

Về việc xử lý các trụ sở dôi dư sau sắp xếp, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào chiều ngày 18/4/2025, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu phải sử dụng hiệu quả công năng, không để hoang hóa hay lãng phí.

"Bây giờ trụ sở dôi dư ra ưu tiên số 1 là trường học cho các em học sinh, nâng cấp, sửa chữa mở rộng ra để lo cho việc giáo dục. Lo cho việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bây giờ nhân dân khám, điều trị bệnh thông thường là ở phường, ở xã, y tế phải mạnh. Trang thiết bị, bác sĩ giỏi, thuốc đầy đủ và dành trụ sở để làm nơi sinh hoạt nhân dân, dứt khoát không để trụ sở bỏ hoang, bỏ trống."

Việc định hướng lại công năng sử dụng các trụ sở dôi dư sau sáp nhập một cách phù hợp và linh hoạt là điều các cấp, ngành cần quan tâm. Biến các trụ sở này thành không gian phục vụ cộng đồng hoặc điểm cung cấp dịch vụ công không chỉ giúp tránh lãng phí tài sản công mà còn phát huy tối đa giá trị đầu tư. Đây cũng là cơ hội để tạo ra không gian hữu ích, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và minh chứng cho sự đồng hành của chính quyền trong việc nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển bền vững.

Nhật Minh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn