Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Sáng kiến dùng vỏ lạc để xử lý ô nhiễm kim loại

Huy Phong: Thứ hai 20/01/2025, 21:01 (GMT+7)

Với mong muốn tìm kiếm những giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường của Hà Nội, một nhóm các bạn học sinh trung học phổ thông Hà Nội đã nghiên cứu thành công ứng dụng vỏ lạc vào xử lí kim loại nặng.

Nghiên cứu của nhóm tác giả trẻ nhận được đánh giá cao về tính mới mẻ, có giá trị khoa học cao:

Từ thực tế, Việt Nam có rất nhiều phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi như vỏ cà phê, bã cà phê, vỏ trấu, vỏ lạc… rất lãng phí. Nhóm 5 em học sinh Nguyễn Trần Nam Khánh (12D3), Đỗ Phương Linh (12D1), Nguyễn Tuấn Khôi (12D1) và Tân Thiên Kim (11A4) - Trường THCS& THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) và Nguyễn Cao Đức Minh, lớp 12A6 - Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) đã cùng nhau nghiên cứu sử dụng vật liệu giúp ích cho công tác xử lý môi trường bị ô nhiễm.

Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Trần Minh Đức, giáo viên phụ trách CLB nghiên cứu khoa học Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành và sau khi đọc tài liệu, nghiên cứu, nhóm 5 học sinh đã quyết định lựa chọn nghiên cứu vỏ lạc làm vật liệu xử lý kim loại nặng gây ô nhiễm môi trường.

Đề tài “Nghiên cứu biến tính vỏ lạc làm vật liệu xử lí kim loại nặng gây ô nhiễm” của nhóm học sinh THPT Hà Nội đã giành được nhiều giải thưởng lớn

Đề tài “Nghiên cứu biến tính vỏ lạc làm vật liệu xử lí kim loại nặng gây ô nhiễm” của nhóm học sinh THPT Hà Nội đã giành được nhiều giải thưởng lớn

Theo thầy Trần Minh Đức, thời gian đầu nghiên cứu, thử nghiệm không đem lại kết quả như mong muốn, các em học sinh đôi lúc muốn bỏ cuộc, nhưng với sự động viên của gia đình, thầy cô, sau hơn 3 tháng miệt mài, nghiên cứu của các em đã cho những kết quả tích cực:

"Thông qua hoạt hóa vỏ lạc, để tăng diện tích, tăng lỗ xốp trên bề mặt vỏ lạc để tăng khả năng hấp thụ kim loại nặng trong nước. Tuy nhiên, học sinh mới nghiên cứu ở trong phòng thí nghiệm. Để mà ứng dụng ra thực tế còn cần nhiều giai đoạn khác nữa, mới có triển vọng ứng dụng trong thực tế. Trong tương lai nếu mà phát triển hơn nữa và thử nghiệm nhiều hơn nữa sẽ có khả năng ứng dụng thực tế, giống như sử dụng than hoạt tính trong xử lý môi trường."

Nhờ tính mới mẻ, sáng tạo và có giá trị khoa học, giá trị thực tiễn cao, đề tài “Nghiên cứu biến tính vỏ lạc làm vật liệu xử lí kim loại nặng gây ô nhiễm” của nhóm 5 học sinh đã xuất sắc giành giải Vàng, giải Đặc biệt Special Grand và giải Grand Prize, tại cuộc thi Olympic Phát minh sáng chế thế giới (WICO) lần thứ 13 tổ chức tại Hàn Quốc tháng 7 vừa qua.

Theo thầy Trần Minh Đức, giải thưởng có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhóm tác giả, nuôi dưỡng tình yêu và niềm đam mê sáng tạo, tìm ra những giải pháp để bảo vệ môi trường. Nó cũng là động lực khuyến khích các em học sinh của trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành nói riêng và học sinh trên cả nước nói chung yêu thích nghiên cứu khoa  học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Huy Phong/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn