Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Phòng chống đuối nước: Đừng để đến hẹn lại… đau

Kênh VOV Giao thông: Thứ năm 23/05/2024, 09:40 (GMT+7)

Với gần 2.000 trẻ em tử vong mỗi năm do tai nạn đuối nước, Việt Nam có tỉ suất đuối nước trẻ em cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển!

Dù đã giảm khoảng 3-5%/năm, nhưng đuối nước vẫn đang là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em nước ta.

Cảnh báo đã nhiều, và dạy bơi ngày càng được quan tâm, nhưng vì sao tai nạn đuối nước vẫn phức tạp, thậm chí, có những tình huống không thể ngờ tới? Làm gì để ngăn ngừa những vụ việc thương tâm này?

Đón nghe: Diễn đàn 91 với chủ đề:  “Phòng chống đuối nước: Đừng để đến hẹn lại… đau!”, trực tiếp lúc 12h30, thứ Năm (23/5) trên VOV Giao thông Fm91 mhz và vovgiaothong.vn.

Với sự tham gia của các vị khách mời: Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em và bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam.

 
Liên tiếp tai nạn đuối nước khi vừa bước vào hè

Mới đầu hè nhưng gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em tại các tỉnh, thành phố. Mới đây nhất, ngày 19/5 vừa qua, 4 cháu nhỏ từ 6 đến 10 tuổi tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã bị đuối nước tử vong sau khi cùng nhau đến tắm ở một hồ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp tắm. Trước đó 1 ngày cũng ở Lâm Đồng), một cháu bé 3 tuổi không may bị trượt chân rơi xuống một hồ nước tưới sầu riêng đã tử vong.

Hồ nước nơi các bé gặp nạn - Ảnh NLĐ

Hồ nước nơi các bé gặp nạn - Ảnh NLĐ

Tại Lâm Đồng, trời liên tục có mưa nên lượng nước trong các ao hồ tăng cao trong khi tại đây có nhiều ao hồ tích trữ nước tưới của người dân được lót bạt nên rất trơn trượt, khi đã rơi xuống thì khó có thể leo được lên bờ.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 9 vụ đuối nước khiến 13 trẻ em tử vong, phần lớn là ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Ông Puih Lêr, Phó Chủ tịch UBND xã Gào, thành phố Pleiku, nơi đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, cho biết, đa số các trường hợp tử vong do trẻ tự tìm đến vùng sông suối chơi đùa mà không có sự giám sát của người lớn: “Xã có một hồ đập tại làng D, là hồ nước lớn, không thể rào chắn hết được. Các em vào buổi chiều thường rủ nhau đi tắm không có người lớn quản lý.  Bố mẹ thì thường lo bận làm nông nên không thể quản lý chặt chẽ được do vậy mới xảy ra đuối nước”.

Trong hai ngày 9 và 10/5, tại Bắc Giang đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 5 người, trong đó có 4 trẻ em tử vong.

Vào chiều 19/5, 2 học sinh lớp 9 tử vong do bị tụt xuống hố nước sâu khi đi chơi ở bãi sông Hồng, thuộc địa phận huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Đáng lưu ý vào cuối tháng 4 vừa qua, tai nạn đuối nước xảy ra với một bé trai 2 tuổi ngã xuống hồ cá Koi sâu 1,2m không có rào chắn xung quanh. Khi được phát hiện, bé trai đã trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.

Trên đây là thống kê chưa đầy đủ các vụ trẻ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước. Các vụ việc gây hậu quả nặng nề khiến nhiều phụ huynh xót xa, lo lắng:

“Khi mà nghe những tin tức về những vụ đuối nước như thế thì thực sự tôi rất đau lòng và nghĩ đến con mình rất nhiều. Để giảm thiểu tình trạng này thì tôi nghĩ các cháu nên được trang bị kỹ thuật bơi, không chỉ cho những người ở nơi có nhiểu sông hồ, ao mà cả ở thành phố”

“Rất đau lòng khi những đứa trẻ bị cướp đi sinh mạng như thế do những bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn, nhiều nhà con bé cứ để tự trông nhau mà nhiều ao, hồ thì chỉ cần chơi đùa gần đó đã nguy hiểm rồi”.

Dù thường xuyên được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông nhưng năm nào, tình trạng đuối nước cũng xảy ra. Chị Nguyễn Thu Trang, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng bày tỏ, nguy cơ tai nạn đuối nước là nỗi lo lắng lớn nhất của gia đình khi hè về: “Tôi có 2 con trai 5 tuổi và 7 tuổi đều rất hiếu động mà xung quanh nhà thì nhiều ao hồ nên rất lo lắng về những nguy hiểm các con có thể gặp phải. Để phòng ngừa tôi cho các con đi học bơi từ sớm, học cả ở trường và bên ngoài, cũng thương nhắc nhở các con về mối nguy hiểm này; nhưng tôi vẫn cần thường xuyên để mắt tới các con”.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do các em không biết bơi hoặc đã biết bơi nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và thiếu sự giám sát của người lớn. Nhiều bậc phụ huynh bất cẩn, thiếu quan tâm, giám sát, chủ quan đối với các em khi sống trong môi trường tiềm ẩn tai nạn đuối nước.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra chỉ vì vài phút bất cẩn của người lớn cộng với sự hiếu động của trẻ nhỏ: “Bây giờ số trẻ biết bơi nhiều hơn vì địa phương nào cũng dạy bơi, học bơi nhưng dạy bơi, học bơi cần dạy kỹ năng tồn tại dưới nước cho trẻ em. Khi trẻ bị ngã xuống nước thì sống như thế nào, tồn tại thế nào, thở thế nào, đứng nước ra làm sao để ít nhất trong 90 giây thôi kịp những người xung quanh chạy đến cứu.

Phòng chống đuối nước, cần mạnh hơn, hay khác hơn?

Để thực hiện ngăn ngừa, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, trong những năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đôn đốc, nhắc nhở địa phương thực hiện phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh; yêu cầu các địa phương kiểm tra, lập bản đồ cảnh báo điểm nóng về tai nạn đuối nước và vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Dạy bơi cho học sinh tiểu học ở thành phố Kon Tum. Ảnh: TTXVN

Dạy bơi cho học sinh tiểu học ở thành phố Kon Tum. Ảnh: TTXVN

Cô giáo Trần Thu Lan, Hiệu trưởng trường THCS Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết về việc tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học: “Nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền tới toàn thể học sinh về việc phòng chống đuối nước thông qua các buổi chào cờ. Chúng tôi cũng nhắn tin tới từng phụ huynh để quản lý con em mình trong thời gian nghỉ, nghiêm cấm học sinh không được tự ý bơi ở sông suối nếu không có sự cho phép của bố mẹ”.

Học bơi thôi chưa đủ, trẻ em cần phải được trang bị kỹ năng chống đuối nước. Đây là ý kiến từ anh Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bơi Khám phá Hà Nội. Theo anh Khánh, cần dạy trẻ các kiến thức về nhận biết môi trường nước nguy hiểm, cách xử lý tình huống khi bị chuột rút, xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy để trẻ biết tự cứu mình khi bị rơi xuống nước, biết thoát hiểm khi đang bơi bị đuối sức hoặc gặp các tình huống xấu, biết cứu đuối an toàn: “Bạn cần phải hiểu rõ, đã biết bơi ở trong bể bơi và đã biết bơi ở ngoài sông, hồ khác nhau như thế nào. Bơi trong bể được không có nghĩa ra ngoài bơi được, đặc biệt khi các cháu nhỏ, các cháu biết điều này sẽ không chủ quan. Khi các bạn hiểu, có thông tin về an toàn thì tôi tin tình trạng đuối nước trong dịp hè sẽ giảm”

Ông Nguyễn Phi Hậu, ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội là người khởi xướng biến ao làng thành bể bơi công cộng miễn phí và chủ nhiệm câu lạc bộ bơi nhiều năm qua cho rằng, để giúp trẻ em nâng cao ý thức và có kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước thì rất cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương:

"Cần sự hỗ trợ, quan tâm thêm của các cấp chính quyền để mình đẩy mạnh, nhân mô hình này lớn hơn, để đảm bảo an toàn hơn và có sự đầu tư, có kinh phí nhất định, đặc biệt ở những nơi có sẵn ao khi chính quyền đầu tư thì người dân sẽ tin tưởng là đảm bảo an toàn và việc đó động viên người dân bơi lội, nâng cao nhận thức về nguồn nước".

Về biện pháp đầu tư cho công tác phòng, chống đuối nước được thực hiện đồng bộ, lâu bền, hướng tới sự công bằng cho trẻ em ở tất cả vùng miền, PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế công cộng cho rằng, cần huy động các nguồn lực thỏa đáng để xây dựng thêm nhiều bể bơi và dạy bơi cho học sinh:

"Để đào tạo cho một trẻ biết bơi thì rất cần bể bơi, cần nguồn lực để đầu tư bể bơi, những bể chỉ dạy bơi phòng chống đuối nước thì chi phí khá thấp và có thể phù hợp với nhiều địa phương. Cái này phải có đầu tư mới triển khai được, đầu tư cơ sở vật chất người dạy bơi, các biện pháp đảm bảo an toàn đều cần đầu tư".

Với mong muốn giảm đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước xảy ra với trẻ em, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội đề nghị:

“Phải quan tâm hơn nữa trong trang bị kiến thức và kĩ năng bơi lội cho chính các cháu để tự phòng vệ. Ngoài việc dạy bơi, công tác phòng chống để tránh rất quan trọng, cứu người ra sao. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, công tác tập huấn nâng cao nhận thức không chỉ có nhân dân, mà còn đối với cả cấp ủy, chính quyền, những người làm công tác đoàn thể, công tác chính trị xã hội, tất cả phải được chú trọng” 

Kênh VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thành phố Pleiku nhận giải thưởng Sáng kiến xuất sắc về an toàn đường bộ toàn cầu

Thành phố Pleiku nhận giải thưởng Sáng kiến xuất sắc về an toàn đường bộ toàn cầu

Khoảng 6h sáng giờ Việt Nam (18h ngày 12/6 - giờ Mỹ, Thành phố Pleiku, Việt Nam vinh dự là một trong bốn đơn vị trên toàn thế giới được nhận Giải thưởng Sáng kiến Bloomberg Philanthropies xuất sắc về an toàn đường bộ toàn cầu, hạng mục Đột phá trong quản lý tốc độ với dự án “Giảm tốc độ- Trường học an toàn”.

Thể dục bất an

Thể dục bất an

Tuyến đường Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Cừ nối dài thuộc quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) trở thành cung đường ưa thích của những người đạp xe. Tuy nhiên, từ lâu, hai con đường này lại trở thành nỗi lo của người tham gia giao thông vào mỗi sáng.

Để tồn đọng, hư hỏng là chưa làm hết trách nhiệm

Để tồn đọng, hư hỏng là chưa làm hết trách nhiệm

Theo quy định hiện hành, để có thể ra quyết định tịch thu, đấu giá phương tiện vi phạm giao thông bị tồn đọng, thường phải mất hàng năm, thậm chí 2 năm.

Vì sao khó đấu giá thanh lý phương tiện vi phạm giao thông?

Vì sao khó đấu giá thanh lý phương tiện vi phạm giao thông?

Như VOV Giao thôn đã thông tin, từ khi Nghị định 100/2020 ra đời, trong đó nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, số phương tiện vi phạm bị tồn đọng tại các bãi trông giữ ngày càng nhiều.

Ngập úng đô thị, thiệt hại đong đếm được không?

Ngập úng đô thị, thiệt hại đong đếm được không?

Tình trạng ngập úng cục bộ tại các đô thị xảy ra ngày càng thường xuyên và kéo dài, dễ dẫn tới xuống cấp nhanh chóng hệ thống mặt đường, làm phát sinh chi phí bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Những thiệt hại này có đong đếm được không? Cách nào giảm thiểu thiệt hại do ngập úng đô thị?

Thị trường tín chỉ carbon: Cơ hội và thử thách

Thị trường tín chỉ carbon: Cơ hội và thử thách

Việt Nam đã nhận được hơn 1.200 tỷ đồng đầu tiên từ việc bán hơn 10 triệu tấn tín chỉ carbon rừng.

Giao thông gặp khó vì mở rộng rào thi công hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng

Giao thông gặp khó vì mở rộng rào thi công hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng

Trong vài ngày trở lại đây, tại khu vực thi công hầm chui Kim Đồng – Giải Phóng (Hà Nội), rào chắn đã mở rộng để phục vụ công tác thi công. Tại ngã ba Giải Phóng – Kim Đồng, phía đường Giải Phóng, rào được mở rộng sang phía Kim Đồng tạo thành đoạn vòng cung.