Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Phạt 100 triệu đồng nếu chọn giới tính thai nhi

Nguyễn Yên: Thứ hai 09/06/2025, 15:08 (GMT+7)

Tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi khá phổ biến khiến việc mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng. Trước thực tế này, trong dự án Luật Dân số đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất nâng mức xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

VIỆT NAM SẼ DƯ THỪA 1,5 TRIỆU NAM GIỚI

Bộ Y tế đang dự thảo Luật Dân số nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại; đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới. Dự thảo này gồm có 06 chương, 35 điều, trong đó đề xuất 5 nội dung cơ bản là: Quy định quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; các biện pháp về duy trì mức sinh thay thế; quy định về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; quy định các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số và sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất.

Đáng lưu ý trong dự án Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất tăng mức phạt hành chính với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi từ 30 triệu lên tối đa 100 triệu đồng. Theo Bộ Y tế, hành vi lựa chọn giới tính thai nhi là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh - một vấn đề nhân khẩu học đã và đang để lại nhiều hệ lụy dài lâu.

Từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta đã vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên và tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới 15 - 49 tuổi vào năm 2039 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, bạo hành giới, tội phạm xuyên quốc gia

Theo số liệu mới nhất, năm 2024, cứ 100 bé gái chào đời thì có đến 111,4 bé trai - vượt xa mức cân bằng tự nhiên. Do đó, Dự án Luật Dân số vừa tiếp tục kế thừa quy định nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức của Pháp lệnh Dân số vừa đề xuất nâng mức phạt lên đến 100 triệu đồng với các cá nhân vi phạm. Hiện, mức phạt tối đa là 30 triệu đồng với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực dân số.

Cùng với việc tăng mức xử phạt, Bộ Y tế cũng đề xuất công khai định kỳ danh sách các địa phương có tỉ lệ mất cân bằng giới tính cao, đồng thời tăng cường truyền thông, giáo dục cộng đồng thay đổi hành vi nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đưa các nội dung về xóa bỏ phân biệt, định kiến giới, trọng nam hơn nữ, kỳ thị con gái hoặc con trai.

Bộ Y tế đánh giá, chính sách về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên sẽ tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên...

Giải pháp ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính nằm trong dự thảo Luật Dân số được lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 12/6. Sau đó, Dự Luật này sẽ được Bộ Y tế trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 năm 2025.

Ảnh minh họa: Đề xuất mới có thể phạt 100 triệu đồng nếu chọn giới tính thai nhi (VN)

Ảnh minh họa: Đề xuất mới có thể phạt 100 triệu đồng nếu chọn giới tính thai nhi (VN)

NGOÀI MỨC PHẠT CẦN PHẢI THAY ĐỔI NHẬN THỨC

Bộ Y tế cho rằng mức phạt tối đa là 30 triệu đồng hiện nay đối với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực dân số là chưa đủ sức răn đe nên đề xuất tăng lên 100 triệu đồng. Đây liệu đã là biện pháp can thiệp đủ mạnh để đối phó tình trạng mất cân bằng giới tính?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng Đại biểu Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội về nội dung này.

PV: Thưa đại biểu, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những mục tiêu của dự án Luật Dân số mà Bộ Y tế xây dựng. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của nội dung này?

ĐBQH Trương Xuân Cừ: Về mặt khoa học hay thực tiễn thì cân bằng giới tính khi sinh đều hết sức cần thiết, rất nhiều nước quan tâm vấn đề này và thực hiện rất tốt.

Ở Việt Nam, tỷ lệ sinh bé trai luôn cao hơn bé gái đã ảnh hưởng tới cân bằng giới tính gây ra những hệ lụy to lớn sau này nên việc sinh đẻ một cách tự nhiên nhất để cân bằng về giới tính là việc làm cần thiết.

Rất nhiều năm nay dù đã có nhiều biện pháp nhưng chúng ta thấy rằng mức sinh giữa bé trai và bé gái vẫn còn khác biệt tương đối lớn. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn, thấu đáo hơn, toàn diện hơn và có các biện pháp toàn diện hơn.

PV: Thưa đại biểu, trong Dự thảo Luật Dân số đã đề xuất tăng mức phạt với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi lên 100 triệu đồng. Ông đánh giá thế nào về biện pháp này?

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội

ĐBQH Trương Xuân Cừ: Để xử phạt hành chính thì đánh vào vấn đề kinh tế thì ý thức thực hiện của con người sẽ tốt hơn.

Tôi nghĩ rằng việc xử phạt các cặp vợ chồng, những người tác động vào giới tính để sinh con theo ý muốn, nhất là sinh con trai là cần thiết, tuy nhiên tôi thấy mức phạt 30 triệu mà nâng cao hơn nữa cần tính toán về mặt tác động, tác động tới gia đình, tới xã hội.

Vì hiện nay thu nhập bình quân ở nước ta còn thấy nên có thể tăng mức phạt nhưng mức bao nhiêu cần xem xét cụ thể và toàn diện hơn. Chứ để mức phạt cao quá thì có khi phản tác dụng, không khả thi và không thực hiện được. 

Nếu chúng ta chỉ tăng cao mức phạt mà không thay đổi được ý thức, nhận thức thì người ta có thể sẽ có cách làm kín đáo hơn, bí mật hơn mà các cơ quan chức năng không thể phát hiện được.

PV: Vậy, đại biểu có đóng góp gì với Dự án Luật Dân số để quy định về việc xử phạt nếu chọn giới tính thai nhi phát huy ý nghĩa trong thực tiễn?

ĐBQH Trương Xuân Cừ: Dự thảo Luật tôi nghĩ cần được nhìn nhận một cách toàn diện hơn, bản chất hơn. Và chúng ta không chỉ dừng ở việc xem xét mức phạt bao nhiêu là hợp lý mà nó chỉ là một nhân tố để tác động mà cần phải tính đến nhiều giải pháp hơn nữa đối với các cơ quan chuyên môn, những người thực thi nhiệm vụ, theo tôi trong Luật cần gắn trách nhiệm và xử lý những người làm trái quy định; thứ 2 là trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở như tổ dân phố, tổ thôn bản với vấn đề này, đặc biệt là việc giáo dục ý thức, trách nhiệm của mỗi gia đình để sinh con tự nhiên.

PV: Vâng, xin được cảm ơn đại biểu!

XÁC ĐỊNH VI PHẠM KHÔNG ĐƠN GIẢN

Những năm qua, nhiều các hoạt đông, các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới đã được tổ chức nhưng thực tế cho thấy, tuyên truyền nếu không đi kèm với chế tài đủ mạnh thì hiệu quả rất hạn chế. Do đó, đề xuất tăng cao mức phạt được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng.

Quy định này trong Luật Dân số sẽ có những tác động xã hội ra sao khi được thông qua? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:

PV: Thưa ông, theo ông vì sao cần đề cập tới việc tăng mức phạt khi phát hiện chọn giới tính thai nhi trong Dự thảo Luật Dân số?

PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS. TS Giang Thanh Long: Nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nó bắt nguồn từ những thay đổi rất lớn trong việc đưa ra các chính sách và chiến lược về dân số Việt Nam trong thời kỳ tới.

Hiện nay chúng ta nhìn thấy rõ mức sinh thay thế đã giảm, tỷ suất sinh Việt Nam đã giảm còn 1,91. Chúng ta cũng đã thấy rõ bài học từ các nước đã phải đối mặt với tình trạng này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,  Thái Lan. Nó cũng tuân theo những thống nhất với quốc tế, đặc biệt là chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về dân số phát triển có nhấn mạnh vấn đề đảm bảo quyền con người, quyền sinh sản có một cuộc sống tự do, hạnh phúc cho người dân.

PV: Với đề xuất phạt 100 triệu đồng nếu phát hiện chọn giới tính thai nhi, ông có cho rằng mức phạt càng cao thì càng có tính răn đe và đủ sức ngăn chặn không?

PGS. TS Giang Thanh Long: Đây là quy định bình thường trong các quy định thuộc quy phạm pháp luật. Nếu chúng ta chỉ đưa ra khung hình phạt không thôi thì không hiệu quả vì có những người chấp nhận tiền phạt để đạt được mục đích khi lựa chọn được con trai hay con gái. 

Để xác định thế nào là hành vi vi phạm lựa chọn giới tính cũng không đơn giản, nó liên quan tới những vấn đề rất sâu về mặt chuyên môn. Phạt là một chuyện, quan trọng nhất là chúng ta phải thay đổi công tác truyền thông và vận động để người dân thay đổi quan niệm về lựa chọn giới tính.

Tôi nghĩ trong Luật nên có những quy định về việc tổ chức thông tin, truyền thông để thay đổi hành vi. Chúng ta cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để giảm được sự chênh lệch, mất cân bằng giới tính khi sinh bởi hệ quả lâu dài của nó là không lường được.

PV: Ngoài ra, ông còn có những đóng góp gì đối với việc xây dựng Luật Dân số nhằm bổ sung những biện pháp hỗ trợ toàn diện và thực tiễn hơn?

PGS. TS Giang Thanh Long: Luật Dân số nằm trong hệ thống với các Luật pháp khác nên cần đảm bảo ngoài việc hỗ trợ thay đổi dân số một cách phù hợp thì nó phải gắn với các chính sách có liên quan như an sinh xã hội, nhà ở...Cần có những điều luật để liên kết với các luật khác để mọi người thấy rằng nó không chỉ là vấn đề kiểm soát.

Tôi cho rằng, trong Luật Dân số cần nhấn mạnh về công tác truyền thông có hiệu quả cho người dân, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh đẻ nhận thức được các vấn đề sinh con như thế nào, hướng tới việc sinh con đảm bảo chất lượng sinh con thay vì chăm chăm lựa chọn rất muốn có con trai hay con gái.

PV: Vâng, xin được cảm ơn ông!

PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS. TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Nhiều ý kiến hiện cho rằng, việc nâng mức phạt là cần thiết để tăng tính răn đe và giảm bớt sự tiếp tay của các cơ sở y tế, bác sĩ và cá nhân trong việc công khai tiết lộ giới tính thai nhi với mục đích lựa chọn. Mức phạt cao lên tới 100 triệu đồng không chỉ dừng lại ở mặt tài chính mà còn mang ý nghĩa xã hội, thể hiện rõ lập trường của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền được sinh ra một cách công bằng của mọi đứa trẻ, bất kể giới tính.

Tuy nhiên, bước đi này sẽ chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn nạn lựa chọn giới tính thai nhi nếu nếu không có hệ thống giám sát chặt chẽ, quy trình kiểm tra minh bạch và chế tài đi kèm với trách nhiệm giải trình rõ ràng từ phía các cơ sở y tế.

Bạn kỳ vọng gì vào Luật Dân số với đề xuất nâng mức xử phạt lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi? Những quy định mới sẽ giúp cần thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người về lựa chọn giới tính thai nhi, khuyến khích sinh con theo quy luật tự nhiên ra sao? Góp phần kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM 91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên VOV Giao thông FM 91 MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động.

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Danh sách 451 ô tô bị phạt nguội tháng 5

Hà Nội: Danh sách 451 ô tô bị phạt nguội tháng 5

Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) vừa thông tin danh sách 451 xe ô tô vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bị phát hiện qua hệ thống camera giám sát giao thông trong tháng 5/2025 (từ ngày 1-31/5/2025).

Sự thật phía sau việc giáo viên bị tố thiếu chuẩn mực tại trường Marie Curie - Long Biên

Sự thật phía sau việc giáo viên bị tố thiếu chuẩn mực tại trường Marie Curie - Long Biên

Do nghi vấn học sinh không trực tiếp thực hiện bài tập về nhà nên cô giáo tại trường Marie Curie, Long Biên, Hà Nội, đã chất vấn học sinh và quay lại clip dẫn đến tình trạng học sinh này bị hoảng loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ, phản ứng stress cấp.

Hơn 700.000 người học lái xe chưa biết bao giờ được sát hạch

Hơn 700.000 người học lái xe chưa biết bao giờ được sát hạch

Hiện cả nước có hơn 700.000 học viên đã hoàn thành việc đào tạo, nhưng chưa được sát hạch để cấp giấy phép lái xe (GPLX). Nguyên nhân chưa tổ chức thi sát hạch lái xe là do liên quan đến đấu thầu, thuê các cơ sở đủ tiêu chuẩn để tổ chức sát hạch, nên mất thêm nhiều thời gian.

Giá xăng dầu tăng lần thứ 3 liên tiếp

Giá xăng dầu tăng lần thứ 3 liên tiếp

Giá xăng tại kỳ điều hành hôm nay (12/6) được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp. Giá xăng RON 95 vượt 20.300 đồng/lít.

Lý do Công binh khẩn cấp cắt cầu phao Phong Châu

Lý do Công binh khẩn cấp cắt cầu phao Phong Châu

Vì sao cầu phao Phong Châu bất ngờ bị cắt khẩn cấp? Cùng tìm hiểu toàn cảnh sự việc và phản ứng của chính quyền địa phương.

Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết cả nước có 34 tỉnh, thành phố

Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết cả nước có 34 tỉnh, thành phố

Sáng nay (12/6), tại Kỳ họp thứ 9, sau khi thảo luận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.

Không để “nước ngọt” gây ra hệ quả “đắng”

Không để “nước ngọt” gây ra hệ quả “đắng”

Việt Nam đang phải đối mặt với một “dịch bệnh thầm lặng” – gây ra bởi tình trạng tiêu thụ nước giải khát có đường ngày càng tăng, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên.