Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Nỗ lực vì môi trường xanh bền vững

Mộng Toàn: Thứ bảy 24/09/2022, 21:13 (GMT+7)

Phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững đang là hướng đi mà nhiều địa phương tại ĐBSCL hướng đến. Như tại Hậu Giang vừa có báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm đưa ra những giải pháp để hướng đến một Hậu Giang phát triển "xanh và bền vững".

Chạy xe máy dọc theo con lộ dẫn vào ấp 9, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi bị thu hút bởi những khóm hoa, hàng rào cây xanh thẳng tắp, đẹp mắt hai bên con đường quê.

Điều đặc biệt thu hút chúng tôi không chỉ cảnh quan mà còn là cách xử lý rác thải của bà con nơi đây. Ghé thăm nhà ông Lê Văn Hai để tìm hiểu thêm câu chuyện này. Ông Hai kể, với bà con, rác thải cũng là một nguồn tài nguyên, nếu áp dụng đúng cách phân loại, rác thải sinh hoạt hàng ngày có thể phân loại, tận dụng làm phân bón cho cây trồng vừa tiết kiệm vừa an toàn.

Ông Lê Văn Hai chia sẻ: "Rác mình ít nhưng cũng vẫn phân loại, phân ra cái nào mình xử lý mình đốt, còn chai mũ mình phân tách riêng. Cái nào đốt thì đốt, cái nào bán ve chai thì bán. Còn vỏ trái cây hay gì đó cái mình vô bọc, ủ đó, phân ủy ra mình cho vào cây kiểng cũng được, thấy mình làm cái dân lân cận làm theo."

Huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Wikipedia

Huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Wikipedia

Không chỉ ông Hai, mà bà con trong ấp, trong xã đều đồng lòng thực hiện, nhờ đó mà cảnh quan, môi trường sống ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Theo UBND xã Vị Thắng, ngoài tập trung cao độ làm cảnh quan, vệ sinh môi trường, tuyến đường đẹp, được trên hỗ trợ một số thùng chứa rác, UBND xã cũng đã xây dựng mô hình ở ấp 10 để triển khai thu gom, phân loại qua đó nhân rộng ra, phối hợp với công trình đô thị thu gom, xử lý rác.

Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Hỗ trợ một số thùng chưa rác, rồi ở đây UBND xã Vị Thắng cũng lấy mô hình HTX của ấp 10 để là việc thu gom, phân loại, xử lý rác trên địa bàn để làm mẫu. Phối hợp với công trình đô thị để xử lý một số rác trên các tuyến đường làm sao đảm bảo công tác cảnh quan môi trường."

Từng mô hình khi được triển khai, đều nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân địa phương. Như tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, sau hơn 1 năm Hội Liên hiệp phụ nữ xã phát động chị em thực hiện mô hình Đổi rác thải thành cây xanh, làng quê như được tô thêm sắc thắm. Thời gian đầu triển khai, số lượng thành viên tham gia mô hình chỉ có 50 người nhưng đến nay số chị em phụ nữ đăng ký tham gia đã tăng lên gần 150 người. Mô hình đã đổi được khoảng 2.600 cây xanh các loạim điểm tô cảnh quan cho các gia đình trong xã.

Chia sẻ về mô hình này, bà Đặng Thị Ngọc Ước, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thuận Hưng, cho biết: "Từ khi thành lập mô hình đổi rác thải thành cây xanh thì ý thức hội viên và nhân dân được nâng cao, không có vứt rác bừa bãi, biết cách phân loại rác hữu cơ, vô cơ riêng. Các thành viên trong mô hình sẽ gom những cái chai nhựa để đổi, lấy tiền mua những cây xanh để trồng xung quanh nhà, trên tuyến lộ thành lập mô hình đó. Còn rác hữu cơ thì mình sẽ ủ thành cái phân để trồng cây.".

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và nông thôn. Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan củng cố và thành lập mới 361 Tổ vệ sinh môi trường tại 361 ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh; tổ chức thu gom, chuyển giao xử lý hơn 10 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hỗ trợ các địa phương 8 xe đẩy tay thu gom rác, 228 thùng rác công cộng và 2.500 sọt chứa rác hộ gia đình...Có thể nói, thông qua việc tuyên truyền, ý thức người dân đã có sự chuyển biến rõ nét trong cách nghĩ, cách làm.

Ngày 04/12/2020 Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị Quyết 20/2020/NQ-HĐND thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: kinhtemoitruong.vn

Ngày 04/12/2020 Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị Quyết 20/2020/NQ-HĐND thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: kinhtemoitruong.vn

Đáng chú ý, tỉnh đang thực hiện Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về hiện trạng môi trường, báo cáo chỉ ra rằng, tài nguyên nước Hậu Giang, lưu lượng rất dồi dào, có nhiều hệ thống sông lớn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn rất nhiều địa phương nằm phía tây bắc; phía tây như thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp nằm trong vùng giáp nước.

Do vậy, phát thải của Hậu Giang hiện nay và tương lai dù không cao nhưng nếu không phá được “bẫy” vùng giáp nước, thì tương lai môi trường nước Hậu Giang sẽ luôn luôn bị ô nhiễm. Dù nguồn thải không phải tỉnh Hậu Giang, do tích tụ lại, không thoát được.

Ngoài ra, báo cáo cũng xác định rõ các vấn đề môi trường chính sẽ bị tác động lớn do việc quy hoạch phát triển của tỉnh như về môi trường nước, môi trường đất, môi trường sinh vật, đa dạng sinh học, phát thải, ô nhiễm môi trường và những vấn đề về xã hội.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Về biến đổi khí hậu chúng tôi cũng chủ động để trước hết tạo ý thức cho người dân, cái thứ 2 bằng những hành động cụ thể vừa qua phải nói đến giờ này chất lượng môi trường ở Hậu Giang nói chung khá trong lành, chất lượng nguồn nước, khí hậu ở Hậu Giang phải nói khá trong lành, chúng tôi cố gắng giữu cái này và giữ cho nó được tốt hơn so với những cái hiện tại của mình bây giờ, hướng tới chúng tôi cố gắng nhiều hơn”.

Có thể thấy, bảo vệ môi trường vì một Hậu Giang sáng - xanh - sạch - đẹp, là nơi đáng sống xang đang nhận được sự chung tay, thực hiện của cả cộng đồng. Bởi khi có sức khỏe ta có ngàn ước mơ. Khi không có sức khỏe, ta chỉ có một ước mơ là sức khỏe. 

Mộng Toàn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn