Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Những người “khản giọng” giữa tắc đường

Chu Đức: Thứ ba 19/12/2023, 16:24 (GMT+7)

Cuối năm, áp lực giao thông tăng cao. Bên cạnh lực lượng chức năng, những tình nguyện viên, lực lượng bán chuyên trách tham gia hỗ trợ phân luồng cũng vất vả xông pha giữa ùn tắc, và đôi khi la hét đến khản giọng để nhắc nhở, hướng dẫn, giữa lúc giao thông "cài răng lược".

Một trong số đó là ông Đặng Vũ Tuấn, một bảo vệ dân phòng ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người hiểu rõ như lòng bàn tay nút giao Ngõ 13 phố Lĩnh Nam, một điểm nóng xung đột giao thông, nơi rất gần 3 trường học, 1 chợ dân sinh và 3 chung cư. VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bác Tuấn để tìm hiểu thêm:

PV: Cháu chào bác, bác có thể giới thiệu sơ qua về công việc của mình hàng ngày?

Bác Tuấn: Công việc của chúng tôi là 6h30 sáng đến 11h, chiều từ 4h đến 7h tối hàng ngày ra đây tập trung hướng dẫn giao thông. Chúng tôi phối hợp cùng với công an phường chia nhau ra từng đoạn để làm.

PV: Mỗi vị trí này có mấy người ạ?

Bác Tuấn: Mỗi vị trí có 1 người. Ở tuyến chính trên kia thì có thêm cả công an, dân phòng, cảnh sát giao thông nữa. Còn khu vực này chỉ mình tôi đảm trách. Khó khăn cái là không để ùn tắc khu vực này. Xin phép anh nhé

PV: Dạ vâng, bác tiếp tục làm việc đi ạ.

Trong giờ cao điểm tại nút giao ngõ 13 phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chỉ cần vắng bóng lực lượng bảo vệ dân phòng như ông Đặng Vũ Tuấn là các phương tiện rơi ngay vào thế 'cài răng lược'

Trong giờ cao điểm tại nút giao ngõ 13 phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chỉ cần vắng bóng lực lượng bảo vệ dân phòng như ông Đặng Vũ Tuấn là các phương tiện rơi ngay vào thế 'cài răng lược'

Trong quá trình trao đổi, bác Tuấn liên tục đảo mắt quan sát ngã ba này. Khi có dấu hiệu xe đông, các luồng rẽ chuẩn bị xung đột, bác liền lao ra ngay, để tránh hiện tượng “cài răng lược”. Theo quan sát của tôi, ngã ba này các xe ô tô được rẽ tất cả các hướng. Trong khi đường hẹp, lưu lượng xe cao.

Sau khi len lỏi trong ùn ứ, nắn các dòng phương tiện để lưu thoát xe, bác ấy đã trở lại. Tôi sẽ tiếp tục cuộc nói chuyện.

PV: Bác có thể nhận xét sơ qua về nút giao Tam Trinh-Lĩnh Nam và một phần ngõ 13 này?

Bác Tuấn: Nút giao này khá đông, nhất là giờ cao điểm. Có tới 3-4 làn xe đều vào. Mà đầu cầu trên kia mà tắc thì sẽ tắc toàn tuyến luôn.

PV: Đoạn ngã ba này có trường học ở trong?

Bác Tuấn: Có 2-3 trường học lớn trong này. Cộng với đường họ mở từ Minh Khai vào, cao điểm xe con họ lánh vào rất nhiều. Mà Minh Khai không tắc thì cao điểm họ cũng vào. Nhất là 6h30-7h30.

PV: Cháu nhận thấy, cần phải có giọng khỏe và to để có thể nhắc nhở người tham gia giao thông như bác. Vậy bác gặp những lỗi đi lại phổ biến nào gây ùn tắc?

Bác Tuấn: Phổ biến là đi chéo làn, đi ngược chiều gây nên ùn tắc cục bộ.

PV: Có trường hợp nào họ không đi theo sự hướng dẫn của bác?

Bác Tuấn: Có chứ, có người còn xuống cà đánh nhau với chúng tôi.

Nhiều lúc lực lượng phân luồng phải kêu hét đến khản giọng, thậm chí bị dọa đánh chỉ vì họ nhắc nhở, uốn nắn dòng phương tiện trong ùn tắc

Nhiều lúc lực lượng phân luồng phải kêu hét đến khản giọng, thậm chí bị dọa đánh chỉ vì họ nhắc nhở, uốn nắn dòng phương tiện trong ùn tắc

PV: Vậy sau đó, bác xử lý thế nào?

Bác Tuấn: Mình chỉ nói thôi. Nhân dân xung quanh họ ủng hộ thôi. Một số anh em thanh niên gần đây là họ xuống ngay để can thiệp, không để xảy ra sự việc đáng tiếc.

PV: Có lẽ họ cũng không hiểu tại sao lại phải đi như vậy…

Bác Tuấn: Cũng có giải thích nếu đi lấn làn thì các vị tự làm tắc các vị thôi. Chúng tôi ở đây hàng ngày thì chẳng sao, còn các vị mất thời gian, công việc thôi.

PV: Bác thấy kỹ năng phân làn, hướng dẫn giao thông ở đây khó nhất ở điểm nào?

Bác Tuấn: Khó nhất là bị các vị đi lấn làn. Nếu người ta chấp hành cả thì nói với anh là ổn định ngay. Nên lúc nào cũng phải điều tiết hai bên làn đi, không có lỗ trống nào họ điền lung tung vào.

PV: Động lực nào giúp bác làm việc này bền bỉ như vậy?

Bác Tuấn: Nói chung do tuổi, phải cơ động, làm nhiều mới khỏe. Chứ còn ngồi một chỗ nhiều thì ốm luôn.

PV: Trước đây bác làm nghề gì ạ?

Bác Tuấn: Tôi đi bộ đội, xong tôi về tôi làm bên ngành xây dựng.

PV: Kỷ niệm nào bác nhớ nhất ở đây?

Bác Tuấn: Không, chẳng có kỷ niệm nào. Cứ sáng ra mình làm như thói quen. Còn có cụ già hay học sinh nào muốn sang đường mà không đi được thì mình giúp đưa họ sang thôi. Đó là công việc của mình.

PV: Bác có mong muốn nào về giao thông ở khu vực này?

Bác Tuấn: Nói thật với anh, tôi chỉ mong bà con chấp hành luật giao thông, đường mình mình đi, chứ càng lấn đường, lấn làn thì càng chết, càng tắc.

PV: Xin cảm ơn bác Tuấn.

Việc phân luồng, hướng dẫn và giúp đỡ người tham gia giao thông đã là một thói quen hàng ngày, một việc làm bình thường với những tình nguyện viên, lực lượng bán chuyên như ông Tuấn

Việc phân luồng, hướng dẫn và giúp đỡ người tham gia giao thông đã là một thói quen hàng ngày, một việc làm bình thường với những tình nguyện viên, lực lượng bán chuyên như ông Tuấn

Giao thông dịp cuối năm rất phức tạp, nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc cục bộ. Do đó, để giảm bớt áp lực công việc cho lực lượng chức năng, các tình nguyện viên, bảo vệ dân phòng tham gia phần luồng, hướng dẫn, nhắc nhở giao thông, mỗi chủ phương tiện cần quán triệt tinh thần nhường nhịn, đi đúng phần đường làn đường, không lấn làn, chèn ép phương tiện khác.

Đôi khi, chỉ vì tâm lý nôn nóng muốn đi nhanh hơn một chút, được việc cho mình, mà các bạn có thể bỏ lại phía sau một điểm nóng hỗn loạn về giao thông, và đâu đó, còn là cả những tiếng kêu “khản giọng” của những người như bác Đặng Vũ Tuấn, các tình nguyện viên luôn căng mình hỗ trợ phân luồng giao thông.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn